Phạm Ngọc Thư – em học vì sự vất vả, nhọc nhằn của ông bà

04/08/2018 08:01
Phan Tuyết
(GDVN) - Với Thư, cách tốt nhất mang niềm vui đến cho ông bà và trả ơn công nuôi dưỡng chính là thành tích học tập.

Nhiều người biết đến Phạm Ngọc Thư học sinh lớp 12C5 Trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn Điện Biên không chỉ vì em là cô bé chăm ngoan, học giỏi, một “vận động viên” của trường với khá nhiều giải thưởng thể thao.

Em còn là cô bé đầy nghị lực biết vươn lên trong khốn khổ, đói nghèo để mang đến niềm vui cho ông bà (người đã thay ba mẹ) chăm lo cho em từ thuở bé thơ.

Ngay từ khi mới lên 2 tuổi, ba mẹ em đã chia tay mỗi người một đường. Ba đi biền biệt từ ngày ấy. Mẹ cũng để em lại cho ông bà ngoại nuôi dưỡng.

Sau này mẹ em đi thêm bước nữa và có gia đình mới của mình. Hiện mẹ bị bại não cũng không làm gì được.

Thư nói: “mình còn cha mẹ nhưng cũng chính thức mồ côi từ đấy, thấy chúng bạn có ba mẹ đưa đón đi học, được ba mẹ chăm sóc cưng chiều, con tủi thân lắm. Những lúc buồn, con chỉ biết khóc một mình vì sợ làm ông bà buồn”.

Ông ngoại của em Phạm Ngọc Thư đang đan chổi để bán (Ảnh: tác giả cung cấp).
Ông ngoại của em Phạm Ngọc Thư đang đan chổi để bán (Ảnh: tác giả cung cấp).

Thương đứa cháu cút côi thiệt thòi so với chúng bạn cả về vật chất lẫn tinh thần nên ông Lũy Đức Tuẫn và bà Trần Thị Thơm (73 tuổi) cũng cố gắng bù đắp.

Hàng ngày, ông đan chổi, bà bán rau gom từng đồng tiền lẻ để Thư có tiền ăn, tiền mua sách vở, quần áo đến trường như chúng bạn.

Bao năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày khỏe cũng như ngày bệnh, bà em không dám vắng một buổi chợ nào “nghỉ bán thì lấy gì mà sống, lấy gì cho cháu tôi tới trường”.

Thư lớn lên từng ngày cũng là lúc những nếp nhăn càng hằn sâu trên khuôn mặt khắc khổ của ông bà.

Thư nói, em thương ông bà lắm nên không đua đòi như chúng bạn mà chỉ biết lao đầu vào học suốt đêm ngày.

Những lúc rảnh, em cũng phụ ông bà làm việc nhà, phụ đan chổi giúp ông, phụ bà bó rau, trông hàng… với em, cách tốt nhất mang niềm vui đến cho ông bà và trả ơn công nuôi dưỡng chính là thành tích học tập.

Bà bảo “nhà mình nghèo, chỉ còn cách học tập mới có thể thay đổi được cuộc đời mà thôi”.

Dù không có điều kiện đi học thêm nhiều, không có điều kiện học trên các trang mạng, kiến thức của em phần nhiều là tự học ở nhà, lên phòng tự học ở trường và hỏi thêm thầy cô khi khúc mắc.

Thế nhưng 12 năm liền em đều đạt học sinh giỏi, đạt giải 3 môn Sử cấp tỉnh. Ngoài ra, Thư còn giành được 2 huy chương bạc môn bóng chuyền ở đại hội thể dục thể thao của tỉnh Điện Biên.

Trong kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua Thư đạt 27.25 điểm (Á khoa của tỉnh Điện Biên khối C).

Phạm Ngọc Thư luôn cố gắng học tập (Ảnh: tác giả cung cấp).
Phạm Ngọc Thư luôn cố gắng học tập (Ảnh: tác giả cung cấp).

Thật cảm phục khi cô Lê Thị Biên giáo viên dạy Văn của em chia sẻ rằng:

“Thư là một học sinh đầy nghị lực. Gia cảnh em thuộc diện cực kì khó khăn. Thế nhưng em không nói về mình, về gia đình mình cho ai biết. Em vẫn học tốt, tham gia thể thao nhiệt tình.

Một lần, sau buổi liên hoan, thấy khuya nên tôi đưa em về mới ngỡ ngàng, xót xa khi chứng kiến gia cảnh của em”.

Cô Biên nói rằng, em sống cùng ông bà trong một căn nhà nhỏ xíu thuộc khu tái định cư cho dân Mường Lay xuống (số nhà 51 tổ 1 phường Non Bua thành phố Điện Biên).

Khi biết chuyện về gia cảnh của em, nhà trường cũng đã miễn giảm cho em một số khoản tiền để bớt đi phần nào sự lo toan của hai ông bà đã già.

Với số điểm thi khá cao, Thư chắc chắn đã đỗ vào Trường đại học Luật Hà Nội.

Em nói “con ước mơ làm luật sư để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.

Hàng ngày, con thấy khá nhiều người bị oan khuất nhưng không có thể tự kêu oan cho mình. Biết luật sẽ có nhiều cơ hội để giúp đỡ người yếu thế hơn”.

Thế nhưng ước mơ tốt đẹp ấy không biết có thực hiện được không khi ông, bà em đã ở tuổi 73, nay mắt mờ, chân yếu cũng chẳng còn lao động được như xưa. Trong khi số tiền nợ hàng năm nuôi em ăn học vẫn chưa thể trả hết.

Thư nói: “ông bà đang nợ dù giấu không cho con biết, sợ con lo. Nhưng hàng ngày, con vẫn thấy có người gọi điện, đến nhà giục nợ. Con không biết có thể đi học nổi không”.

Trong thời gian chờ nhập học, Thư đi làm thêm ở một tiệm quần áo với mức lương 750 ngàn đồng/tháng.

Phạm Ngọc Thư đi làm thêm ở một tiệm quần áo (Ảnh: tác giả cung cấp).
Phạm Ngọc Thư đi làm thêm ở một tiệm quần áo (Ảnh: tác giả cung cấp).

Với số tiền này, em nói chỉ phụ thêm cho ông bà mớ rau, con cá để bữa ăn tươi hơn chứ dùng trang trải tiền học là điều không thể.

Viết lên câu chuyện này, tôi cũng mong rằng sẽ có những nhà hảo tâm cùng chung tay, giúp sức cho Phạm Ngọc Thư thực hiện được ước mơ của mình.

Phan Tuyết