Những tín hiệu vui từ bài báo “Hiệu trưởng ép trực Tết, thầy cô có quyền từ chối

28/12/2019 06:26
Ánh Dương
(GDVN) - Giáo viên trên khắp mọi miền cả nước rất vui với bài viết “Hiệu trưởng ép trực Tết, thầy cô có quyền từ chối” của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bài báo là chỗ dựa pháp lí

Ngày 23/12/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Hiệu trưởng ép trực Tết, thầy cô có quyền từ chối”.

Bài báo thông tin, thầy cô không trực trường vào các dịp lễ Tết là hoàn toàn đúng với quy định về chế độ làm việc hiện hành của giáo viên.

Nếu Hiệu trưởng thỏa thuận với giáo viên đi trực trường vào thời gian nghỉ Tết thì nhà trường có nghĩa vụ trả tiền lương làm thêm giờ cho thầy cô theo quy định của pháp luật.

Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết này, nhiều thầy cô trên khắp mọi miền cả nước đã hiểu hơn về chế độ chính sách của giáo viên.

Hơn cả, thầy cô hoàn toàn có quyền từ chối trực Tết theo vì đúng với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ luật Lao động.

Ngày 26/12, một đồng nghiệp ở địa bàn quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh thông báo với chúng tôi, trường thầy đã có thông báo trực Tết theo tinh thần giáo viên tự nguyện đăng kí (dù rất nhiều năm trước đó Hiệu trưởng bắt buộc tất cả giáo viên/nhân viên phải trực Tết).

Nhiều thầy cô trên khắp mọi miền cả nước đã hiểu hơn về chế độ chính sách của giáo viên. (Ảnh minh họa: Vov.vn)
Nhiều thầy cô trên khắp mọi miền cả nước đã hiểu hơn về chế độ chính sách của giáo viên. (Ảnh minh họa: Vov.vn)

Thầy giáo nói rằng, giáo viên trường thầy đã chia sẻ rộng rãi bài báo lên Facebook nên năm nay Hiệu trưởng đã có quyết định thay đổi nhanh chóng.

“Giáo viên trường tôi rất phấn khởi khi Hiệu trưởng đã chính thức thông báo không bắt buộc trực Tết. Năm nay, nhiều thầy cô có thể về quê hay nghỉ ngơi tròn hai tuần mà không phải lo trực nữa”, thầy giáo nói trong phấn khởi.

Hỏi thăm một số đồng nghiệp đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác, nhiều giáo viên nói rằng, bài báo đã “đến” đúng lúc giúp giáo viên có thêm một điểm tựa pháp lí vững vàng về chế độ chính sách cho người trực Tết.

Nhiều giáo viên bày tỏ rất tin tưởng Hiệu trưởng đơn vị mình sẽ thực hiện nghiêm túc về quy định trực Tết cho giáo viên vì “báo ngành” (Báo điện tử Giáo dục Việt Nam) đã nói thì không sai được.

“Năm nay nếu Hiệu trưởng ép trực Tết thì tôi sẽ dựa vào nội dung bài báo (Hiệu trưởng ép trực Tết, thầy cô có quyền từ chối) để phản đối”, một giáo viên dạy bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Và những nỗi trăn trở đọng lại…

Thế nhưng, qua bài báo “Hiệu trưởng ép trực Tết, thầy cô có quyền từ chối”, một số bình luận để lại dưới bài đăng khiến chúng tôi rất trăn trở.

Công chức, viên chức ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum nghỉ Tết 7 ngày
Công chức, viên chức ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum nghỉ Tết 7 ngày

Tài khoản MINH TÂM viết:

“Tôi dạy mười mấy năm từ quận 7 rồi về quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh), Tết nào cũng phải trực, làm gì có lương. Hiệu trưởng trường nào cũng nói đó là nghĩa vụ, nếu bận việc nhà hay về quê không trực được thì phải nhờ người trực thay (còn phải gửi tiền thù lao), có giáo viên nào dám từ chối đâu.”

Tài khoản TÚ CHÂU cùng cảnh ngộ bày tỏ:

“Ở trường tôi hầu hết mọi người đều ở xa nếu không trực Tết thì đóng tiền vào. Đã không được thưởng Tết lại còn bị mất tiền. Khổ”.

Cùng hoàn cảnh, tài khoản CÔNG LÝ bình luận:

“Tôi quê ở xa mà năm nào cũng bị bắt trực mùng 1. Không trực thì Hiệu trưởng nói xét thi đua không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì đuổi ra khỏi ngành.”

“Hổng (không) dám từ chối đâu! Hiệu trưởng nắm quyền sinh sát trong tay sẽ lập tức đuổi việc ngay nên dù đau đáu với mấy ngày nghỉ Tết cũng phải tuân lệnh. Giáo viên bây giờ sợ nhất bị đuổi việc vì kiếm việc trở lại sẽ nhọc nhằn lắm”, tài khoản NGUYỄN TÂM lo sợ.

Đọc những bình luận trên, chúng tôi rất đồng cảm với thầy cô, bởi đa số giáo viên chỉ quen với bảng đen phấn trắng và thiếu am hiểu về pháp luật.

Trong mắt thầy cô, Hiệu trưởng rất uy quyền và dường như giáo viên chỉ biết tuân theo mệnh lệnh lãnh đạo (nhiều lúc vô lối).

Để giúp thầy cô giải tỏa những nỗi lo (như đã bày tỏ) và hiểu rõ hơn về chế độ chính sách trực Tết của giáo viên, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin.

Thứ nhất, nếu phải trực Tết, thầy cô sẽ được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thưởng Tết giáo viên- cái tài và cái tâm của hiệu trưởng
Thưởng Tết giáo viên- cái tài và cái tâm của hiệu trưởng

Cụ thể, tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 quy định tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Như vậy, khi giáo viên trực trường vào những ngày nghỉ Tết thì sẽ được trả thêm một khoản tiền bằng 300% tiền lương của ngày nghỉ Tết đó. 

Và khi thực hiện phân công trực Tết, lãnh đạo trường phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

Được sự đồng ý của giáo viên;

Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, lãnh đạo trường phải bố trí để giáo viên được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Thứ hai, nếu Hiệu trưởng bắt giáo viên trực Tết nhưng không chi tiền theo quy định, thầy cô buộc phải lên tiếng.

Trước hết, tổ trưởng công đoàn tổ phải tập hợp ý kiến của công đoàn viên trình lên Chủ tịch Công đoàn trường.

Sau đó, Chủ tịch Công đoàn làm việc với Hiệu trưởng để đòi quyền lợi chính đáng của người lao động.

Cũng chỉ cần hai bước như thế là Hiệu phải xem xét lại chế độ chính sách cho giáo viên, bởi hơn ai hết, Thủ trưởng là người nắm luật lao động rất rõ.

Chúng tôi tin rằng, thầy cô phải lên tiếng để đòi hỏi quyền lợi chính đáng thì Hiệu trưởng sẽ làm đúng. Còn nếu thầy cô chỉ biết ngậm ngùi thì những sai phạm, khuất tất không biết bao giờ mới được giải quyết.

Và như thế, niềm vui ngày Tết sẽ không trọn vẹn với thầy cô.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hieu-truong-ep-truc-tet-thay-co-co-quyen-tu-choi-post205584.gd

[2] //thukyluat.vn/news/phan-tich-chinh-sach/quyen-loi-chinh-dang-cua-giao-vien-khi-duoc-phan-cong-truc-tet-69981.html?fbclid=IwAR2nKNKAwz0Nm8PjPnlJFA_D8iannuylBStYtvyuS_vtYhADlgLLmCyxCZI

Ánh Dương