Phụ huynh tố giáo viên Tiểu học Thịnh Quang tổ chức dạy thêm học sinh chính khóa

01/07/2020 06:13
Vũ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ huynh lớp 4A1 bức xúc cho biết, cô tổ chức dạy thêm 2 buổi/tuần, học sinh nào không đi học thêm nhà cô sẽ bị nhận xét học kém, học chậm.

Phụ huynh tố chiêu trò để học sinh phải học thêm

Phản ánh đến Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh có con đang học lớp 4A1 Trường Tiểu học Thịnh Quang (Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) bức xúc trước việc giáo viên chủ nhiệm dùng chiêu trò khiến phụ huynh phải cho con đi học thêm.

Được biết, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A1 là cô Đ.T.T.Q. bị phụ huynh tố thường xuyên nhắc nhở, than phiền học sinh học kém, tiếp thu chậm để buộc phụ huynh phải cho con đến lớp học thêm của cô.

Cô Đ.T.T.Q. có nhiều năm kinh nghiệm dạy khối 4 tại Trường Tiểu học Thịnh Quang.

Theo đó, những học sinh không đi học thêm 2 buổi/tuần tại địa điểm cô Q. dạy thêm bên ngoài trường sẽ nhận được những nhận xét rất khó nghe và bị phân biệt đối xử so với các bạn đi học thêm nhà cô.

Cụ thể, cô Q. thường xuyên nhận xét rằng con học chậm hiểu, học kém, không theo kịp các bạn và thậm chí bị chuyển chỗ ngồi xuống cuối lớp.

Phụ huynh cũng thường xuyên nhận được nhắc nhở hay than phiền của giáo viên chủ nhiệm rằng con học kém, tiếp thu chậm... Chính vì vậy phụ huynh buộc phải cho con đi học thêm nhà cô.

Đáng nói, chỉ cần con đi học thêm nhà cô Q., cô sẽ nhận xét khác hẳn so với khi chưa đi học thêm như là con đã học tiến bộ hơn, học nhanh, làm bài tốt…

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh có con đang học lớp 4A1 Trường Tiểu học Thịnh Quang bức xúc cho biết: “Tôi cho con đi học thêm nhà cô để cho yên thân vì thường xuyên phải nghe những than phiền khi gặp cô về chuyện học hành của con.

Lớp có 55 học sinh, chỉ có một vài em vì lý do nào đó không đi học thêm nhà cô, còn lại các em đều đi học thêm nhà cô.

Bởi vậy, cô phải chia lớp làm 2 nhóm vì lớp đông. Cụ thể, thứ 2 và thứ 3 các con học thêm tại nhà cô từ 18h15 đến 21h15. Thứ 7 ca sáng từ 8h0 đến 11h và buổi chiều 18h đến 21h.

Trong lớp cũng có phụ huynh có nhu cầu cho con đi học thêm nhà cô, nhưng số đó rất ít”.

Sáng ngày thứ 7 (27/6) rất đông học sinh lớp 4A1 được phụ huynh đưa đón con đến lớp học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm tổ chức dạy thêm (nhà mũi tên đỏ). Ảnh: Vũ Phương.

Sáng ngày thứ 7 (27/6) rất đông học sinh lớp 4A1 được phụ huynh đưa đón con đến lớp học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm tổ chức dạy thêm (nhà mũi tên đỏ). Ảnh: Vũ Phương.

Cũng theo phụ huynh này, trước đây cô Q. chỉ dạy 1 buổi/tuần, nhưng thời gian này cô tăng lên 2 buổi/tuần khiến phụ huynh rất vất vả đưa đón con đi học và học phí cũng tăng gấp đôi.

“Vì lý do công việc tôi không thể đưa đón con đi học 2 buổi/tuần cũng như con còn cần thời gian chơi và nghỉ, nhưng cô liền thái độ ngay.

Những nhận xét hay nhắc nhở của cô đối với con tôi rất khó nghe dù lực học của cháu khá tốt”, một phụ huynh lớp 4A1 nói.

Để tìm hiểu thông tin phụ huynh phản ánh, phóng viên Giáo Dục Việt Nam có mặt tại địa điểm cô Q. tổ chức dạy thêm tại ngõ 26 phố Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) vào thời điểm 18h ngày thứ 2 (ngày 22/6) và sáng ngày thứ 7 (27/6).

Đúng như phụ huynh phản ánh lớp học được dạy trên tầng 4 của căn nhà 4 tầng khang trang, phòng có điều hòa.

Học sinh nào không đi học thêm lớp cô Q. tổ chức sẽ bị trù, đối xử không công bằng. Ảnh: Vũ Phương.
Học sinh nào không đi học thêm lớp cô Q. tổ chức sẽ bị trù, đối xử không công bằng. Ảnh: Vũ Phương.

Vì học sinh hay vì đồng tiền?

Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân sống gần lớp học thêm này ai cũng biết đó là nhà mẹ đẻ của cô Q. Nhiều tháng nay cô Q. tổ chức dạy thêm tại đây. Đều đặn vào cuối tuần hay tối đầu tuần phụ huynh đưa con đến đây học thêm.

Sau cả ngày học tại trường, trước khi đến lớp học sinh được phụ huynh cho ăn tạm gì đó rồi đến lớp học thêm của cô chủ nhiệm.

Hơn 18h ngày đầu tuần, phụ huynh đã đưa con đến lớp học thêm của cô Q.. Theo quan sát của phóng viên, cô Q. đến trước học sinh để chuẩn bị lớp.

Nhóm học tối thứ 2 lớp cô Q. có khoảng 20 học sinh. Tương tự vào buổi sáng thứ 7, nhóm còn lại của lớp 4A1 học thêm cô Q. đông hơn một chút.

Thông tin thêm với phóng viên, phụ huynh có con học lớp 4A1 học thêm lớp cô Q. cho biết: “Trước đây cô chỉ dạy 1 buổi/tuần với mức học phí 500.000 đồng (4 buổi 1 tháng). Nhưng thời gian này cô tăng lên 2 buổi/tuần mức học phí lên 1 triệu đồng (8 buổi 1 tháng).

Cô dạy môn Toán và Tiếng Việt”.

Cũng theo phụ huynh này chia sẻ, thời điểm cô dạy 4 buổi 1 tháng, nhiều phụ huynh con đi học không đầy đủ vẫn nộp 500.000 đồng.

Một nhóm lớp 4A1 học thêm nhà cô chủ nhiệm vào sáng thứ 7. Ảnh: Vũ Phương.

Một nhóm lớp 4A1 học thêm nhà cô chủ nhiệm vào sáng thứ 7. Ảnh: Vũ Phương.

Một nhóm khác lớp 4A1 học thêm vào tối thứ 2. Ảnh: Vũ Phương.

Một nhóm khác lớp 4A1 học thêm vào tối thứ 2. Ảnh: Vũ Phương.

Có ý kiến cho rằng, quy định cấm dạy thêm cấp tiểu học đã có, nhưng có giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm. Nếu như thực sự giáo viên vì học sinh thì chỉ nhận dạy kèm một số học sinh kém và chỉ trong thời gian nào đó.

Còn việc dạy thêm gần như cả lớp, một lớp phải chia làm 2 nhóm, 8 buổi/tháng thì khó thuyết phục đó là nhu cầu của phụ huynh. Đó chỉ có thể giáo viên vì nguồn thu từ dạy thêm rất lớn mới tổ chức lớp như vậy.

“Cấp tiểu học các cháu học kiến thức gì mà nhiều đến mức học cả ngày ở trường tối về lại đi học thêm, rồi cuối tuần lại đi học thêm? Thời gian đâu các cháu chơi, nghỉ ngơi? Thế là nhồi nhét kiến thức chứ đâu phải đi học.

Phụ huynh cũng rất vất vả, đi làm cả ngày, tối về lại đưa đón các cháu đến lớp học thêm của cô chủ nhiệm. Tiền học chính 1 đồng mà học thêm 10 đồng nhưng phải chấp nhận vì không thể con nhà người ta đi học con mình không”, một phụ huynh nói.

Còn một phụ huynh có con đang học Trường Tiểu học Thịnh Quang cũng làm trong ngành giáo dục thẳng thắn cho rằng:

“Những nội dung, kiến thức các môn học cấp tiểu học không nhiều đến mức học sinh phải học tối ngày.

Giáo viên tận tâm, nhiệt huyết, không vụ lợi về vật chất thì hoàn toàn có thể truyền đạt hết kiến thức cũng như hướng dẫn từng bài học cho các con.

Có đâu đó vẫn có giáo viên bằng chiêu trò nào đó khiến phụ huynh lo lắng phải cho con đến học thêm. Điều đó ít nhiều mất đi cái đẹp hình ảnh người thầy trong mắt học trò, phụ huynh”.

Ngày 30/6, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Quang cho biết:

"Ngay từ đầu năm học giáo viên đã cam kết với nhà trường về việc không dạy thêm, học thêm. Nhà trường sẽ cho kiểm tra và trả lời thông tin phóng viên".

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 với từng cấp học trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các trường quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm.

Đặc biệt, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh, cấp tiểu học không có dạy thêm học thêm.

Đối với trường tiểu học để xảy ra tình trạng dạy thêm học thêm, ông Chử Xuân Dũng chỉ rõ để dạy thêm học thêm không đúng quy định hiệu trưởng sẽ bị xử lý nghiêm về công tác quản lý.

Tại điều 4 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm đã chỉ rất rõ: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

Vũ Phương