Ở Trường mầm non Đông Khê, phụ huynh phải tự trả lương giáo viên hợp đồng

05/11/2019 06:40
Vũ Phương
(GDVN) - Ngoài khoản tiền vận động ủng hộ 400.000 đồng và đủ các khoản đóng góp, phụ huynh còn phải đóng 900.000 đồng một năm để ủng hộ giáo viên hợp đồng của trường.

Đông Khê một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, mấy năm gần đây cứ vào năm học mới phụ huynh phải đóng nhiều khoản tiền ngoài quy định nhưng không biết kêu ai, phản ánh lên cấp nào.  

Năm học 2019-2020, trước những khoản thu tiếp tục gắn mác tự nguyện, xã hội hóa, ủng hộ… phụ huynh Trường mầm non Đông Khê đã phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự bức xúc mong các cấp vào cuộc sớm để chấm dứt tình trạng này.

Một trong những khoản thu khiến phụ huynh bức xúc nhất đó là tiền vận động ủng hộ 400.000 đồng/học sinh.

Phụ huynh trường tiểu học Đông Khê ngậm ngùi nộp 1 triệu đồng ủng hộ
Phụ huynh trường tiểu học Đông Khê ngậm ngùi nộp 1 triệu đồng ủng hộ

Một phụ huynh cho biết: “Năm nào nhà trường cũng thu khoản này, nhưng làm gì, thu chi ra sao không thấy công khai, minh bạch.

Như năm học này giáo viên cũng chỉ đọc một loạt các khoản thu, phụ huynh không ghi kịp. Chỉ một số phụ huynh yêu cầu nhà trường phải in ra, chúng tôi mới có. Còn nhiều phụ huynh không có danh sách chi tiết các khoản nào”.

Một phụ huynh khác cho biết, buổi họp đầu tiên năm học mới, phụ huynh được thông báo tổng cộng bao nhiêu tiền. Phụ huynh có thể nộp đủ các khoản hoặc nộp một phần sau đó nộp nốt.

Phụ huynh sẽ nộp trực tiếp cho giáo viên phụ trách lớp và ký nộp vào một cuốn sổ ghi chép của giáo viên. Phụ huynh không có biên lai hoặc bất cứ một phiếu thu tiền nào khi nộp tiền cho giáo viên.  

Đáng nói, nhà trường còn kêu gọi phụ huynh ủng hộ tự nguyện nhưng thực chất như ép buộc mỗi phụ huynh ủng hộ 900.000 đồng/năm học để thêm thu nhập cho giáo viên hợp đồng.

Một phụ huynh cho biết: “Buổi họp phụ huynh nhà trường giải thích thu khoản ủng hộ giáo viên hợp đồng nói do không đủ giáo viên nên phải ký hợp đồng với một số giáo viên. Lương giáo viên hợp đồng thấp nên kêu gọi phụ huynh hỗ trợ thêm.

Chúng tôi không hiểu quy định về phân bổ giáo viên như thế nào và lương của giáo viên hợp đồng ra sao.

Nhà trường nói để tốt hơn cho các con học tập, các cô yên tâm và tận tình hơn trong việc chăm sóc các con nên kêu gọi phụ huynh ủng hộ. Nói ủng hộ, nhưng nhà trường áp đặt mức 900.000 đồng/năm học”.

Nhiều khoản thu thỏa thuận khiến phụ huynh Trường mầm non Đông Khê bức xúc. Ảnh: NVCC.
Nhiều khoản thu thỏa thuận khiến phụ huynh Trường mầm non Đông Khê bức xúc. Ảnh: NVCC. 
Ngoài khoản thu thỏa thuận, Trường mầm non Đông Khê còn thu nhiều khoản khác nữa như tiền đồ dùng dục cụ. Ảnh: NVCC.
Ngoài khoản thu thỏa thuận, Trường mầm non Đông Khê còn thu nhiều khoản khác nữa như tiền đồ dùng dục cụ. Ảnh: NVCC. 

Không chỉ khoản ủng hộ giáo viên hợp đồng, lãnh đạo Trường mầm non Đông Khê còn thu nhiều khoản thỏa thuận khác như tiền điện nước 100.000 đồng/học sinh/năm.

Tiền vận động ủng hộ 400.000 đồng/học sinh. Tiền cấp dưỡng 270.000 đồng (30.000 đồng/tháng x 9 tháng).

Tiền củi 72.000 đồng (8.000 đồng x 9 tháng). Tiền vệ sinh 100.000 đồng.

Tiền hoạt động lễ hội 150.000 đồng. Mua đồ chơi cho trẻ 100.000 đồng.

Quỹ hội phụ huynh 100.000 đồng. Tiền quỹ lớp 100.000 đồng (mua chổi, nước lau sàn, giấy vệ sinh…).

