Những thầy cô giỏi chuyên môn thì mấy khi được làm hiệu trưởng!

18/06/2019 06:28
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Người giáo viên giỏi thường là người ít nịnh bợ, ít quan tâm đến lãnh đạo mình là ai, ít đến nhà lãnh đạo trong dịp lễ tết.

Một giáo viên giỏi trong trường phổ thông được mặc định là người đó có nhiều học sinh giỏi các cấp, có nhiều năm đạt giáo viên giỏi các cấp, từng đảm nhận một số tiết thao giảng được hội đồng bộ môn và nhà trường đánh giá tốt.

Nếu là tổ trưởng chuyên môn thì quản lý được tổ của mình đi lên, anh em trong tổ đoàn kết, mỗi lần Phòng, Sở kiểm tra đều không có những sai sót lớn trong việc quản lý tổ và hoạt động chuyên môn.

Nếu là giáo viên chủ nhiệm thì được học trò yêu quý, phụ huynh và nhà trường tin tưởng. Ngoài ra, giáo viên đó cũng tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của trường của ngành và đạt được nhiều các danh hiệu thi đua.

Cơ hội giáo viên giỏi làm lãnh đạo nhà trường hiện nay là không nhiều (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn)
Cơ hội giáo viên giỏi làm lãnh đạo nhà trường hiện nay là không nhiều (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn)

Với chừng ấy công việc, với lòng nhiệt huyết với nghề như vậy thì thường người giáo viên ấy chỉ đủ phẩm chất, năng lực để làm một nhà giáo giỏi chuyên môn đơn thuần.

Còn làm cán bộ quản lý nhà trường e là chưa đủ. Thời buổi bây giờ mà có giáo viên giỏi lên làm lãnh đạo chắc cũng khó tìm lắm.

Muốn làm cán bộ quản lý nhà trường thì việc đầu tiên phải nằm trong quy hoạch cán bộ nguồn. Khi đã nằm trong quy hoạch nhiều năm thì được cử đi học lớp cán bộ quản lý và lớp trung cấp chính trị.

Những việc này, nhà trường chỉ đề nghị còn quyết định cử đi học hay không là cấp trên của nhà trường quyết. Đó là lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục (tùy vào cấp học).

Thực tế, khi quy hoạch thì những Ban giám hiệu nhà trường rất ít quy hoạch những người giỏi chuyên môn, nếu quy hoạch thì thành phần ấy phải có “gốc gác” lớn hoặc ít ra phải là người sống “biết điều” với lãnh đạo nhà trường.

Những giáo viên giỏi thường là những người có chính kiến rất rõ ràng, họ dám góp ý những điều chưa phù hợp, những hạn chế của Ban giám hiệu.

Bởi người dám nói phải là những người nắm rõ được các quy định của ngành, các chính sách của ngành và làm chủ được chuyên môn của mình

Một khi người thầy mà yếu chuyên môn, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì ai dám nói và nói cũng có ai tôn trọng. Vì thế, những người giỏi lại thường là những người không được lòng Ban giám hiệu, là cái gai trong mắt lãnh đạo.

Không giỏi chuyên môn, làm hiệu trưởng, hiệu phó thì...thảm lắm!

Những người này không mấy khi được quy hoạch, có nằm trong quy hoạch cũng không bao giờ đủ phiếu tín nhiệm của lãnh đạo nhà trường để bổ nhiệm làm cán bộ quản lý.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm quy hoạch hiện nay trong nhà trường theo 3 bước. Đầu tiên là lấy phiếu tín nhiệm trong tổ chuyên môn, sau đó lấy tín nhiệm trong đội ngũ cốt cán của nhà trường và cuối cùng là trong Ban chi ủy nhà trường.

Những người mà được lòng tất cả mọi người trong các bước lấy phiếu tín nhiệm phải là người dễ tính, không làm mất lòng người khác. Yếu tố chuyên môn cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là biết làm vừa lòng mọi người và lãnh đạo.

Trong nhà trường hiện nay, phần lớn là cấp dưới phục tùng cấp trên, cấp trên đúng thì đương nhiên là đúng, cấp trên sai cũng…là đúng.

Nếu giáo viên phản biện, nêu ý kiến cho dù lãnh đạo bằng mặt trước mọi người nhưng sau đó là chuỗi ngày khó khăn của người giáo viên đã dám nói cái sai của lãnh đạo trước hội đồng nhà trường.

Người được lòng lãnh đạo nhà trường thường không phải là người giỏi chuyên môn nhưng người đó phải là người có tiền, có khả năng nịnh bợ và bảo vệ những cái sai của lãnh đạo.

Người đó thường xuyên có mặt những buổi nhậu nhẹt, những lúc la cà trong quán xá và có khả năng chi tiền sau mỗi cuộc vui.

Những ngày nhà lãnh đạo có việc, những ngày lễ tết thì tất nhiên phải có mặt để sốt sắng lo công việc cùng lãnh đạo. Biết mua tặng những món quà, những vật phẩm mà lãnh đạo thích.

Khi lấy được lòng lãnh đạo nhà trường thì mọi thứ đều hanh thông, mọi công việc trong trường ít khi bị soi mói, ít khi bị kiểm tra và khi đánh giá, xếp loại viên chức, xếp thi đua thường được lãnh đạo chú tâm để ý.

Lãnh đạo nhà trường tốt, không nhất thiết phải là giáo viên giỏi

Và, tất nhiên, những giáo viên đó sẽ được ưu tiên gửi đi học các lớp nếu ngành tổ chức để tạo lớp cán bộ nguồn cho tương lai.

Khi được cử đi học các lớp cần thiết để bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường cũng chỉ là yếu tố cần chứ chưa phải là đủ. Bởi, muốn được bổ nhiệm tất nhiên phải biết quan hệ với lãnh đạo Phòng, Sở và các cá nhân cốt cán ở Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh.

Nhiều khi trường có đủ cán bộ nguồn để bổ nhiệm khi mà trong đơn vị có người về hưu hoặc luân chuyển đến vị trí mới. Nhưng, nếu không đủ “yếu tố cần” thì cấp trên lại điều một cá nhân nào đó từ trường khác về.

Việc quy hoạch cán bộ nguồn cũng thường chỉ nằm trong một nhiệm kỳ và nhiều lắm đến 2 nhiệm kỳ. Khi lãnh đạo nhà trường đi trường khác hoặc về hưu thì người khác về họ lại chú ý, lưu tâm đến những người khác.

Hơn nữa, theo quy định tuổi tác để bổ nhiệm thì cũng chẳng mấy ai cứ mãi bám theo những mục tiêu mà mình đã đặt ra và đã đầu tư hàng chục năm trời.

Người giáo viên giỏi thường là người ít nịnh bợ, ít quan tâm đến lãnh đạo mình là ai, ít đến nhà lãnh đạo trong dịp lễ tết. Họ coi trọng nhân cách, họ không muốn cúi luồn ai cả.

Đơn giản, họ chỉ muốn mình là một người thầy dạy lớp, được bên học trò hàng ngày.

Chuyện làm lãnh đạo phải là những người có khả năng ăn nói, khả năng chịu trận, khả năng ăn nhậu, khả năng chịu chi tiền. Những điều này, đa phần giáo viên giỏi đều không có… khả năng. Nói đúng hơn là họ không muốn làm như thế bao giờ.

NGUYỄN NGUYÊN