PGS Văn Như Cương: "Trường tôi không có HS đầu vàng, đeo khuyên lưỡi"

21/06/2012 13:20
Văn Như Cương
(GDVN) - Thế là đã rõ, nội dung bài báo ấy đã bôi nhọ Trường PTTH Lương Thế Vinh, đó là lí do học sinh và phụ huynh bức xúc. Theo bài báo thì ba cô gái ấy "tóc vàng hoe, đeo khuyên lưỡi"... Và nếu đúng là họ đang nhằm vào Trường Lương Thế Vinh thì đây là sự bịa đặt trắng trợn.

LTS: Nghề báo thật lắm vinh quang nhưng cũng nhiều gian khó. Nhân dịp kỷ niệm ngày báo chí Việt Nam, Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bức thư của PGS.Văn Như Cương, người luôn đồng hành cùng nhiều tờ báo trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua. Ông luôn ủng hộ các nhà báo, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn khiếm khuyết.

Hôm nay kỷ niệm ngày Báo chí Việt nam, tôi xin được chúc các nhà báo luôn mạnh khỏe, vững tay bút, tiếp tục góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước...

Phải khẳng định rằng, báo chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong quá trình đổi mới, đưa đất nước hội nhập cùng thế giới... nhiều thông tin thời sự nóng hổi, các vụ việc tiêu cực đã được báo chí đưa ra ánh sáng, và đa các nhà báo luôn đứng về lẽ phải. Đó là mặt tốt. Nhưng đôi khi vẫn có tờ báo lại gây ra những điều "đáng tiếc". Và nhân dịp này, tôi cũng xin có vài lời chia sẻ về một sự cố "hy hữu" rơi vào ngôi trường của tôi.

Mấy hôm vừa rồi bận túi bụi vì nhiều việc. Nào là lo cho học sinh lớp 12 đi thi tốt nghiệp, nào là chuẩn bị cho học sinh lớp 9 thi vào 10, lại còn lo việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, duyệt các đề thi... Thêm vào đó còn được các phóng viên nhiều tờ báo phỏng vấn tới tấp về “vụ Đồi Ngô” và về việc tỉ lệ đậu tốt nghiệp “cao khủng khiếp”... Vì thế không có nhiều thì giờ để đọc kĩ các thông tin trên báo chí.

Sáng nay đột nhiên chuông điện thoại réo gọi dồn dập một cách khác thường. Đáng lí vào kì tuyển sinh, tôi thường ngại không nghe điện thoại “lạ”. Nhưng vì chuông đổ hồi liên tục nên đành nhấc máy nghe xem sao.

Đầu giây bên kia có tiếng thiếu nữ: “Thầy ơi, em là học sinh Lương Thế Vinh đây thầy ạ. Hôm nay thầy có đọc báo không ạ. Người ta đang nói về Trường Lương thế Vinh của chúng ta đấy”.

Tôi trả lời: “Thế à, chắc lại nói chuyện đỗ tốt nghiệp 100% chứ gì. Chuyện ấy chả có gì là oai cả, hàng đống trường đỗ trăm phần trăm chứ có ít gì”.

Học sinh đáp lời: “Không phải đâu thầy ơi, người ta đang nói xấu trường mình đấy ạ... Từ sáng đên giờ chúng em gọi thầy mãi mà thầy không trả lời”.

Tiếp theo đó là hàng loạt cú điện thoại của học sinh, của phụ huynh... với nội dung tương tự, và thái độ rất bất bình.

Trường THPT Lương Thế Vinh do PGS Văn Như Cương làm Hiệu trưởng
Trường THPT Lương Thế Vinh do PGS Văn Như Cương làm Hiệu trưởng
Khá ngạc nhiên, tôi đành mất thì giờ tìm hiểu cho ra nhẽ. Theo chỉ dẫn của các em học sinh, tôi tìm đến một tờ báo mạng có tên tuổi (trụ sở ở Hà Nội) và đọc được bài nói về chuyện nữ sinh buôn chiến tích “phòng the”, và dăm ba trang điện tử khác đăng lại. Nội dung bài báo nói phóng viên ngồi ở một quán trà đá, vô tình được nghe ba cô gái kể chiến tích “phòng the” của mình và các bạn trai. Ngôn từ mà bài báo kể lại hết sức dung tục... đến mức người ta khó có thể hiểu nổi ba cô gái ấy là loại người gì mà lại nói to cho mọi người trong quán trà nghe những điều kinh tởm đến như vậy...

Bài báo sử dụng từ ngữ quá dung tục đến độ tôi cũng không dám dẫn chứng ra đây, bởi quả thực chỉ đọc qua một lần đã thấy ngượng. Và tôi tin rằng, không phải chỉ người già như tôi (bị coi là cổ hủ) nhận thấy cách dùng từ ở bài này không chấp nhận được, mà ngay cả những bạn trẻ có nhân cách tốt cũng dễ dàng nhận ra. Vậy nhưng những lời lẽ thô tục ấy đã vượt qua nhiều vòng biên tập để nghiễm nhiên được đăng tải.

