Ông Nguyễn Văn Hiếu nhớ lại lời nhận xét “mất ăn, mất ngủ” của giáo viên

13/11/2019 14:57
Việt Dũng
(GDVN) - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu nhớ lại lời nhận xét đến “mất ăn, mất ngủ” của giáo viên dành cho mình.

Ngày 13/11/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi giao lưu với chủ đề “Trái tim người thầy”, bao gồm 130 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm giỏi, là những tấm gương hy sinh, tận tụy, sống có trách nhiệm, góp phần nêu cao đạo đức truyền thống nhà giáo.

Đây cũng là hoạt động nhằm chào mừng 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11/1982 và 20/11/2019.

Người giáo viên: “Tâm” phải đi trước “Tài”

Tại buổi giao lưu này, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng – giáo viên Trường mầm non Long Trường, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: Người giáo viên luôn có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển nhân cách cho mỗi học sinh.

Thầy cô cần có tấm lòng, sự nhiệt huyết thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. “Một người giáo viên, nhất là đối với giáo viên mầm non thì chữ “tâm” phải luôn đi trước chữ “tài” – cô Hồng Phượng nói.

Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng chia sẻ tiếp: Nếu người thầy có tâm thì sẽ để ý, quan tâm , sẽ cố gắng, tìm mọi cách để cải thiện, khắc phục…Có “tâm” thì sẽ tìm ra cái “tài”.

Đưa ra một ví dụ của mình, cô Hồng Phượng kể lại: Cô đã từng dạy một cậu học trò rất đặc biệt, mắc chứng tự kỷ tăng động. Em vào lớp mà không nói gì cả, chỉ có la hét, đánh bạn, cấu và thậm chí đánh cả cô.

Buổi giao lưu gặp gỡ với 4 thầy cô giáo tiêu biểu của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Buổi giao lưu gặp gỡ với 4 thầy cô giáo tiêu biểu của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Sau đó, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng đã đưa ra giải pháp cho riêng mình, đó là tiếp cận, trò chuyện nhiều hơn với em. Trong giờ ăn cô cũng tranh thủ ngồi gần em, đi ngủ thì cô tranh thủ nằm cạnh em, vỗ về và động viên em bé này.

Từng ngày, từng ngày trôi qua như vậy, thì em học sinh này đã cải thiện tốt hơn rất nhiều.

Qua tìm hiểu, cô Hồng Phượng biết rằng, em muốn có thời gian được chơi cùng với bố mẹ, nhưng phụ huynh lại không thể thực hiện được do quá bận rộn với công việc.

Biết được điều này, cô giáo đã tận tình trao đổi với gia đình của em. Và thật bất ngờ, đến cuối năm, em bé này đã lên trường nhận thưởng trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.

Mẹ của em học sinh này đã từng nghĩ, khi lớn lên, em phải đi học ở trường chuyên biệt, nhưng khi nhìn thấy sự tiến bộ của em thì mẹ em đã bật khóc.

“Em học sinh này đã tiến bộ rất nhiều. Đó là phần thưởng lớn nhất dành cho tôi” – cô Nguyễn Thị Hồng Phượng kết luận.

Mất ăn, mất ngủ vì lời nhận xét của giáo viên

Có mặt tại buổi giao lưu này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Văn Hiếu tâm sự: Cho tới trước năm học lớp 7, ông là một học sinh hoàn toàn rất bình thường.

Cho đến khi ông Hiếu học lớp 7, đã có một giáo viên nói với ông rằng “Em thông minh và có tố chất về môn Toán”.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại: Cảm giác của mình lúc đó thật lâng lâng, khó tả, hạnh phúc vô cùng, và có thể nói là “mất ăn, mất ngủ” khi về nhà.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu (ảnh minh họa: website Sở)
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu (ảnh minh họa: website Sở)

Kể từ câu nói này trở đi, ông Nguyễn Văn Hiếu đã rất chăm chỉ học môn Toán, cẩn thận, tỉ mỉ khi giải mỗi bài tập, để không phụ lời khen của các thầy cô dạy mình.

Và sau đó, ông Nguyễn Văn Hiếu đã thi vào ngành Sư phạm Toán, đeo đuổi con đường Toán học.

Đại diện cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: giáo viên cần trao đến cho học sinh động lực, tình cảm, sự tin tưởng còn quan trọng hơn là kiến thức.

Nên ông Nguyễn Văn Hiếu mong rằng, các thầy cô ngoài việc dạy cho học sinh kiến thức, thì cũng cần trao cho học sinh sự khích lệ, động viên.

Còn cô Phạm Thị Thanh Nhung – giáo viên Trường trung học cơ sở Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn thì nói, giáo viên ngoài việc dạy tri thức, còn phải uốn nắn cho học sinh cả về đạo đức lẫn lối sống.

“Hầu hết các học sinh bây giờ chưa xác định được mục đích, phương pháp học tập phù hợp.

Vì vậy, trách nhiệm của giáo viên là giúp học sinh tìm được niềm vui trong học tập, không chỉ bồi dưỡng về mặt kiến thức, mà còn trở thành người có đạo đức, lối sống và nhân cách tốt đẹp” – cô Phạm Thị Thanh Nhung kết luận.

Việt Dũng