Ông Lê Hồng Sơn nói nếu không có thù lao của nhà xuất bản thì ai làm sách?

09/12/2019 06:00
Phương Linh
(GDVN) - Theo ông Lê Hồng Sơn, thù lao này là chi trong nhiều năm, gộp lại thì thấy lớn nhưng không là gì so với chất xám, tâm huyết những người tham gia làm sách.

Ngày 8/12/2019, trong ngày làm việc thứ hai của kỳ họp lần thứ 17, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, buổi sáng, thư ký đã báo cáo những vấn đề, ý kiến mà các đại biểu đã thảo luận trong phiên làm việc ở tổ chiều hôm trước.

Tại phiên làm việc này, nhiều ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề, một số cá nhân thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã nhận thù lao hàng tháng của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong việc chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa miền Nam.

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thù lao mà Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam chi trả hàng tháng cho một số cá nhân của Sở, để phối hợp với Nhà Xuất bản biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - ông Lê Hồng Sơn (ảnh: P.L)
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - ông Lê Hồng Sơn (ảnh: P.L)

Theo ông Lê Hồng Sơn, làm một bộ sách giáo khoa, hay bất cứ một sản phẩm văn hóa nào, thì người trực tiếp tham gia thực hiện phải có chế độ nhuận bút, thù lao bồi dưỡng. Đó là quy chế nội bộ của Nhà Xuất bản.

Người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, phải có phần này. Nếu không có thù lao, thì không mời được ai tham gia cùng với Nhà Xuất bản.

Yêu cầu giải trình khẩn vụ Sở Giáo dục nhận thù lao tháng của Nhà Xuất bản

Trước những lo ngại khó chỉ đạo khách quan khi lựa chọn một bộ sách giáo khoa của các đơn vị, ông Lê Hồng Sơn nói: Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì lựa chọn, trên cơ sở tham mưu của Sở này.

Thành phần tham gia chọn sách giáo khoa có rất nhiều thành viên, chuyên gia, những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, hay trực tiếp là phụ huynh học sinh.

“Tất cả phải tuân theo sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ hoàn toàn không có chuyện ép thế này, ép thế kia để chọn sách giáo khoa. Giáo viên là người trực tiếp đứng ra giảng dạy, nên biết lựa chọn bộ sách giáo khoa nào phù hợp nhất” – ông Lê Hồng Sơn chia sẻ.

Về chi phí thù lao đã nhận, ông Lê Hồng Sơn giải thích tiếp: Nếu tính gộp lại nhiều năm thì thấy con số khá lớn, “hơi bị khủng” nhưng thực tế không là gì so với tâm huyết, chất xám những người trực tiếp tham gia làm sách.

Cán bộ quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh làm chuyên môn. Thành phố phối hợp với Nhà Xuất bản làm sách giáo khoa, là vì muốn tạo ra sản phẩm tốt nhất cho học sinh.

Việc này nhằm tạo ra một sản phẩm vừa có những cái chung của cả nước, vừa có những nét riêng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, miền Nam để học sinh phát triển năng lực, phẩm chất.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam làm kinh doanh, muốn hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo khi không có đủ nhân lực.


Kỳ lạ, Ban soạn thảo sách giáo khoa miền Nam nhận tiền từ Nhà xuất bản

Sở thì hợp tác với Nhà Xuất bản có lợi thế là định hướng được khung chương trình, mục tiêu, giá trị trong từng môn học rồi tích hợp các môn học với nhau.

“Chúng tôi là những người làm chuyên môn, tham gia vào chuyên môn, cùng ráp lại với nhau để cho ra một sản phẩm có chất lượng” – ông Lê Hồng Sơn kết luận.

Hiện Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Thanh Liêm đã có yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giải trình khẩn về vụ việc này.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Thành Phong, khi đã có báo cáo đầy đủ từ Sở, thường trực Ủy ban nhân dân thành phố sẽ có hướng chỉ đạo, xử lý và sẽ công khai thông tin cho báo chí.

Phương Linh