Sao lại có quan niệm môn chính môn phụ?

15/08/2020 07:31
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều phụ huynh động viên tôi rằng giáo viên bộ môn nào không quan trọng, điều cần nhất là cô quan tâm đến các con như thế nào mà thôi, môn nào cũng có giá trị.

“Làm công tác giảng dạy được hơn 6 năm thì ban giám hiệu nhà trường phân công tôi làm công tác chủ nhiệm lớp, khi biết tin tôi thật sự lo lắng và hồi hộp mặc dù lúc đó đã làm trợ lý phó chủ nhiệm lớp 9 T1.

Không phải khả năng của mình không đảm nhận được công việc đó, mà chính là cách mình tiếp xúc, tiếp cận với học sinh mình chủ nhiệm ra sao, cũng như phụ huynh của các em nghĩ về mình thế nào?

Liệu họ có chấp nhận một giáo viên dạy môn Mỹ thuật như mình làm chủ nhiệm lớp nơi con họ học?

Lại càng hẫng hụt hơn khi ngay buổi đầu tiên nhận chủ nhiệm lớp 6 T5 (chuyên Toán Anh) thì đã có một phụ huynh xin chuyển con mình sang lớp khác”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Hậu - Giáo viên dạy Mỹ thuật, chủ nhiệm lớp 7 T5 Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Hậu: "Càng hẫng hụt hơn khi ngay buổi đầu tiên nhận chủ nhiệm lớp 6 T5 (chuyên Toán Anh) thì đã có một phụ huynh xin chuyển con mình sang lớp khác”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Đỗ Thị Hậu: "Càng hẫng hụt hơn khi ngay buổi đầu tiên nhận chủ nhiệm lớp 6 T5 (chuyên Toán Anh) thì đã có một phụ huynh xin chuyển con mình sang lớp khác”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Hậu cho biết: “Trước khi nhận lớp này tôi đã chuẩn bị tâm lý và gọi điện thông báo giới thiệu bản thân với từng phụ huynh, chia sẻ thẳng thắn xem họ suy nghĩ thế nào khi giáo viên dạy Mỹ thuật làm công tác chủ nhiệm.

Cũng có nhiều phụ huynh động viên tôi rằng giáo viên bộ môn nào không quan trọng, mà điều cần nhất ở đây là cô quan tâm đến các con như thế nào mà thôi, chứ môn học nào cũng có giá trị riêng của nó.

Những lời chia sẻ, động viên đó là động lực rất lớn giúp tôi thêm vững tâm cho buổi đầu tiên đón các con trên lớp.

Tôi cặm cụi chuẩn bị từ những việc nhỏ nhất như vẽ chỉ dẫn sơ đồ chỗ ngồi trong lớp, biển tên cho các con đeo trước ngực để giáo viên bộ môn nắm được trong những buổi học đầu tiên.

Tôi luôn tâm niệm coi học sinh như con của mình, có như vậy thì mình mới làm việc thực tâm được.

Điều này tôi cũng chia sẻ tại buổi họp phụ huynh đầu tiên trên cương vị chủ nhiệm lớp, mặc dù cảm nhận được một chút chưa yên tâm trong cuộc họp khi thấy tôi là giáo viên dạy Mỹ thuật, trong khi các năm trước chủ nhiệm lớp các con đều dạy môn Toán, Văn.

Hàng ngày lên lớp tôi thấy rất vui và làm việc gì cũng vì các con, trong tiết học các con rất hào hứng và mong ngày nào cũng có giờ Mỹ thuật.

Lớp tôi chủ nhiệm và cả những lớp khác học sinh đều rất thích tôi dạy. Tôi tự nhủ mình phải làm sao để các con không có cảm giác nặng nề của giờ học, mà thay vào đó là những giây phút sáng tạo thoải mái.

Tôi luôn dựa trên sở thích cũng như sự tiếp thu của từng học sinh, theo sự phát triển của xã hội, nhu cầu của lớp học để đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp.

Ngay như tiết dạy trang trí bảng ở cuối lớp học, là nơi các con ghi nhớ những sự kiện trong lớp, ngày sinh nhật các bạn hoặc những tấm ảnh vui, chính vì vậy tôi hướng dẫn rồi để cho các con thỏa sức sáng tạo.

Việc này giúp các con biết áp dụng mầu sắc, trình bày ý tưởng, trang trí…và tất cả thành quả đều được thể hiện trên đó. Lớp nào cũng có 1 bảng như vậy và rất cần thiết cho các hoạt động trong lớp

Ngoài ra tôi áp dụng phương pháp kể chuyện để truyền tải kiến thức cho các con trong giờ học, ví dụ hôm nay học về tác giả tác phẩm của danh họa nổi tiếng trong nước, hoặc nước ngoài thì tôi kể cho các con nghe về cuộc đời của nhân vật đó.

