Sách Cánh diều tả "gí mũi xuống mặt đất, ngửi khịt khịt như chó", có nên?

11/04/2021 07:03
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chọn lựa ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa rất khó, đòi hỏi tác giả phải hiểu tâm lý của từng lứa tuổi để chọn lựa phù hợp.

Chọn sách giáo khoa lớp 6 lần này có anh Nguyễn Hoành đại diện phụ huynh tham gia, anh Hoành là dân thợ hồ, là thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh nên được mời dự.

Khi đọc sách Tiếng Việt lớp 6 tập 1 của bộ sách Cánh Diều, anh thích lắm. Đến trang 63, anh đọc đi đọc lại, rồi nói “Nếu ông Honda mà đọc được cái này chắc mắc cười lắm”.

Trong bài Thực hành đọc hiểu "Thời thơ cấu của Hon-đa" từ trang 61 đến trang 64 sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 của bộ Cánh diều, trích dẫn từ (Hon-đa Sô-i-chi-rô, Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới (Bản lí lịch đời tôi), Nguyễn Trí Dũng dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn - Báo Sài Gòn giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006), trang 63 có đoạn:

"Vào khoảng năm lớp 2 hoặc lớp 3 tôi không nhớ rõ, một hôm, trên đường đi học về tôi nghe nói có một chiếc ô tô chạy về làng. Tôi quên hết mọi việc, phi như bay về và thấy một chiếc xe bọc vải bạt bò ọc ạch trên con đường làng chật hẹp. Đôi chân bé nhỏ của tôi chẳng mấy chốc đã đuổi kịp và chạy bám theo xe một quãng dài. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ô tô. Chắc khó ai hiểu được sự phấn khích này của tôi. Khi xe dừng lại, dầu nhểu ra có mùi đặc biệt rất khó tả. Tôi gí mũi xuống mặt đất, ngửi khịt khịt như chó ngửi, lấy tay quệt quệt dầu rồi đưa lên mũi hít vào đầy lồng ngực. Trong đầu tôi chợt này ra một ước mơ rất trẻ con: "Biết đâu, có lúc nào đó mình cũng làm được một chiếc xe như thế nhỉ?". Sau ngày đó, ở phố bên cạnh thường có ô tô chạy, cứ đi học về là tôi lại cõng em chạy đi xem." [1]

Ảnh chụp màn hình trang 63, sách Tiếng Việt lớp 6 Tập 1 bộ sách Cánh Diều. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ảnh chụp màn hình trang 63, sách Tiếng Việt lớp 6 Tập 1 bộ sách Cánh Diều. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Như để giải thích cho lời của mình, anh Hoành tiếp “Muốn gí mũi xuống mặt đất như chó phải nằm úp xuống, không thể có ai làm như thế để ngửi trên mặt đất, vì có nhiều chất khác chứ không phải dầu máy.

Chó đánh hơi phát ra tiếng khịt khịt là khi nó dùng mũi thở ra, nhằm làm lộ vật cần ngửi, giống như ta nhăn mũi thở ra khi gặp mùi khó ngửi, mới có tiếng khịt khịt như... chó.

Đã là mùi khó ngửi, khó ưa, không ai hít vào đầy lồng ngực cả. Người ta chỉ hít vào đầy lồng ngực mùi hương quen thuộc, yêu thích, thương nhớ, lâu rồi mới gặp lại cái mùi đó.

Cái mùi dầu máy lần đầu ngửi thấy, không thể có thao tác hít đầy lồng ngực được”.

Nói về việc đưa ngữ liệu trên vào sách giáo khoa, cô giáo D. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Trích dẫn hình ảnh nhà sáng lập hãng Honda là rất hay, cũng góp phần gieo mầm mơ ước cho các em học sinh, định hướng nghề nghiệp theo sở thích, mong muốn cho các em.

Trích dẫn thì phải giữ nguyên tác, nguyên bản dịch của tác giả. Tuy nhiên, bản dịch không chính xác mình có thể không dùng, thay thế ngữ liệu khác cho phù hợp.

Nguyên tác tiếng Nhật như thế nào thì em không biết, nhưng với hành vi đánh hơi của chó là không chính xác.

Với học sinh lớp 6 nói riêng, học sinh trung học cơ sở nói chung, ngôn ngữ cho các em cần trong sáng và đẹp.

Vì vậy so sánh hình ảnh của một nhà sáng lập nổi tiếng như thế với... chó thì không nên, không còn là Văn học nữa.

Dù chó là thú cưng, thân thiết nhất với con người, thế nhưng hình ảnh so sánh việc ông Honda ngửi mùi dầu máy với con chó như trên vừa không đúng thực tế, vừa phản cảm.

Với một người nổi tiếng như Honda còn có thể so sánh với con chó, học sinh sẽ tùy tiện sử dụng hình ảnh so sánh khi viết bài sau này”.

Thầy Ph. (xin đề nghị không nêu tên) cũng chia sẻ “Nếu cấp trên chọn sách này, tôi sẽ thay đổi ngữ liệu phần Thực hành đọc hiểu này.

Nhưng tiếc thay, hình ảnh so sánh ông Honda với con... chó khi ngửi mùi dầu máy chắc chắn các em đọc được, vì sách trong tay các em mà.

Vì thế, lại phải mất thêm thời gian giúp các em không nên so sánh hành vi nhạy cảm của người với động vật nói chung và chó nói riêng”.

Cô giáo Nh. chia sẻ: “Đơn giản thế này, có học sinh khi viết về thầy cô, so sánh thầy cô với... chó, vì nó có hình ảnh, hành vi của Honda so sánh với chó trong tiềm thức, người đọc sẽ cảm nhận thế nào, thầy cô sẽ đánh giá thế nào, dù đó là học sinh ngoan, không có ý chửi giáo viên?”.

Với học sinh lớp 6, những hình ảnh văn học thường khắc sâu vào tâm trí của các em, đặc biệt là những người nổi tiếng.

Việc nhìn nhận vấn đề của các em chưa sâu sắc như người lớn chúng ta, vì thế chọn lựa ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa rất khó, đòi hỏi tác giả phải hiểu tâm lý của từng lứa tuổi để chọn lựa phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://sachcanhdieu.com/ngu-van-6-tap-1/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến