Ở Diên Khánh, giáo viên đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không mất tiền

18/06/2019 06:25
Nguyễn Văn Lực
(GDVN) - Ở Diên Khánh, giáo viên đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không phải “bận tâm” lo đóng tiền học phí vì kinh phí đó được Ủy ban nhân dân huyện “tài trợ".

LTS: Trước cách làm cần được nêu gương ở Diên Khánh (Khánh Hòa) khi tất cả giáo viên đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đều không phải lo đóng tiền học phí, tác giả Nguyễn Văn Lực đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo Thông tư số: 22/2015/TTLT-BGDĐT- BNV thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập quy định tại điều 5, mục 2, khoản d:

Ngoài các yêu cầu về trình độ chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học… phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III.

Cụ thể: Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số: V.07.04.102. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số: V.07.04.113. Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số: V.07.04.12.

Do vậy, hiện nay, giáo viên đều phải bắt buộc học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III tùy thuộc vào hạng đang giữ.

Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Việc học bồi dưỡng là cần thiết nếu để nâng cao năng lực nghiệp vụ cho thầy cô giáo, tuy nhiên không ít giáo viên có thắc mắc là việc thầy cô phải bỏ tiền để đóng “học phí” có đúng không?

Số tiền mỗi giáo viên phải đóng cũng khác nhau tùy theo mỗi địa phương. Ví dụ: Đăk Lăk khoảng hơn 3.000.000 đồng, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 5.000.000 đồng, Hà Nội khoảng 3.000.000 đồng…

Mỗi nơi mức đóng “học phí” khác nhau, nếu nhân số tiền này với số giáo viên trung học cơ sở cả nước sẽ ra con số không hề nhỏ, trong khi đời sống của đại đa số giáo viên vẫn còn không ít khó khăn và thời gian học lại tổ chức vào dịp giáo viên được nghỉ hè.

Riêng ở Diên Khánh, Khánh Hòa đáng để nhiều địa phương khác học tập và nên làm theo, đó là tất cả giáo viên đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đều không phải “bận tâm” lo đóng tiền học phí vì kinh phí đó được Ủy ban nhân dân huyện “tài trợ” trích nộp cho giáo viên từ nguồn ngân sách của địa phương.

Đây là một việc làm tác động lớn đến tinh thần của thầy cô giáo trong toàn huyện, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo huyện Diên Khánh đúng với tinh thần: “Tất cả vì sự nghiệp giáo dục, đầu tư cho giáo dục là không bao giờ lỗ”.

Vậy tại sao Diên Khánh làm được việc này trong khi nhiều địa phương khác không làm được?

Nỗi khổ của giáo viên khi bị ép học nâng ngạch

Câu trả lời tất cả do lãnh đạo địa phương có quan tâm đến giáo dục nhiều hay ít mà thôi!

Để tất cả giáo viên trong huyện đều được đi học thì phải có một khoản kinh phí tương đối lớn trong điều kiện ngân sách có hạn nên giải bài toán này là không phải dễ với lãnh đạo huyện.

“Cái khó ló cái khôn”, lãnh đạo huyện đã thống nhất với phòng giáo dục cử giáo viên đi học bồi dưỡng làm nhiều đợt do vậy số kinh phí nộp cho giáo viên từng đợt học cũng không nhiều, đồng thời số thầy cô còn một hay hai năm nghỉ hưu thì được miễn học. Đó chính là giải pháp hợp lý mà Diên Khánh thực hiện được thầy cô hoan nghênh.

Vào cuối năm học 2018 – 2019, nhiều trường trung học cơ sở trên cả nước phổ biến cho giáo viên đăng ký học bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III, nhiều giáo viên hỏi nếu không đăng ký học có được không? 

Câu trả lời chung là phải học để giữ hạng và để tính hưởng lương mới từ năm 2021 theo vị trí, việc làm chức danh nghề nghiệp, do vậy tất cả giáo viên dù muốn hay không cũng đều phải đăng ký học.

Theo ý kiến của đa số giáo viên việc phải học để có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III là không cấp thiết và cần thiết vì không phải học để nâng cao nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy chuẩn bị cho việc đổi mới căn bản toàn diện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện từ năm 2020-2021 (đối với lớp 6) mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo thông tư số 22.

Chi hơn 3 tỷ đồng bồi dưỡng giáo viên được điều chuyển dạy Mầm non, Tiểu học

Vậy có cần vội thực hiện không?

Còn chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức chung cụ thể. Phần I: Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung; Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp; Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.

Đây không phải là kiến thức chuyên môn nên chăng ngành giáo dục tổ chức bồi dưỡng phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì thiết thực hơn.

Hơn nữa việc thu tiền học bồi dưỡng của giáo viên không phải là quy định của Bộ Giáo dục trong công tác bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho giáo viên.

Rất mong các cấp nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có ý kiến chỉ đạo về việc này để giáo viên thuận lợi khi đi học như Diên Khánh đã thực hiện.

Nguyễn Văn Lực