Lúc đầu, tôi cũng nghĩ, thôi đó chẳng qua là cái cách câu khách mà chúng ta thường thấy... Nhưng không phải chỉ có như vậy... vì trong bài tác giả viết rằng, theo lời của bà chủ quán tên là Chiến thì ba cô thiếu nữ đó là học sinh lớp 11 trường PTTH LTV.
Đây mới thực sự là cú sốc của học sinh, phụ huynh học sinh Trường Lương Thế Vinh mà tôi đang là Hiệu trưởng. Bởi vì trên địa bàn Hà Nội này chỉ có hai trường Lương Thế Vinh, một ở Ba Vì, và một ở quận Thanh xuân. Và vì vậy ai cũng hiểu là ba cô gái ấy chính là học sinh của tôi (vì cái quán trà ấy nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân).
Thế là đã rõ, nội dung bài báo ấy đã bôi nhọ Trường PTTH Lương Thế Vinh, đó là lí do học sinh và phụ huynh bức xúc. Theo bài báo thì ba cô gái ấy tóc vàng hoe, đeo khuyên lưỡi... Và nếu đúng là họ đang nhằm vào Trường Lương Thế Vinh thì đây là sự bịa đặt trắng trợn. Tôi khẳng định rằng, Trường Lương Thế Vinh không bao giờ có những học sinh như vậy... cho dù các học sinh của tôi có nghịch ngợm, luôn muốn thể hiện cái tôi của chúng thì cũng không bao giờ “nhuộm đầu vàng, đeo khuyên lưỡi”.

Tôi là người từng trải, nên không võ đoán. Bởi vậy, tôi vẫn thận trọng với suy nghĩ: Biết đâu trường ta vẫn có những học sinh như vậy? Trước nay chưa từng có, nhưng bây giờ có thì sao? Lo lắng như vậy, tôi đã điều động các cán bộ của trường, rồi các bậc phụ huynh, học sinh cùng vào cuộc tìm hiểu để “điểm mặt, chỉ tên” những nữ sinh ấy. Nhưng rồi, tất cả chỉ là con số 0 tròn chĩnh, vì sự thật là Trường Lương Thế Vinh không có một nữ sinh nào "đầu vàng" hay đeo "khuyên lưỡi".

Và cuối cùng, để làm rõ trắng đen, tôi cũng đã gửi thư tới Ông Tổng Biên tập của tờ báo này, đề nghị họ làm rõ: Có thật là phóng viên ấy đã chứng kiến sự việc hay bịa chuyện? Nếu phóng viên này khẳng định đó là sự thật, tôi sẵn sàng mời cô ấy đối chất trước học sinh toàn trường LTV (Lương Thế Vinh). Tôi đang mong mỏi từng giờ để làm được việc này. Nhưng tôi tin rằng, cô phóng viên này đã bịa chuyện, chỉ có điều khó hiểu là họ gắn tên Trường LTV (để người ta hiểu là Lương Thế Vinh) nhằm ý đồ gì?

Cũng chỉ là vài chữ, nhưng vì cái sự vô tâm ấy mà trường LTV (được hiểu là Lương Thế Vinh) đang mang tiếng xấu. Có lẽ, cô phóng viên này có tuổi đời còn khá trẻ và độ trải nghề cũng còn non nớt nên mới dễ dàng cho ra một bài viết như vậy. Tôi cũng nghĩ rằng, tuổi trẻ đôi khi được phép mắc sai lầm, nhưng đó phải là những sai lầm có thể sửa chữa. Tôi vẫn luôn nói với nhiều thế hệ học trò của mình như vậy!

Tôi còn nhớ cách đây vài năm, bà con ở vùng Lục Ngạn (Bắc Giang) phải "ngậm đắng nuốt cay" vì có bài báo viết rằng "Ăn vải Lục Ngạn bị ngộ độc". Có lẽ, tác giả đã quá vội vàng khi quy kết từ một hiện tượng, mà chẳng làm rõ nguyên nhân thực sự có phải do ăn vải Lục Ngạn hay không, nhưng hệ lụy sau bài báo ấy thì vô cùng nguy hại, nó khiến cho hàng nghìn con người sống nhờ vườn vải rơi vào cảnh cơ cực. Khi ấy, tôi còn nhớ có nhiều đoàn xe từ TP.HCM về đó mua vải, nhưng ngay khi có thông tin này thì họ trở về xe không, còn dân Lục Ngạn chỉ còn nước... ăn vải trừ bữa.

Người nông dân sống được nhờ cây lúa, còn người trồng vải sống nhờ những trái thơm ấy. Thế mà thành quả lao động cật lực cả năm trời của hàng trăm người dân thành công cốc, niêu cơm của hàng nghìn con người bỗng chốc bị hất đổ. Thật xót xa!

Vậy đấy, nghề báo thật lắm vinh quang nhưng cũng nhiều gian khó!

Văn Như Cương