Những câu chuyện như vậy khiến cho các con hiểu hơn về cuộc đời, tác phẩm của danh họa, như vậy các con dễ nhớ và nhớ sâu hơn.

Các câu chuyện tôi kể đều xoay quanh môn học và những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, chính vì thế các con rất thích”.

Có những tiết học tôi xin phép cô bộ môn để được vào ngồi học cùng với các con, như vậy tôi cũng nắm được kiến thức bài giảng đó để có thể nhắc nhở, giúp các con phần nào.Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Có những tiết học tôi xin phép cô bộ môn để được vào ngồi học cùng với các con, như vậy tôi cũng nắm được kiến thức bài giảng đó để có thể nhắc nhở, giúp các con phần nào.Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Luôn đồng hành cùng các con

Theo cô Hậu: “Tôi dành thời gian rảnh trao đổi thường xuyên với các giáo viên bộ môn để nắm bắt kịp thời mọi thông tin về lớp, hoặc dạy xong lớp khác là tôi lại về ngay lớp mình chủ nhiệm xem các con học, sinh hoạt ra sao.

Ngày không có tiết dạy nào ở trường nhưng tôi vẫn đến với lớp từ sáng, giờ nào tôi cũng có thể qua lớp được từ giờ ăn, giờ nghỉ trưa…thậm chí có những con về nói với phụ huynh rằng lúc nào cũng thấy cô Hậu ở quanh con.

Đặc biệt tôi chú trọng những tiết học mà các con hay mất trật tự, tôi thường đi qua lớp rồi đứng ở một vị trí nào đó bên ngoài quan sát xem bạn nào thường không tập trung nghe giảng.

Thậm chí có những tiết học tôi xin phép cô bộ môn để được vào ngồi học cùng với các con, như vậy tôi cũng nắm được kiến thức bài giảng đó để có thể nhắc nhở, giúp các con phần nào.

Hơn nữa đó cũng là hình thức đồng hành cùng các con trong mọi hoạt động và kết quả sẽ được thể hiện ở các kỳ thi trong năm học, và từ lâu nơi nghỉ giữa giờ của tôi là tại lớp cùng các con chứ không phải là phòng hội đồng nhà trường.

Tôi làm cho mỗi con một quyển sánh đề cương với phần ghi câu hỏi, phần trả lời của từng môn như Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý…các con thống kê kiến thức từng môn vào đó và khi cần có thể đem ra xem lại.

Là lớp đầu cấp nên tôi nghĩ mình sẽ làm tất cả những gì có thể, từ đó sẽ khuyến khích các con tự giác học tập một cách hiệu quả nhất, và những năm học sau chỉ việc phát huy theo nề nếp đã có.

Các con khi có lỗi nhưng không bao giờ tôi dùng những từ anh hay tôi, mà luôn luôn dùng từ cô và con cho tình cảm, giảm áp lực và học sinh thấy mình được tôn trọng. Có như vậy thì việc dạy bảo mới hiệu quả.

Luôn theo sát lớp nên tôi nắm bắt được tính cách, sở thích cũng như lực học của từng con, đặc biệt có con đang học rất tốt nhưng đột nhiên lại sa sút, vì vậy tôi cần phải lưu tâm tìm hiểu.

Tôi gặp riêng trò chuyện trao đổi xem có vướng mắc gì, tâm tư ra sao và con cần cô giúp gì không? Có nhiều trường hợp tôi thông báo và phối hợp với phụ huynh để cùng giúp tháo gỡ. Một mặt trên lớp tôi phối hợp với giáo viên bộ môn lưu ý đến con hơn trong giờ học”.

Tôi rút ra cho mình được rất nhiều kinh nghiệm, tùy vào tính cách của từng học sinh để đưa ra những lời khuyên hoặc cách giúp đỡ khác nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tôi rút ra cho mình được rất nhiều kinh nghiệm, tùy vào tính cách của từng học sinh để đưa ra những lời khuyên hoặc cách giúp đỡ khác nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Yêu thương và thấu hiểu học sinh

Cô Hậu chia sẻ: “Tôi nhớ có một em trong lớp tôi phụ trách mới chuyển đến trường Đoàn Thị Điểm từ đầu năm lớp 6, nhưng không hiểu sao em đó học tất cả các môn đều yếu.

