Sinh viên đi làm thêm nên đúng chuyên ngành hay chỉ cần kiếm nhiều tiền?

29/11/2021 06:40
Bài, ảnh: Thùy Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có nhiều công việc phù hợp với sinh viên như: gia sư, bán hàng, tiếp thị… được các bạn sinh viên lựa chọn.

Đi làm thêm vì tiền và vì đam mê

Xã hội phát triển các loại công việc và thời gian làm thêm cũng đa dạng, chính vì vậy các bạn sinh viên đi làm thêm ngày một nhiều. Các bạn trẻ bây giờ ngày càng năng động, thích khám phá và thử sức với những thứ mới.

Có nhiều công việc phù hợp với sinh viên như: gia sư, bán hàng, tiếp thị… được các bạn sinh viên lựa chọn.

Đối mặt với nỗi lo toan về chi phí sinh hoạt, học phí, đã có không ít sinh viên năm nhất, mới chân ướt chân ráo vào trường đã phải hối hả lao ra ngoài đi làm thêm, kiếm tiền để lo “việc học”.

Bùi Thu Minh, sinh viên năm 3, chuyên ngành Báo phát thanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Theo mình, nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập. Tuy nhiên nếu chúng ta có thời gian và cơ hội thì có thể đi làm thêm.

Khi nói tới những mục đích của việc đi làm thêm, mình thấy có hai mục đích chủ yếu, thứ nhất là vì tiền và thứ hai là vì đam mê. Và nếu chúng ta có cả hai thứ đó trong một công việc thì quá tốt.

Mình khá may mắn khi tìm được công việc như vậy, mình đã lựa chọn một việc làm thêm gần nhất với ngành học của mình. Hiện nay, mình đang là phát thanh viên của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội.

Mình đi làm thêm không chỉ để kiếm tiền mà còn để bản thân được cọ xát với cuộc sống, với xã hội. Có thể nói, mình đi làm chủ yếu vì đam mê chứ không quá coi trọng tiền bạc.

Tất nhiên, nếu như nói mình không quan tâm đến tiền bạc là nói dối, nhưng khi đi làm thì thứ mình mong muốn nhất là được trau dồi, học thêm được một kỹ năng nào đó để giúp ích cho mình sau khi ra trường.

Công việc này mình rất thích, mình có thêm sự hiểu biết trong công việc, tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức, hiểu được thế mạnh của mình để từ đó phát triển bản thân trở thành phiên bản tốt nhất”.

Bùi Thu Minh (bên trái) - sinh viên năm 3, chuyên ngành Báo phát thanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền may mắn khi có công việc làm thêm đúng với ngành học. Ảnh: NVCC

Bùi Thu Minh (bên trái) - sinh viên năm 3, chuyên ngành Báo phát thanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền may mắn khi có công việc làm thêm đúng với ngành học. Ảnh: NVCC

Nguyễn Trà Giang, sinh viên năm 3, Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Mình bắt đầu đi làm thêm từ năm 2 đại học. Công việc đầu tiên của mình là quản lý tour du lịch, với công việc này mình sẽ tư vấn cho khách hàng lựa chọn những combo và tour du lịch phù hợp nhất.

Mình làm trong khoảng sáu tháng, sau đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mình đã tạm gác công việc này. Và hiện nay, mình đang làm gia sư Tiếng Anh. Thời gian đầu mình đi dạy gia sư và có mở lớp tại nhà. Dạo gần đây, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, mình chuyển hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến.

Đối với mình, hai công việc này trước tiên tạo cho mình một nguồn thu nhập ổn định, có thể chi trả được những nhu cầu riêng của bản thân.

Bên cạnh đó, với việc quản lý tour du lịch cho mình thêm những kinh nghiệm về quản lý, có thêm kỹ năng trong giao tiếp, mở rộng kiến thức về ngành du lịch trong nước.

Còn đối với công việc dạy học, bản thân mình là sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, vì vậy việc dạy học bổ sung cho mình thêm kiến thức về mặt từ vựng và ngữ pháp.

Hơn nữa, công việc này còn trau dồi cho bản thân mình thêm kỹ năng sư phạm. Đối với mình, sinh viên nên vừa học vừa làm. Bởi việc vừa học vừa làm là cơ hội để sinh viên học hỏi, trải nghiệm và phát triển bản thân giữa thực tế”.

Nguyễn Trà Giang, sinh viên năm 3, Trường Đại học Mở Hà Nội hiện đang làm gia sư tiếng Anh.

Nguyễn Trà Giang, sinh viên năm 3, Trường Đại học Mở Hà Nội hiện đang làm gia sư tiếng Anh.

Bao nhiêu sinh viên đi làm thêm đúng ngành đang học?

Bên cạnh những thuận lợi dễ nhận thấy khi đi làm thêm, sinh viên cũng gặp không ít khó khăn.

Ngay từ tên gọi “việc làm thêm” đã nói lên khó khăn đầu tiên mà sinh viên gặp phải. Bởi lẽ nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập nhưng giờ đây các bạn trẻ phải trích một nửa số thời gian học tập ra để làm thêm kiếm sống.

Không nhiều sinh viên chọn được việc làm phù hợp với mình, phần lớn họ phải làm trái với chuyên ngành mà bản thân đang theo học tại trường.

Phùng Đắc Tùng, sinh viên năm 3, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Mình bắt đầu đi làm thêm từ khá sớm, công việc đầu tiên của mình bắt đầu từ năm nhất đại học, mình làm nhân viên phục vụ cho quán cafe.

Mục tiêu khi tìm việc làm thêm của mình là kiếm tiền để cải thiện tình hình tài chính và đỡ đần một phần nào đó cho gia đình.

Do lịch học đại học khá thoải mái, mình chỉ học một buổi trong ngày, thời gian còn lại mình dành để đi làm thêm.

Công việc phục vụ quán cafe của mình khá ổn cho đến năm hai lịch học của mình có nhiều thay đổi, mình đã nghỉ làm ở quán cafe và chuyển qua làm nhân viên giao hàng.

Công việc này thoải mái về mặt thời gian, mình có thể đi làm bất cứ khi nào rảnh. Đối với mình, làm nhân viên giao hàng có thu nhập cao hơn so với việc làm nhân viên phục vụ quán cafe.

Mình đã tự lo được tiền sinh hoạt hàng ngày và mình vẫn làm nhân viên giao hàng đến hiện tại.

Mặc dù công việc đem lại cho mình một khoản thu nhập ổn định, nhưng việc đi làm thêm đôi lúc ảnh hưởng đến việc học tập của mình. Có những ngày mình giao nhiều đơn nên về rất mệt và hôm sau mình đã nghỉ học ở nhà".

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên đã bị cuốn vào công việc chứ không để tâm đến học hành, ham làm hơn ham học.

Để tránh điều này, các bạn nên lựa sức mình khi nộp hồ sơ đi làm để đảm bảo sức khỏe và hoàn thành tốt việc học.

Khi bạn có thời gian biểu hợp lý, biết cân bằng thì việc vừa đi học vừa đi làm không phải là quá khó.

Đi làm thêm chỉ là một trong những cách trải nghiệm cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm chứ không phải duy nhất. Các bạn có thể tham gia vào các câu lạc bộ hoặc các hoạt động tình nguyện vào cuối tuần hay kỳ nghỉ, đó cũng là một cách trải nghiệm thú vị.

Bài, ảnh: Thùy Giang