LTS: Đưa ra ý kiến của mình về nội dung môn “tích hợp” ở bậc trung học cơ sở, tác giả Bùi Nam tiếp tục có bài viết chia sẻ.
Qua đó, tác giả mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học về môn “tích hợp” để bàn rõ hơn về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện còn rất nhiều băn khoăn về tính hiệu quả, khả thi của nó cũng như thành bại của chương trình mới.
Nếu chúng ta vội vàng áp dụng nó vào trong điều kiện giảng dạy thiếu thốn cả về nhân lực (không có bất kỳ giáo viên tích hợp), vật lực (không có đồ dùng dạy học tích hợp), trí lực (không có chủ biên tích hợp thực thụ) và cả bối cảnh (mô hình VNEN còn ngổn ngang).
Đây là vấn đề hệ trọng còn rất nhiều ý kiến trái chiều, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cẩn trọng, cân nhắc, nghiêm túc tổ chức thực nghiệm, tổng kết để tránh đi vào vết xe đổ của dự án VNEN (sáng học VNEN để báo cáo, dự giờ chiều dạy theo truyền thống để học sinh có kiến thức).
Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc trong việc dạy tích hợp (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin trình bày tiếp về nội dung môn “tích hợp” ở bậc trung học cơ sở, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Tổng chủ biên các môn “tích hợp” quan tâm, lắng nghe và nêu rõ quan điểm.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban phát triển chương trình định xóa sổ các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa để biến thành 2 môn “tích hợp” Khoa học tự nhiên, Lịch sử và địa lý trong khi chưa có một đánh giá khoa học cụ thể còn rất nhiều quan điểm trái chiều, cần cân nhắc và cẩn trọng hơn.
Tôi và hàng triệu giáo viên và học sinh trên cả nước rất băn khoăn, lo lắng khi thời gian bắt đầu triển khai chương trình mới đã cận kề (dự kiến áp dụng ở lớp 6 vào năm học 2020 - 2021), chúng tôi và các em học sinh lại trở thành “bầy chuột bạch” một cách miễn cưỡng và không thấy được lối ra.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây công bố việc thực nghiệm chương trình “thành công tốt đẹp” làm chúng tôi thấy lo hơn vì cách thực nghiệm kiểu này và kết quả không có gì mới nhưng khi thực hành lại thất bại.
Thực nghiệm chương trình mới liệu có lặp lại vết xe đổ VNEN? |
Những câu hỏi chưa được giải đáp
Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng, có những thứ có thể sai lầm nhưng giáo dục thì không được sai lầm.
Chương trình giáo dục mà sai lầm nó sẽ làm thui chột sự phát triển trí óc của hàng triệu học sinh, kèm theo đó là sự phát triển của đất nước.
Tôi xin gởi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng chủ biên chương trình hay tổng chủ biên các môn “tích hợp” các câu hỏi sau, rất mong nhận được phản hồi.
Thứ nhất, 2 môn học mới này có bao nhiêu % giống 2 môn học "tích hợp cơ học" đã có của mô hình VNEN?
Thứ hai, Tổng chủ biên môn Khoa học tự nhiên là Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn hiện có chuyên môn Sinh học thì thầy Tuấn đã “kịp” học về môn Lý, Hóa chưa?
Xin Phó giáo sư đưa ra bằng chứng để chúng tôi yên tâm, thầy là chuyên gia “tích hợp” thực thụ có thể soạn chương trình và sách giáo khoa bộ môn Khoa học tự nhiên.
Cả nước hiện đã có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, giáo viên “tích hợp” được huy động để viết sách giáo khoa “tích hợp”?
Chúng tôi khao khát được dự 1 tiết học do người biên soạn chương trình giảng dạy |
Thứ ba, đến khi nào cả nước có đủ giáo viên “tích hợp” để giảng dạy?
Cả nước hiện có hàng vạn giáo viên đơn môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa mong Bộ Giáo dục và Đào tao công bố cách đào tạo, thời gian đào tạo, kinh phí đào tạo như thế nào để ra “lò” giáo viên “tích hợp”?
Theo tính toán và suy nghĩ của tôi cho dù có bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, chưa kể thời gian, công sức cũng không thể đào tạo giáo viên đang giảng dạy đơn môn trở thành giáo viên “tích hợp”.
