Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đến dấu phẩy cũng không vô giá trị

14/11/2016 08:24
Trung tâm Công nghệ giáo dục
(GDVN) - Nói việc triển khai đại trà sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục trái với Chương trình năm 2000 là sai, vì lúc đó nó là đề tài nghiên cứu,...

LTS: Ngày 1/11, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi về một số vấn đề liên quan đến Công nghệ giáo dục mà Báo phản ánh trong thời gian vừa qua với Giáo sư Hồ Ngọc Đại và cộng sự của ông tại Trung tâm Công nghệ giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Sau buổi làm việc này, Trung tâm Công nghệ giáo dục mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm Giám đốc đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết thể hiện quan điểm chính thức của tập thể Trung tâm, liên quan đến các vấn đề Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt ra về Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục nói riêng, Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói chung.

Để tôn trọng tính đa chiều trong các tranh luận học thuật và pháp lý, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý bạn đọc nguyên văn trả lời của Trung tâm Công nghệ giáo dục Việt Nam.

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện lập trường của Trung tâm Công nghệ giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Tên bài do Ban Biên tập đặt.

Những gì Trung tâm Công nghệ giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang làm đều công khai giữa thanh thiên bạch nhật, không có gì giấu giếm cả.

Những thắc mắc về nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (tài liệu học tập)

Bất cứ một giải pháp nào trong sách Tiếng Việt 1 của GS. Hồ Ngọc Đại, ngay cả một dấu phẩy, đều có giá trị, vì ông làm 40 năm rồi.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại tập huấn cho các giáo viên cốt cán các địa phương về tài liệu Công nghệ giáo dục của ông. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại tập huấn cho các giáo viên cốt cán các địa phương về tài liệu Công nghệ giáo dục của ông. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Giáo viên hay phụ huynh mở trang 25 ra, có thể biết 24 trang trước trẻ học như thế nào, vì không lẫn một cái gì từ trang 26 trở đi cả. Nhưng cái đó còn dễ.

Đến trang 125 thì cũng chỉ có những gì 124 trang trước đó, không có cái gì lẫn từ trang 126 trở đi. Nhưng cái đó còn dễ. Đến trang thứ 225 cũng như thế.

Khi kiểm tra việc học của trẻ, nếu chỗ nào giáo viên giảng ẩu là biết ngay. Dạy theo Công nghệ giáo dục, trẻ học đến đâu kiểm soát được đến đó. Sách giáo khoa Công nghệ giáo dục rất chặt chẽ.

Trong khoa học có cái gọi là đối tượng.

Cũng một đối tượng ấy, có nhiều góc nhìn, cách nhìn khác nhau.

Đó là tính đa dạng của cách nhìn.

Không có cái nào đúng, cái nào sai ở đây cả.

Tuy nhiên, nền giáo dục cho 100% trẻ con sinh ra được đi học là nền giáo dục toàn dân.

Cả ngàn năm nay, nền giáo dục Nho giáo buộc 5% dân số phải thuộc chữ nghĩa thánh hiền, những câu nói mà người thường không thể hiểu được, chỉ có trong sách vở.

Còn bây giờ là nền giáo dục cho 100% dân cư, cần phải nói những điều mà mọi người đều hiểu. 

Đó là những cái hoàn toàn dân dã, của cuộc sống thực, hoàn toàn có thật, vì 100% dân cư họ sống cuộc sống rất thật, rất đời thường.

Học công nghệ giáo dục, đảm bảo trẻ con biết tự và cơm ăn là có thể dạy được. Học gì biết nấy. Học đâu chắc đấy. Đọc thông viết thạo, đúng chính tả và không tái mù.

Trẻ con chưa cần biết nghĩa của nó là cái gì cả. Trẻ con chỉ cần nghe được, viết lại được. Người ta viết ra, nó đọc được. Nó còn có cả cuộc đời sau này để tìm hiểu ý nghĩa. 

Trẻ con học lớp 1 giống như là mình xây móng nhà vậy. Nó thô, nhưng vững chắc.

