Ra mắt trường Đại học số đầu tiên trên thế giới

29/09/2011 15:39
Hà Anh
(GDVN) - Trường đại học số đầu tiên đã được thành lập bởi một nhóm tri thức trẻ tuổi tại thị trấn nhỏ Neuenhagen ở ngoại ô Berlin, Đức.
Với khoản đầu tư trị giá 1,6 triệu USD từ Liên minh châu Âu (EU), chính quyền bang Brandenburg và công ty truyền thông BMP, hệ thống trường đại học số (iversity) đầu tiên trên thế giới đã được thành lập với tên gọi là Collaboration Network for Academia. Hơn 11.000 người sử dụng đã đăng ký ngay sau khi trường đại học số ra mắt.
Jonas Liepmann, người sáng lập ra trường đại học số đầu tiên trên thế giới, cho biết rằng các giáo viên có thể dễ dàng tổ chức một khóa học, dự án nghiên cứu và các cuộc hội thảo mà không mất một khoản phí nào. Ngoài ra, các trường đại học có thể lập ra một khóa học trực tuyến.
Tại đó, các tài tiệu được tải lên trang web để các sinh viên tham khảo và chia sẻ. Sinh viên tương tác với tài liệu của khóa học trên trang web, nghiện cứu nhóm, thảo luận và xây dựng tài liệu học tập đều qua kênh này.
Ông Hannes Klöpper, người đồng sáng lập, cho biết rằng trường đại học số xuất hiện rất đúng lúc. Không chỉ số lượng sinh viên tăng mỗi năm ở Đức, mà sự thay đổi ở hệ thống trường trung học ở một số bang đồng nghĩa sẽ có hai khóa tốt nghiệp trung học và đại học trong năm nay. Điều này sẽ khiến hệ thống trường đại học hiện tại bị quá tải.”
Hệ thống đại học số sẽ giúp giải quyết vấn đề quá tài này bởi vì sinh viên không cần phải ngồi cùng nhau trên giảng đường mà họ có thể tham gia bài giảng từ nhiều địa điểm khác nhau và tương tác với nhau qua internet.
Trường đại học số Collaboration Network for Academia được hình thành từ ý tưởng của 20 sinh viên trẻ mới tốt nghiệp tại nhiều trường đại học khác nhau, bao gồm ĐH Cambridge (Anh), ĐH Columbia, Duke và Princeton (Mỹ), ĐH Humboldt, Freie và Berlin (Đức), ĐH Quốc gia Singapore,...
Tham vọng của nhóm sinh viên trẻ là biến ý tưởng của họ thành một mô hình tiêu chuẩn dành cho sinh viên trên toàn thế giới. Mô hình đại học số không nhằm mục đích thay thế hệ thống giáo dục đại học truyền thống mà chỉ nhằm tăng tính hiệu quả cho hệ thống giáo dục đại học hiện tại.
Hà Anh
(UWN)
Hà Anh