Sinh viên kiếm tiền nhờ ...kinh doanh phòng trọ

20/06/2014 06:16
Hồng Nhung
(GDVN) - Thuê phòng trọ, tận dụng phòng trọ dịp nghỉ hè để cho thuê lại kiếm lời là những “chiêu” kinh doanh mới của sinh viên.

Thuê nhà riêng rồi cho thuê lại

Trong thời buổi bão giá như hiện nay, giá phòng trọ liên tục tăng cộng với nhiều chi phí như tiền điện, tiền nước, tiền gửi xe, tiền mạng,… khiến nhiều sinh viên rơi vào khó khăn về tài chính; cộng với việc chủ nhà trọ khó tính, giờ giấc đi lại không thoải mái làm cho nhiều sinh viên chán nản cảnh đi ở thuê.

Tuy nhiên, trong “cái khó ló cái khôn”, sinh viên lại nghĩ lại dịch vụ kinh doanh từ chính phòng trọ của mình vừa giảm chi phí thuê phòng lại vừa có thêm thu nhập.

Quỳnh Trang (sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư 5 triệu đồng để thuê một ngôi nhà 4 tầng tại phố Cự Lộc, Hà Nội. Tầng 1 rộng rãi được dành để làm chỗ để xe và khu bếp nấu ăn cho 2 phòng ở tầng 2, tầng 2 và tầng 3 có 4 phòng, trong đó 1 phòng Trang dùng để ở, còn lại 3 phòng cho sinh viên thuê lại. Riêng tầng 5 để phơi đồ và nấu ăn cho các phòng ở tầng 3.

Sinh viên thuê nhà riêng rồi cho thuê lại vừa giảm chi phí thuê nhà lại vừa có thêm thu nhập (Ảnh minh họa)
Sinh viên thuê nhà riêng rồi cho thuê lại vừa giảm chi phí thuê nhà lại vừa có thêm thu nhập (Ảnh minh họa)

Cho sinh viên thuê lại với giá cả hợp lý 1,6 triệu đồng/phòng có thể ở 2 – 3 người, nước 40 nghìn đồng/người/tháng, điện 2000 đồng/số, mỗi tháng trừ đi tiền phòng phải trả 5 triệu đồng, Trang cũng dư thêm khoảng 1 triệu đồng để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Số tiền này không nhiều nhưng bù lại, Trang vừa không phải lo tiền nhà mà vẫn có tiền dư, lại thoải mái giờ giấc sinh hoạt.

Quang Nam lại là một trường hợp khác. Vào cuối năm học thứ 3, trong lúc loay hoay tìm nhà trọ, Nam được người quen giới thiệu cho một ngôi nhà 3 tầng ở đường La Thành. Ngôi nhà sạch sẽ, có đầy đủ tiện nghi như tủ lạnh, máy giặt, nóng lạnh… do chủ nhà để lại. Tuy nhà cách xa trường nhưng Nam vẫn quyết định thuê lại.

Nam cùng một người bạn của mình đứng ra hùn tiền thuê nhà chung với số tiền 4 triệu đồng/tháng, tiền nhà trả trước 3 tháng một lần. Nhà có 3 phòng, 1 phòng hai bạn ở chung, còn lại cho thuê 2 phòng tầng 2. Để tránh ồn ào và đảm bảo an ninh, Nam chỉ cho người quen thuê lại phòng. Do cũng là chỗ quen biết nên Nam chấp nhận cho thuê với giá phải chăng, chủ yếu không phải lo tiền phòng hàng tháng là được.

Kinh doanh phòng thi đại học

Kỳ tuyển sinh đại học vào đúng dịp nghỉ hè, nhà trọ lại gần trường học nên nhiều sinh viên nghĩ ra dịch vụ cho thuê phòng thi đại học. Trong 4, 5 ngày mà lại kiếm được khoản tiền kha khá nên dịch vụ cho thuê phòng mùa thi đang trở thành công việc kinh doanh “lãi lớn” được nhiều sinh viên lựa chọn.

Nhà trọ ở gần Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, mà chủ nhà lại ở xa nên Thu Thủy nghĩ ra kế hoạch kinh doanh dịp thi đại học, cao đẳng. Do đi làm thêm cả ngày, chỉ tối về ngủ nên cũng không ảnh hưởng gì đến giờ giấc sinh hoạt, Thủy cho thí sinh thuê 100 nghìn đồng/ngày.

Phòng trường hợp chủ nhà đến bất ngờ, Thủy dặn trước với người nhà thí sinh khi có ai hỏi phải nói là họ hàng dưới quê lên chơi. Tính ra trong 4 ngày thi đại học, Thủy cũng có thêm 400 nghìn đồng để bù vào tiền thuê phòng.

Không ở chung phòng với sĩ tử như Thủy, Anh Tuấn (sinh viên Đại học Công đoàn) lại nghĩ ra cách chuyển qua phòng bên cạnh ở để cho thuê lại phòng. Chẳng là phòng bên có hai người thì một bạn về quê nghỉ hè nên Tuấn và bạn phòng bên lên kế hoạch ở ghép trong mấy ngày thi đại học để cho thuê lại phòng. Tuấn chỉ chuyển một số quần áo, đồ dùng cần thiết qua phòng bên, còn lại vẫn giữ nguyên để cho thuê lại. Trong mấy ngày thi, hai bạn cũng kiếm được khoản kha khá để sinh hoạt.

Cảnh giác khi kinh doanh phòng cho thuê

Việc cho thuê nhà trọ không hề đơn giản, nhiều sinh viên rơi vào cảnh “dở khóc” với công việc kinh doanh này.

Trang chia sẻ thêm về khó khăn trong lần đầu kinh doanh, Trang cho biết: “Lần đầu tiên kinh doanh nên mình chưa có kinh nghiệm. Cuối tháng có 1 phòng chuyển đi bất ngờ nên mình chưa tìm được người ở, tháng đó cũng bù lỗ thêm gần 2 triệu đồng tiền nhà. Sau lần đó, mình rút ra kinh nghiệm để các bạn đặt cọc trước nửa tháng tiền nhà và yêu cầu thông báo trả phòng trước 1 tháng”.

Không gặp phải tình huống như Trang, Nam lại bị sinh viên nghỉ hè về quê xù luôn tiền phòng “Do tin tưởng các bạn ở lâu, nên khi các bạn chuyển đi còn thiếu tiền phòng mình cho khất lại, sau đó không thấy liên lạc được nữa”.

Còn Thủy, sau ngày đầu cho thí sinh và người nhà thuê chung phòng, tối đi làm về mới sững sờ khi thấy đồ đạc bị đem ra làm của chung, bày bừa bộn khắp nhà. Vốn tính gọn gàng nên đi làm về chưa kịp nghỉ ngơi, Thủy lại hì hục đi dọn dẹp lại phòng. "Kiếm được chút tiền nhưng cũng mệt bở hơi" - Thủy chia sẻ thêm.

Không chỉ phải bù tiền hay bị xù tiền phòng, nhiều chủ nhà sinh viên còn gặp phải kẻ gian lừa đảo, lấy trộm đồ. Thêm vào đó là việc quản lý an ninh, giữ trật tự, vệ sinh cũng khiến nhiều chủ nhà sinh viên vất vả.

Hồng Nhung