Điều này là viển vông, một giáo viên Sinh học đã dạy 20 năm chỉ một môn Sinh không thể học được Lý, Hóa để trở thành giáo viên “tích hợp”.
Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy bằng chứng, căn cứ gì để khẳng định rằng học sinh học “tích hợp” sẽ học giỏi, học tốt, ngoan hơn học sinh học đơn môn như hiện nay?
Bộ có dự định sẽ thử nghiệm để so sánh học sinh học môn “tích hợp” và học sinh học đơn môn để tổng kết, so sánh và đánh giá không?
Nếu chưa thử nghiệm, chưa so sánh, tổng kết, đánh giá thì mong Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng vội vàng thực hiện điều chưa chắc chắn này, rất nguy hiểm.
Thứ năm, nếu thất bại ai chịu trách nhiệm về chương trình “tích hợp”, các giáo viên “tích hợp”, sách giáo khoa “tích hợp”, đồ dùng “tích hợp” sẽ đi về đâu?
Các em học sinh “tích hợp” sẽ biến thành con người như thế nào?
Lộ trình khắc phục thất bại ra sao?
Xin mời thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Mai Sỹ Tuấn dạy thị phạm 2 môn tích hợp |
Còn việc học sinh sáng học theo chương trình “tích hợp” để báo cáo, chiều chia ra học đơn môn để lấy kiến thức như mô hình VNEN vừa qua không?
Thứ sáu, nếu “một sách ba thầy” thì ai sẽ chịu trách nhiệm chung về chất lượng, ai chịu trách nhiệm về ra đề, kiểm tra, đánh giá, vào điểm, đồ dùng dạy học?
Còn nếu “một thầy ba phần trong 1 sách” thì ai có thể đảm nhận?
Theo tôi biết nếu giáo viên đơn môn Sinh mà dạy Lý hoặc Hóa thì chỉ có thể đọc bài và chép bài trên bảng cho học sinh chứ không thể nắm vững kiến thức để giảng.
Vậy chất lượng “đầu ra” của học sinh thất bại ai chịu trách nhiệm?
Rất cần một cuộc Hội thảo khoa học về môn “tích hợp”
Việc xóa sổ các môn Lý, Hóa…để trở thành 2 môn Khoa học tự nhiên, môn Sử và Địa rất quan trọng đến việc thành bại của chương trình mới.
Chúng tôi rất muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng chủ biên chương trình và bộ môn tổ chức buổi Hội thảo trực tuyến đúng nghĩa để bàn về “số phận” của 2 môn “tích hợp”.
Trước khi tổ chức Hội thảo mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố bản thảo chương trình, bản thảo sách giáo khoa “tích hợp” tất cả lên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mọi người tham khảo trước.
Trong quá trình tổ chức Hội thảo ngoài đại diện Bộ Giáo dục, các Tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa sẽ mời các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế và được truyền hình trực tiếp trên cả nước cho nhân dân cả nước theo dõi.
Bộ Giáo dục nên tổ chức "hội nghị đầu bờ" 2 môn tích hợp mới |
Các giáo viên sẽ tập trung tại các điểm cầu Sở/Phòng giáo dục trực tiếp lắng nghe, nêu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình.
Khi tổ chức Hội thảo rất mong Bộ Giáo dục – Đào tạo trả lời các thắc mắc của tôi cũng như giáo viên ở trên cho thỏa đáng.
Đồng thời, Bộ cần nêu kế hoạch về chương trình, sách giáo khoa, chuẩn bị cơ sở vật chất,…sau đó ghi nhận ý kiến đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, của giáo viên và nhân dân cả nước, kể cả học sinh.
Tiếp theo, việc rất quan trọng đó là dạy thử nghiệm thực tế, mỗi khối ít nhất 2 tiết do tổng chủ biên bộ môn “tích hợp” giảng dạy cho giáo viên rút kinh nghiệm, nhận xét.
Tôi tin rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo rất cầu thị lắng nghe không chỉ vì hàng triệu giáo viên, học sinh, phụ huynh mà còn là sự thành bại của quốc sách.
Nếu tất cả làm ở mức chấp nhận được thì chúng ta sửa đổi, cải cách và cho tiến hành, nếu không được có thể cho dừng việc thực hiện 2 môn “tích hợp” kịp thời, bây giờ sửa sai là chưa muộn.