Chẳng ai phải hoa hòe hoa sói với cái móng nhà cả.

Vì thế phải xem trẻ con nó nghĩ như thế nào, chứ không phải người lớn nghĩ trẻ con cần phải có những gì.

Cơ sở pháp lý triển khai đại trà sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục

Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được Hội đồng nghiệm thu nhiều lần: 2 lần cấp quốc gia, 1 lần cấp Bộ, và lần nào cũng được xếp loại tốt, được đề nghị cho triển khai nhân rộng. Hồ sơ còn được lưu tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. 

Và tất nhiên, hội đồng nghiệm thu là Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục.

Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đến dấu phẩy cũng không vô giá trị ảnh 2

Học mẫu giáo đã phải đăng ký mua sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại

(GDVN) - Phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch dùng sách giáo khoa Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại và sách VNEN dù còn gây nhiều tranh cãi và thiếu căn cứ...

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục lần thứ nhất là PGS.TS. Lương Ngọc Toản, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Công nghệ giáo dục lần thứ hai là GS.TS. Phạm Đình Thái.

Trước năm 2000, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã phổ biến tới 43 tỉnh thành, các tỉnh này đều tự nguyện xin áp dụng vì họ hài lòng với kết quả dạy và học.

Nhưng vì năm 2000 chủ trương cả nước sử dụng một bộ sách giáo khoa, nên sách Công nghệ giáo dục không được phổ biến rộng rãi như trước.

Mãi cho đến năm 2006, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hiện nhiều học sinh ngồi nhầm lớp, đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ: “Hoàn thiện Công nghệ dạy Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiếu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc” lại được Trung tâm Công nghệ giáo dục thực hiện.

Trung tâm làm thành công ở những nơi khó khăn nhất của Lào Cai. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi khảo sát. Thấy rõ kết quả, Bộ trưởng cho nhân rộng theo phương thức tự nguyện.

Trung tâm Công nghệ giáo dục vừa có chuyến công tác tại Lai Châu. Ở đây, do hiệu quả của phương pháp Công nghệ giáo dục, Tiếng Việt 1 không những được triển khai tới 100% học sinh, cả ở những lớp ghép, mà còn được dùng để dạy xóa mù nữa. 

Triển khai Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là đúng luật

Nói việc triển khai đại trà sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục trái với Chương trình năm 2000 là sai, vì lúc đó nó là đề tài nghiên cứu, là một giải pháp khoa học và được nhân ra bằng lợi ích giải pháp khoa học.

Bộ Trưởng Luận làm rất đúng, rất nghiêm chỉnh. Ông đã thông qua hết các hội đồng, còn xin ý kiến Thủ tướng đồng ý mới làm.

Chính vì phương án này có lợi cho học sinh, được nhiều địa phương hoan nghênh, năm 2013, Bộ Trưởng Luận ra quyết định bỏ chữ "thí điểm" và cho triển khai đại trà, theo phương thức tự nguyện.

Hiện giờ có 48 tỉnh/thành với gần 700 ngàn học sinh theo học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ có bài trao đổi lại với Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại về những nội dung được nêu ra trong bài viết này. 

Chúng tôi cũng mong nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo dục Việt Nam trong và ngoài nước xoay quanh Công nghệ giáo dục và sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đặc biệt là của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục đương chức hoặc nghỉ hưu đã được Giáo sư Hồ Ngọc Đại và chúng tôi đề cập.

Đó là nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là 2 cựu lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò rất lớn trong việc triển khai đại trà Công nghệ giáo dục.

PGS-TS Lương Ngọc Toản, GS. TS Phạm Đình Thái là hai nhà khoa học, nhà quản lý được Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết là hai ông từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.

Tất cả các cuộc trao đổi đều trên tinh thần học thuật, khoa học và tranh luận đa chiều nhằm mang đến các thông tin, kết luận tốt nhất phục vụ sự nghiệp đổi mới giáo dục mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện. 

Trung tâm Công nghệ giáo dục