Sinh viên Ngoại thương nói gì về "chảnh"?

30/06/2012 06:02
Đỗ Quyên Quyên (Thực hiện)
(GDVN) - Thời gian gần đây cư dân mạng nói nhiều điều không hay về sinh viên Trường ĐH Ngoại thương. Bản thân những người trong cuộc họ nghĩ gì? Báo GDVN nhận được những ý kiến đa dạng, sâu sắc của SV Ngoại thương, một trong số những người bị gán mác "chảnh".
Lê Văn Hiệp - K49, Khoa Kinh tế Đối ngoại, ĐH Ngoại thương: “Tật xấu của người Việt Nam là thường lấy cái xấu của người khác ra để nói”

Lê Văn Hiệp cho biết, ngay từ khi chưa vào trường, bản thân bạn đã được nghe những sự việc này rất nhiều. Trường ĐH Ngoại thương cũng giống như một cộng đồng thu nhỏ, tất nhiên sẽ không thể tránh khỏi những điều này nọ, xấu có, tốt có. Ai mà chẳng có điểm tốt điểm xấu, hơn nữa cả một trường gồm hàng nghìn sinh viên thì chắc chắn cũng có một vài sinh viên có biểu hiện chưa tốt.
Bên cạnh đó, Hiệp giải thích về chữ "chảnh" một số người gán ghép cho sinh viên Ngoại thương: Sinh viên Ngoại thương được thừa hưởng một môi trường rất tốt, thể hiện được nhiều tố chất nên trong giao tiếp hằng ngày có nhiều biểu hiện vượt trội hơn. Dẫn tới trong một lúc nào đó, sự biểu hiện này chưa phù hợp gây khó chịu cho những người khác. Vì vậy nhiều người nghĩ rằng sinh viên Ngoại thương kiêu, tỏ ra hơn họ. Nhưng bản thân Hiệp cho hay, cách suy nghĩ đó là chính họ đã tự kìm chế sự phát triển của từng cá thể, từng con người. Tại sao không cho sinh viên Ngoại thương thể hiện mình? Miễn sao công việc cũng như mọi thứ đều tốt đẹp. 

Nhìn nhận về sự việc vừa rồi, Lê Văn Hiệp cũng cho biết thêm: Đây chỉ là một câu chuyện rất nhỏ, rất nhiều công ty vẫn mong muốn sinh viên Trường ĐH Ngoại thương về làm việc. Cũng theo ý kiến của một vài người thì công ty nọ không dám tuyển sinh viên Ngoại Thương vì “sợ" không đáp ứng được yêu cầu làm việc của ứng viên. Dẫu sao, đây cũng là một kinh nghiệm, một "nút thắt" để sinh viên Ngoại thương nhìn nhận lại mình, nhìn những gì đã đạt được, những gì chưa tốt cần khắc phục. Bản thân Hiệp cũng xin tiếp thu để làm cho hình ảnh sinh viên Ngoại thương tốt hơn trong mắt mọi người, tránh tình trạng đáng tiếc như thế này. Sinh viên Lê Văn Hiệp tin rằng, qua sự việc này cộng đồng Ngoại thương lại càng gắn bó, đoàn kết lẫn nhau. Không phải vì các bạn bao che nhau mà vì đã ý thức được tinh thần Ngoại thương, luôn giúp đỡ lẫn nhau. Cái gì chưa tốt thì tiếp thu sửa chữa, cái gì thuộc về truyền thông thì gìn giữ phát huy. Hiệp cũng cho biết thêm, không ai là người hoàn hảo, người Việt Nam chúng ta có một tật là thường lấy cái xấu của người khác để nói. Tại sao chúng ta không nói và học tập những cái tốt đẹp hơn? Hiệp mong muốn truyền tải thông điệp: "Hãy thay đổi cách nghĩ để chính bản thân bạn, và chúng tôi, những người trẻ, đóng góp thật nhiều cho đất nước" đến với tất cả mọi người.
Sinh viên Ngoại thương bị nhà tuyển dụng chê "chảnh"
Sinh viên Ngoại thương bị nhà tuyển dụng chê "chảnh"
Nguyễn Thị Tuyết Mai, K49, kinh tế đối ngoại, Ngoại thương: “Không tuyển sinh viên Ngoại thương nhà tuyển dụng sẽ thiệt thòi”
Sau khi nhận được thông tin Sinh viên Ngoại thương bị nhà tuyển dụng chê "chảnh", sinh viên Nguyễn Thị Tuyết Mai đánh giá: Thực sự cái gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó, "không có lửa thì làm sao có khói". Tuyết Mai không hề phủ nhận từ "chảnh" dành cho sinh viên trường Ngoại thương, nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ những người như vậy trong trường. Bạn hoàn toàn không đồng ý với việc quy kết điều đó cho toàn thể sinh viên trường Ngoại thương. 

Trước sự việc này, Tuyết Mai cho biết sẽ không chọn cho mình cách đứng lên để tranh luận mà là chọn lựa cho mình sự im lặng. Im lặng không có nghĩa là đồng ý. Nếu bây giờ sinh viên Ngoại thương đứng lên cất tiếng, phản hồi bằng các khẩu hiệu băng rôn và hô lớn: "Sinh viên Ngoại thương không hề chảnh" thì mọi người sẽ nghĩ sao? Tất cả sẽ chỉ là sáo rỗng nếu như không có hành động. Tuyết Mai nhận định, thời gian sẽ chứng minh cho tất cả. Sinh viên Ngoại thương sẽ chứng minh bằng năng lực của mình rằng các bạn là những người nhiệt tình, năng động, hòa đồng chứ không phải là"chảnh".

Qua sự việc này, Tuyết Mai cho biết, phần lớn mọi người chê Sinh viên Ngoại thương "chảnh" vì cho rằng các bạn luôn nghĩ mình hơn người. Không phủ nhận là ở trường Ngoại thương có những nhân tài kiệt xuất, họ có xứng đáng để đòi một mức lương cao phù hợp với năng lực của họ. 

Theo Tuyết Mai, khái niệm sinh viên "chảnh" chỉ mang tính chất cá nhân. Nếu công ty X muốn người đó làm việc, nhưng lại không thể trả với mức lương theo thỏa thuận thì bạn sinh viên đó đương nhiên sẽ không làm cho công ty X. Bởi họ cảm thấy như thế sẽ là thiệt thòi đối với công sức mình bỏ ra. Như vậy, một điều tất yếu là công ty X sẽ nghĩ sinh viên đó "chảnh" và quy kết cho nhanh gọn là sinh viên Ngoại thương đều "chảnh"

Sau khi sự việc xảy ra, Tuyết Mai đã nghĩ khá nhiều đến vấn đề liên quan đến công việc của mình sau khi ra trường. Mai cho rằng một nhà tuyển dụng thông minh sẽ không bao giờ tuyên bố rằng "Không tuyển dụng sinh viên Trường Đại học Ngoại thương". Làm như vậy thì hơn ai hết họ sẽ là người thiệt. Nhận định như thế không phải bởi vì sinh viên trường Ngoại thương tài giỏi hơn người. Ở đâu cũng có những nhân tài ngay cả trong trường đại học có điểm đầu vào không được cao lắm. Điều sâu sắc hơn mà Tuyết Mai muốn nhắn nhủ đến những nhà tuyển dụng là: Càng hạn hẹp phạm vi tuyển dụng thì hơn ai hết chính những công ty đó sẽ phải chiu thiệt. Tuyết Mai khẳng định: "Tôi tin rằng chỉ cần có tài thì chả có lý gì mà các công ty không tuyển dụng mình cả".

Sinh viên ĐH Ngoại thương trong chuyến đi thực tế tại Công ty Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao- Ninh Bình
Sinh viên ĐH Ngoại thương trong chuyến đi thực tế tại Công ty Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao- Ninh Bình

Hoàng Anh Tuấn, K48, Khoa Kinh tế đối ngoại: “Tôi cũng lo lắng công việc của mình sau khi ra trường không được như ý”
Trong khi cư dân mạng đang xôn xao bàn luận về sự việc tại Trường ĐH Ngoại thương, Hoàng Anh Tuấn tâm sự: “Tôi cảm thấy trong thời điểm hiện tại nên im lặng để nhìn nhận vấn đề một cách thấy đáo và sâu sắc nhất, tránh gây thêm căng thẳng và đồng thời rút ra được kinh nghiệm, bài học cho bản thân”.

Nhận xét về sinh viên trường Ngoại thương, Hoàng Anh Tuấn có cái nhìn rất khách quan. Bạn cho rằng, có những sinh viên Ngoại thương "chảnh" nhưng nói quy chụp theo hướng toàn bộ sinh viên Ngoại thương "chảnh" thì vô hình chung đã sai lầm.

Sau sự việc vừa rồi, sinh viên Hoàng Anh Tuấn cũng lo lắng cho công việc của mình sau khi ra trường sẽ không được như ý. Nhưng bạn cũng nhận định, hiện tại sẽ phải làm tốt việc của mình trước. Bạn tin rằng sẽ có nhiều người nhìn thấy những điểm tốt của sinh viên Ngoại thương và sẵn sàng nhận họ vào làm việc.

Sinh viên ĐH Ngoại thương trong Hội thảo: "Khởi nghiệp trong ngành Logistics"
Sinh viên ĐH Ngoại thương trong Hội thảo: "Khởi nghiệp trong ngành Logistics"


Phạm Thanh Lam, K50 Thương mại quốc tế: “Ban đầu cảm thấy bức xúc khi nhận được thông tin nhà tuyển dụng chê chảnh”
Thanh Lam cho biết, sau khi biết được bài báo:“Sinh viên Ngoại thương bị nhà tuyển dụng chê chảnh", ban đầu bạn cũng cảm thấy khá bức xúc và có phần bất công vì không phải sinh viên Ngoại thương nào cũng như thế. Sau khi xem xét sự việc một cách thấu đáo, Thanh Lam có cái nhìn bình tĩnh và toàn diện hơn. Bởi cái gì cũng có hai mặt của nó, mỗi người có một quan điểm khác nhau, tuy nhiên nên nhìn nhận và đánh giá một cách đa chiều và sâu sắc.

Là một sinh viên Ngoại thương, Thanh Lam thấy phần lớn các bạn, các anh chị trong trường rất năng động, tự tin. "Chảnh""tự tin" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên ranh giới phân biệt giữa chúng không phải ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, sẽ có một bộ phận nhỏ nào đó sinh viên chưa có nhìn nhận chính xác về năng lực bản thân mình. Môi trường nào cũng có người này người kia, nhưng không nên "quy chụp" và đưa ra kết luận tuyệt đối như một số trang mạng đã viết.

Thanh Lam tin rằng với bất kỳ bạn sinh viên nào bao gồm cả sinh viên Ngoại thương nếu vốn kiến thức ở trường lớp vững chắc, cũng như trải nghiệm xã hội khiến bản thân năng động, tự tin, cộng với sự ham học hỏi của mình, thì trong tương lai không một nhà tuyển dụng nào lại từ chối những bạn sinh viên như vậy. Những hoạt động xã hội được tổ chức thường xuyên tại Ngoại thương đã giúp các bạn cọ xát và có vốn hiểu biết thực tế. Bản thân Thanh Lam tự hào vì mình là một sinh viên ngoại thương.
Đỗ Quyên Quyên (Thực hiện)