Tôi cũng nhận được khá nhiều lời phàn nàn của giáo viên bộ môn về lực học của em này, em không chơi với các bạn, không hợp tác với giáo viên trong giờ học, không làm bài tập và hỏi gì em cũng không nói…

Tôi tranh thủ giờ ra chơi để tiếp xúc và tìm hiểu, nói chuyện chia sẻ để giúp con hiểu được môi trường ở đây là các thầy cô luôn hết lòng vì các con.

Nếu có vướng mắc hoặc chưa hiểu điều gì thì con hãy nói ra và chính cô sẽ là người giúp, vậy cô mong con chia sẻ lòng mình, có như vậy thì con mới học tốt và theo kịp các bạn trong lớp.

Tôi hướng dẫn cho con phương pháp học để làm sao dễ nhớ, nhớ sâu và luôn bám sát con hàng ngày với từng môn học, phối hợp với giáo viên bộ môn để chỗ nào con chưa hiểu là giảng lại từng chút một.

Một học sinh hổng kiến thức mà lại ở lớp chuyên Toán, Anh nên tôi rất lo nếu như em phải chuyển lớp, nhưng cũng mừng là sang đến học kỳ 2 lực học của em tiến bộ rõ rệt không phụ lòng thầy cô, cho đến năm lớp 7 em đó đã đạt học sinh giỏi.

Tôi rút ra cho mình được rất nhiều kinh nghiệm, tùy vào tính cách của từng học sinh để đưa ra những lời khuyên hoặc cách giúp đỡ khác nhau.

Có bạn thì giảng giải nhẹ nhàng nhưng cũng có em tôi phải dùng biện pháp nghiêm khắc hoặc nói mạnh hơn một chút, nhưng trên tất cả là giúp cho các con hiểu được tình cảm yêu thương của các thầy cô luôn mong con tiến bộ.

Rất may mắn là tôi có được sự giúp đỡ, phối hợp cùng đồng hành của các giáo viên bộ môn, của bố mẹ các con cũng như sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường đã giúp cho các con có được một môi trường học tập tốt, từ đó phát huy hết khả năng của mình.

Tôi luôn chú trọng hướng các con về đạo đức nề nếp, sau đó mới đến việc học tập và cũng mừng là ban phụ huynh trong lớp rất ủng hộ cũng như luôn đồng hành cùng với tôi trong việc này.

Nhưng sau đó gần hết học kỳ 1 thì số các bác không yên tâm lúc đầu đã thay đổi suy nghĩ cũng như bỏ dự định chuyển con sang lớp khác".

Môn học nào cũng có giá trị riêng giúp cho hoàn thiện tính cách cũng như kỹ năng hoàn chỉnh của một con người hiện đại.Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Môn học nào cũng có giá trị riêng giúp cho hoàn thiện tính cách cũng như kỹ năng hoàn chỉnh của một con người hiện đại.Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Môn nào là môn chính?

Cô Hậu nêu quan điểm: “Theo tôi một giáo viên chủ nhiệm lớp trước hết phải thương yêu, hết mình vì học sinh.

Mỗi thầy cô đều có phương pháp truyền đạt kiến thức khác nhau nhưng luôn luôn phải nắm bắt được cá tính, cũng những lực học của từng con để điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp.

Luôn lấy học sinh làm trung tâm, luôn vì các con trong mọi hoàn cảnh kể cả trên lớp cũng như ngoài giờ, luôn sẵn sàng lắng nghe chia sẻ để biết các con đang thiếu, đang cần hoặc đang suy nghĩ gì? Từ đó sẽ đưa ra được những phương pháp giúp đỡ hiệu quả.

Đặc biệt là giáo viên phải hiểu được tính cách, các mối quan hệ cũng như hoàn cảnh của học sinh, có như vậy mới thấu hiểu, đồng cảm giúp cho mối quan hệ cô trò thêm gắn bó.

Còn quan niệm thế nào là môn phụ, thế nào là môn chính trong nhà trường thì theo tôi không có văn bản chỉ thị nào ghi rõ điều này, môn nào cũng có giá trị riêng giúp cho hoàn thiện tính cách cũng như kỹ năng hoàn chỉnh của một con người hiện đại.

Không lẽ chúng ta cứ lấy Toán, Văn, Ngoại ngữ là chính và Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân… là phụ?

Đó là do quan niệm và suy nghĩ chưa thấu đáo mà thôi, hơn nữa môn nào phát triển mạnh và hiệu quả còn tùy thuộc vào năng khiếu sở thích của từng học sinh, giáo viên chủ nhiệm tinh ý nhận ra được điểm mạnh đó để có hướng giúp nó thăng hoa, đó mới là quan trọng”.

Tùng Dương