Ngoài ra còn tiền đồ dùng học tập 159.500 đồng, đồ dùng bán trú 41.500 đồng.

Phục vụ bán trú 360.000 đồng/học sinh/năm học.

Một vấn đề khiến phụ huynh bức xúc thời gian qua, đó là việc Trường mầm non Đông Khê cho học sinh nghỉ 2 buổi chiều thứ 6/tháng.

“Nhà trường nói cho học sinh nghỉ 2 buổi chiều thứ 6 trong một tháng để giao viên, bán giám hiệu họp và làm vệ sinh.

Phụ huynh rất bức xúc về việc này, nhưng nhà trường cứ đưa ra. Các cháu nghỉ chúng tôi lại phải nhờ người trông con hộ để đi làm. Điều này rất vô lý”, một phụ huynh bức xúc nói.

Trước nhiều khoản đóng góp vô lý, phụ huynh Trường mầm non Đông Khê cũng nêu thắc mắc, nhưng đều bị hiệu trưởng nhà trường giải thích một cách khó hiểu.

Như phụ huynh thắc mắc các khoản tiền cấp dưỡng, củi,.. phục vụ bán trú, lãnh đạo nhà trường giải thích qua loa rồi nói phụ huynh không cho ăn bán trú thì đón con về.

Ngoài ra còn nhiều khoản tiền khác như hoạt động lễ hội, tiền quỹ trường, quỹ lớp, đồ dùng học tập, mua đồ chơi cũng rất mập mờ.

“Năm nào phụ huynh cũng đóng tiền mua đồ chơi, nhưng các cháu toàn chơi đồ chơi cũ. Đồ chơi mới mua rất ít.

Bản thân tôi và nhiều phụ huynh bức xúc lắm nhưng sợ phản ánh con bị trù dập, không được đối xử công bằng, con sẽ bị thiệt”, phụ huynh có con học lớp 3 tuổi nói.

Trường mầm non Đông Khê nằm tại địa phương khó khăn, nhưng nhà trường đưa ra nhiều khoản thu ngoài quy định. Ảnh: NVCC.
Trường mầm non Đông Khê nằm tại địa phương khó khăn, nhưng nhà trường đưa ra nhiều khoản thu ngoài quy định. Ảnh: NVCC. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Cô Cao Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường mầm non Đông Khê khẳng định: “Trường chỉ làm theo văn bản chỉ đạo. Chúng tôi không thu khoản gì ngoài văn bản.

Trường chỉ gợi ý ủng hộ ở mức đó thôi. Còn ai có thì ủng hộ nhiều, không có thì ủng hộ ít”.

Về khoản hỗ  trợ giáo viên hợp đồng, cô Cao Thị Thu Huyền lý giải: “Trường có 5 giáo viên biên chế còn lại 7 giáo viên hợp đồng. Trường lấy từ nguồn học phí 60%, nhà nước hỗ trợ được 1 triệu đồng. Trường đang trả lương cho giáo viên hợp đồng mức 1,86 x 1 triệu 490 ngàn đồng nên trường vận động phụ huynh ủng hộ các cô giáo để đạt mức lương tối thiểu”.

Huyện chỉ hỗ trợ giáo viên mầm non diện hợp đồng 1 triệu đồng/tháng. Trích từ nguồn học phí 60% không đủ để trả cho giáo viên hợp đồng.

Đáng chú ý, cô Cao Thị Thu Huyền cho biết, trường nằm ở địa phương khó khăn, vùng sâu, giáo viên thu nhập rất khó khăn nên mới gợi ý phụ huynh ủng hộ.

Khoản thu ủng hộ cơ sở vật chất nhà trường thu theo Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn khoản thu ủng hộ giáo viên hợp đồng, huyện Đoan Hùng nhiều trường thu vậy.

“Phải thu biết làm sao được. Các trường khác đều thu như vậy. Cũng tùy trường, có trường thiếu cái gì thì kêu gọi phụ huynh ủng hộ, tài trợ”, cô Cao Thị Thu Huyền nói.

Nhà trường cần tiền làm gì mà nhiều thế?
Nhà trường cần tiền làm gì mà nhiều thế?

Như vậy, không chỉ Trường tiểu học Đông Khê phụ huynh phải ngậm ngùi đóng nhiều khoản tiền gắn mắc ủng hộ như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, Trường mầm non xã này cũng có những khoản thu trái quy định. 

Để chống lại căn bệnh lạm thu đầu năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học...

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ nếu trường học xảy ra sai phạm thu chi, hiệu trưởng sẽ bị xử lý theo quy định.

Vậy câu hỏi đặt ra, người đứng đầu Trường mầm non Đông Khê sẽ chịu trách nhiệm như thế nào, dư luận chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng huyện Đoan Hùng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đoan Hùng, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ.

Vũ Phương