Phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm, giáo viên phải làm sao?

29/06/2022 06:40
Vũ Hoàng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc tôi không dạy thêm trong năm học, trong hè đã khiến mình trở nên lạc lõng trong mắt đồng nghiệp và phụ huynh.

Năm học 2021-2022 vừa kết thúc, đây là một năm học đặc biệt khi học sinh có hơn 1 học kỳ phải học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19, còn khoảng chưa đầy 3 tháng là học trực tiếp.

Một năm học mà tôi và nhiều giáo viên không tổ chức dạy thêm cho học trò, toàn tâm toàn ý giúp các em lấy lại kiến thức ngay trên lớp học. Và chúng tôi vỡ lẽ ra một điều: Cho con đi học thêm là nhu cầu của hầu hết phụ huynh hiện nay.

Khi giáo viên bị phụ huynh chèo kéo dạy thêm

Tôi đã rất đắn đo suy nghĩ vấn đề có nên tổ chức lớp dạy thêm học thêm khi học sinh mình đi học trực tiếp không. Có ba nguyên nhân khiến tôi phải mất cả tuần suy đi tính lại ngược xuôi những được mất.

Nguyên nhân chủ quan là nhà tôi có việc cần giải quyết sau nhiều sự cố xảy ra bất ngờ.

Nguyên nhân khách quan là tôi không muốn gánh nặng đè lên vai cha mẹ học sinh bởi sau 8 tháng cách ly, phong toả phòng chống dịch Covid-19 kinh tế nhiều gia đình hết sức khó khăn, dạy thêm sẽ làm phụ huynh càng thêm vất vả về cuộc sống cơm áo, sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân nữa là dạy thêm không đảm bảo phòng dịch sẽ lây lan khó lường.

Và thế là tôi quyết định không mở lớp dạy thêm.

(Ảnh minh hoạ: anninhthudo.vn).

(Ảnh minh hoạ: anninhthudo.vn).

Chưa đến ngày đi học trực tiếp trên group zalo của cha mẹ học sinh lớp, của học sinh, điện thoại, phụ huynh và học sinh liên tục nhắn tin, gọi điện hỏi thầy về việc dạy thêm.

Nào là: “Thầy ơi, đi học lại có học thêm nhà thầy luôn không? Mẹ con muốn cho con học thêm và ở bán trú nhà thầy”. Nào là: “Thầy dạy thêm ngay không, gia đình em đi làm suốt ngày không có ai kèm cặp bé’. Nào là: “Thầy dạy thêm liền giúp phụ huynh, em rất lo lắng vì năm nay bé chuyển cấp”…

Trả lời thẳng thừng thì ngại nên tôi chống chế bằng cách hoãn binh: “Dịch bệnh chưa ổn, chờ một thời gian xem sao anh/chị nhé”.

Trường tiểu học của tôi dạy 1 buổi và buổi còn lại thường được cha mẹ gửi nhà thầy cô cho ăn bữa trưa, học thêm.

Vậy nên tôi không dạy thêm sẽ làm khó cho một số phụ huynh không có thời gian đưa đón con đi học. Số phụ huynh khác chỉ cho con học thêm ở nhà thầy thì lo lắng con sẽ không học tốt trên lớp.

Vào học được 1 tuần lớp tôi không có em nào bị F0, phụ huynh lại xôn xao hỏi thầy chuyện dạy thêm.

Phụ huynh điện thoại, nhắn tin trên Facebook, Zalo… hay gặp trực tiếp trên lớp cứ chèo kéo tôi, đưa ra nhiều lí do, năn nỉ dạy thêm.

Nhiều người còn nhờ thầy dạy thêm online. Không chỉ tôi, nhiều đồng nghiệp mà tôi quen biết cũng chia sẻ tương tự những gì mình gặp phải.

Một thầy giáo (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Lâu nay, nhiều phụ huynh nghĩ con mình không học thêm thầy cô sẽ cho điểm số không cao. Học thêm sẽ được thầy cô cho trước đề kiểm tra, đề thi… Họ cho con đi học thêm là để yên tâm, để có điểm giỏi”.

Đó chỉ là một mặt trái mà phụ huynh có suy nghĩ. Nhưng qua tìm hiểu, người viết thấy phần lớn cha mẹ học sinh muốn thầy cô dạy thêm để con cái nắm kiến thức sâu hơn, học tốt hơn và hơn nữa là trẻ học thêm để tránh xa những trò chơi điện tử, không mê game, thuận tiện việc đưa đón, thuận lợi cho công ăn việc làm.

Dạy thêm - học thêm là nhu cầu có thật của phụ huynh

Thầy cô không dạy thêm, phụ huynh vẫn cho con đi học thêm. Một thực tế là như vậy, thầy cô từ chối mở lớp dạy thêm nhưng phụ huynh vẫn cho con học thêm. Ở lớp tôi, giáo viên không mở lớp học thêm nhưng phụ huynh tìm mọi cách cho con đi học thêm. Tôi không dạy thêm thì người khác dạy mặc cho người đó có chuyên môn hay không.

Phụ huynh có người chọn giáo viên ngay trong trường gửi con học, người chọn giáo viên khác trường, người chọn giáo viên về hưu, và chọn cả người “tay ngang” chưa hề qua trường lớp sư phạm nào…

Thôi thì đủ cả còn chất lượng ra sao ít ai tính tới và tìm hiểu giáo viên dạy có đảm bảo không.

Có một thực trạng là học sinh học giáo viên về hưu lâu không cập nhật những đổi mới của chương trình, sách giáo khoa nên học sinh khó khăn trong tiếp thu bài. Có trường hợp thậm chí còn sai kiến thức.

Chưa nghỉ hè, không ít cha mẹ học sinh đã gọi điện thoại “đặt chỗ” cho thầy cô vì lo hết chỗ nhận học hè.

Mới đầu tháng 6, anh bạn tôi làm công nhân đã gửi đứa con trai học lớp 5 đi học thêm nhà cô. Anh sợ con lên lớp trên không theo kịp chương trình. Hơn nữa, con người ta đều đi học thêm, con mình cho ở nhà sẽ thua kém là cái chắc. Thôi, gắng chịu cực cho con cái cái chữ để có tương lai.

Đồng nghiệp tôi vừa nghỉ hè, tranh thủ đi du lịch 3 ngày là quay về mở lớp dạy thêm. Năm nào cô cũng dự định nghỉ hè không dạy nhưng phụ huynh cứ năn nỉ nhờ dạy. Họ sợ con cái ở nhà mê chơi, không ôn tập hè được, lên lớp trên bị hổng kiến thức khó mà theo kịp bạn bè. Phụ huynh nói vậy nên đành nhận, học thêm đang là nhu cầu có thật ở phụ huynh.

Mùa hè năm 2022, nhiều địa phương đã cấm giáo viên mở lớp, cấm các trường tổ chức dạy thêm hè. Điều này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ “người trong cuộc”.

Việc tôi không dạy thêm trong năm học, trong hè đã khiến mình trở nên lạc lõng trong mắt đồng nghiệp và phụ huynh.

Thực tế hiện nay, đa số phụ huynh cho con đi học thêm là để khắc sâu, mở rộng, nâng cao kiến thức, học tốt hơn, giỏi hơn.

Chính vì vậy, tôi cho rằng dạy thêm không xấu khi người thầy có tâm và phụ huynh tự nguyện cho con học thêm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Vũ Hoàng