Một buổi sáng đầu năm học, cô H. tổng phụ trách nhận cuộc gọi từ một người lạ:
- Chào cô, tôi có điều kiện, nhân đầu năm học muốn về trường mình tài trợ, phát quà cho học sinh khó khăn, có được không cô?
- Quá tốt anh ạ, trường tôi còn nhiều học sinh hoàn cảnh lắm, anh giúp đỡ các cháu còn gì bằng.
- Tôi có ý định tặng cho 5 cháu ở trường mình, mỗi cháu 1 cái xe đạp. Cô làm ơn cho tôi danh sách, điện thoại, địa chỉ của các cháu, tuần sau tôi xuống địa phương xác minh; sau đó chuyển quà về, nhờ cô phát giúp. Cô làm ơn gọi báo phụ huynh trước, chuẩn bị cho một bản phô tô sổ hộ khẩu.
Mọi người cần cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo nơi trường học. (Ảnh minh hoạ: Cand.com.vn) |
Kế hoạch chọn 5 học sinh nghèo được cô tổng phụ trách báo hiệu trưởng; giáo viên các lớp chọn, lập danh sách theo đúng yêu cầu của nhà tài trợ.
Đúng lịch trình đã hẹn, nhà tài trợ đến và nhận danh sách học sinh đi xác minh, nhà trường cũng yên tâm, vì đúng là những học sinh nghèo.
Hơn một tuần sau, 4 trong năm phụ huynh nhắn con, nhờ cô tổng phụ trách gửi lại chứng minh thư.
Cô giáo tổng phụ trách tìm hiểu, té ra nhà tài trợ đến xác minh, nhận bản phô tô hộ khẩu còn mượn giấy chứng minh thư của phụ huynh để ra trường phô tô; sau đó nhờ phụ huynh hay học sinh gặp giáo viên tổng phụ trách nhận lại.
Giáo viên làm chủ hụi, chơi hụi, chơi số đề trong trường học có phù hợp không? |
Thấy lạ, cô giáo gọi vào số điện thoại của nhà tài trợ, điện thoại không liên lạc được sau cả hàng chục cuộc gọi.
Chờ cả tháng sau, không thấy xe đạp đâu, chứng minh thư không lấy lại được, mấy phụ huynh đã xin đổi sang căn cước công dân; chuyện tưởng chừng em xuôi, nào ngờ mới đây có người của công ty tài chính tìm đến nhà bốn phụ huynh có học sinh “được tặng xe đạp” đòi tiền trả góp.
Vào tận trường lừa đảo giáo viên, học trò không mới, nhưng đây là một thủ đoạn mới mà mọi người cần cảnh giác.
Phụ huynh đã được cô giáo gọi báo trước, dù chỉ báo chuẩn bị một bản phô tô sổ hộ khẩu; tin tưởng vào nhà trường, vô tư đưa giấy tờ tùy thân cho kẻ xấu.
Những kẻ lừa đảo lấy chứng minh thư, thay hình của chúng, làm hồ sơ vay tiền trả góp của công ty tài chính. Các công ty tài chính dễ dãi trong khâu xét duyệt hồ sơ cho vay, vô tình bị kẻ xấu lừa đảo. Vô hình trung, nhà trường đã bị kẻ xấu lợi dụng.
Tránh bị kẻ gian lợi dụng, mỗi người cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không tin tưởng bất cứ ai khi đưa mồi nhử “con săn sắt”, coi chừng mất con cá rô.
Các trường học tiếp nhận tài trợ, từ thiện cần biết rõ người tài trợ, có địa chỉ hẳn hoi, có động cơ trong sáng; không để nhân danh tài trợ, từ thiện làm chuyện xấu, bôi nhọ xã hội, lừa đảo học trò.
Cảnh giác không thừa, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, các thủ đoạn lừa đảo tinh vi đang hằng ngày, hằng giờ được kẻ xấu tung ra; chỉ có tâm sáng, trí thông, lòng không tham mới không bị lừa.