Quảng Ninh bố trí Chủ tịch tỉnh kiêm Hiệu trưởng có đúng Nghị quyết 19-NQ/TW?

29/05/2020 06:17
Hồng Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ tịch tỉnh làm Hiệu trưởng liệu có thực hiện các chỉ đạo của Hội đồng trường, hay sẽ "chỉ đạo" lại Hội đồng trường?

Câu chuyện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh được công nhận kiêm nhiệm giữ chức danh Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Nó cũng đặt ra nhiều vấn đề xung quanh nhóm trường đại học địa phương hiện nay.

Đã có nhiều luồng ý kiến phân tích xung quanh điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh Hiệu trưởng cũng như khả năng ông Nguyễn Văn Thắng có làm tốt được cả 2 vai trò Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long hay không.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phân tích dưới góc độ chính sách, cách làm của Quảng Ninh có phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.

Tỉnh chọn cho Hội đồng trường bầu

Ngày 21/5/2020, Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long nghỉ hưu, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thảo luận về kiện toàn nhân sự.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng chủ trì một phiên họp tại Ủy ban nhân dân tỉnh, ảnh: congan.quangninh.gov.vn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng chủ trì một phiên họp tại Ủy ban nhân dân tỉnh, ảnh: congan.quangninh.gov.vn.

Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh đã họp và cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng họp, quyết định chọn trong những lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh khi đối chiếu các điều kiện, tiêu chuẩn thì có duy nhất chủ tịch Ủy ban nhân dan tỉnh là đủ điều kiện tiêu chuẩn. [1]

Cũng trong ngày 21/5/2020, cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh cho biết, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thảo luận, thống nhất quyết nghị phân công ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm giữ chức danh Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long (tại Thông báo số 1756-TB/TU ngày 09/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ).

Căn cứ thông báo này và Luật số 08/2012/QH13, Luật số 34/2018/QH14, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, Hội đồng Trường đại học Hạ Long đã tổ chức họp để bầu Hiệu trưởng, 100% thành viên hội đồng dự họp nhất trí bầu ông Nguyễn Văn Thắng kiêm chức vụ Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025. [2]

Theo ông Thắng, hiện nay tỉnh đang bàn để kiện toàn phó chủ tỉnh ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực văn xã và trong trường hợp kiện toàn được lãnh đạo này và người đó có đủ các điều kiện, đặc biệt là có học vị tiến sĩ thì lúc đó ông sẽ chuyển giao cho phó chủ tịch đó kiêm nhiệm. [1]

Nếu các thông tin trên là chính xác, thì tỉnh Quảng Ninh xác định Hiệu trưởng trường đại học Hạ Long phải là lãnh đạo tỉnh, không phải Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì cũng là Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân phụ trách văn xã?

Cách làm này có đúng với tinh thần chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định thể chế hóa vai trò của Hội đồng trường trong Luật số 34/2018/QH14?

Chủ tịch tỉnh làm Hiệu trưởng, Hội đồng trường còn có thực quyền?

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 chỉ đạo:

Trường đại học Hạ Long, ảnh: quangninh.gov.vn.

Trường đại học Hạ Long, ảnh: quangninh.gov.vn.

- Đối với giáo dục đại học: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học.- Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hoá, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học...

- Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường.

Thậm chí Ban chấp hành Trung ương đã rất sáng suốt và có tầm nhìn xa khi cho phép, chỉ đạo đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Luật số 34/2018/QH14 quy định, Hội đồng trường của trường đại học công lập quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học

Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chọn và phân công ông Nguyễn Văn Thắng làm Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long, liệu Hội đồng trường có dám không tuân thủ? Như vậy, đâu còn tự chủ đại học và thực quyền của Hội đồng trường?

Hơn nữa, người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm Hiệu trưởng, thì Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long sẽ chỉ đạo Hội đồng trường, hay làm theo chỉ đạo của Hội đồng trường như luật định?

Nói về lý do tỉnh lại không tuyển chọn hay tổ chức thi tuyển lựa hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long, ông Thắng cho biết chưa thể thực hiện được việc tuyển chọn bên ngoài bởi những người tuyển chọn bên ngoài thì người ta chỉ đơn thuần là quản lý giáo dục nghề nghiệp, tổ chức thực hiện. [1]

Vậy Quảng Ninh hiểu như thế nào về quan điểm chỉ đạo của Trung ương "đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập"?

Khi Chủ tịch / Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng một trường đại học công lập trực thuộc sẽ dẫn đến những mâu thuẫn nào về cơ chế quản lý, chúng tôi sẽ phân tích trong bài viết tiếp theo.

Ngày 21/5/2020 ông Nguyễn Văn Thắng được Báo Tuổi Trẻ dẫn lời, cho biết:

"Từ một trường mới hoạt động được khoảng 5 năm mà đã đạt con số hàng chục ngàn sinh viên là rất nỗ lực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như mình đặt ra thì chưa đến, từ chuyện cơ sở vật chất cùng đội ngũ cán bộ hiện nay vẫn là chưa đủ so với mục tiêu đặt ra." [1]

Cùng ngày, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh cho hay:

Ngày 13/10/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1869/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở hai trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.

Năm học 2019-2020 có 3.880 sinh viên (trong đó có 2.291 sinh viên bậc đại học), tăng 36% số sinh viên so với số sinh viên năm học 2015-2016 (trong đó số sinh viên bậc đại học tăng trên 10 lần). [2]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/chu-tich-quang-ninh-noi-gi-khi-kiem-nhiem-hieu-truong-dh-ha-long-20200521142302594.htm

[2]https://www.quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=91379

Hồng Thủy