Tại sao Bộ Chính trị chỉ đạo mà giáo viên hợp đồng vẫn chưa được đặc cách?

26/09/2019 06:22
Vũ Ninh
(GDVN) - Mặc dù đã có chủ trương xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng lâu năm nhưng trên thực tế sẽ có rất ít giáo viên đủ điều kiện để xét đặc cách theo Nghị định 161.

Chủ trương đúng nhưng xa rời với thực tế

Những ngày qua, thông tin giáo viên có hợp đồng trước ngày 31/12/2015 được tuyển đặc cách, không phải thi tuyển thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội đặc biệt là những thầy cô hợp đồng lâu năm.

Cụ thể, thông tin này do Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ ngày 20/9/2019.

Giáo viên có hợp đồng trước ngày 31/12/2015 được tuyển đặc cách, không phải thi
Giáo viên có hợp đồng trước ngày 31/12/2015 được tuyển đặc cách, không phải thi

Ông Nguyễn Duy Thăng nói: “Trước tình hình biên chế, ký hợp đồng chuyên môn chưa đúng quy định pháp luật ở các đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả cơ quan hành chính đặc biệt đối với giáo viên, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã báo cáo với Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có văn bản 9028, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo vấn đề này.

Tinh thần chung, những người đang làm hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp, các trường chưa tư thục tự chủ một phần chi thường xuyên đang làm hợp đồng, đã ký hợp đồng lao động từ 31/12/2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì xem xét, giao cho Chủ tịch tỉnh rà soát lại theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về tiêu chuẩn chức danh, định mức biên chế thì xem xét tuyển vào.

Tuyển hình thức đặc cách tức là không qua thi, thông qua Nghị định 29, thông qua theo Nghị định 161”.

Trong cùng ngày 20/9/2019, Sở Nội vụ Hà Nội chính thức ban hành thông báo kế hoạch lịch tổ chức thi, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban Nhân dân Quận, huyện, thị xã 2019.

Cùng với đó là thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu: Qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số gần 3.000 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Theo đó, tất cả các giáo viên hợp đồng ở Hà Nội không được xét tuyển đặc cách do vướng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14, Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Chính vì thể nhiều giáo viên thắc mắc: Tại sao Bộ Chính trị và Chính phủ đã cho phép tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển đối với những giáo viên ký hợp đồng và đóng bảo hiểm trước ngày 31/12/2015 nhưng trong tổng số gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không có một ai đủ điều kiện được xét đặc cách theo lời ông Nguyễn Văn Sửu?

Ông Thăng nói điều kiện để được xét đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp, các trường chưa tư thục tự chủ một phần chi thường xuyên đang làm hợp đồng, đã ký hợp đồng lao động từ 31/12/2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Ảnh:Trinh Phúc)
Ông Thăng nói điều kiện để được xét đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp, các trường chưa tư thục tự chủ một phần chi thường xuyên đang làm hợp đồng, đã ký hợp đồng lao động từ 31/12/2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Ảnh:Trinh Phúc)

Vướng mắc ở đây nằm ở điều kiện xét đặc cách (trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức) theo Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161/2018/NĐ-CP. 

Cụ thể những cá nhân thuộc diện xét đặc cách phải có các điều kiện sau:

Có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí làm việc

Yêu cầu trình độ đào tạo Đại học trở lên tại vị trí việc làm cần tuyển dụng

Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Người ký hợp đồng theo đúng quy định pháp luật làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Trong 4 điều kiện này, điều kiện thứ 4 chính là điều kiện loại bỏ hoàn toàn 3000 giáo viên hợp đồng - không đủ điều kiện xét đặc cách.

Bởi hiện nay có rất ít các trường công trên địa bàn Hà Nội tự chủ thu chi (theo diễn giải của ông Nguyễn Duy Thăng: Những người đang làm hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp, các trường chưa tư thục tự chủ một phần chi thường xuyên).

Đây cũng là lý do vì sao Thành phố Hà Nội trả lời: Gần 3000 giáo viên hợp đồng không ai có đủ điều kiện để được xét đặc cách.

Như vậy câu chuyện từ chủ trương đến thực tiễn cách xa nhau vời vợi. Khi đưa ra một chủ trương nhưng không gắn vào thực tiễn, một chủ trương không giải quyết được cho bất kể 1 trường hợp nào.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi về hiệu quả cũng như mục đích ban hành chủ trương đó.

Mặc dù có chủ trương nhưng sẽ không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện để được xét đặc cách (Ảnh:V.N)
Mặc dù có chủ trương nhưng sẽ không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện để được xét đặc cách (Ảnh:V.N)

Trong gần nửa năm qua, câu chuyện giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn kêu cứu sau đó lan rộng ra nhiều Quận, huyện, thị xã tại Hà Nội và trên cả nước thu hút sự chú ý của dư luận xã hội.

Hàng trăm bài viết, đối thoại, phỏng vấn…đều khẳng định sẽ có những chính sách nhân văn dành cho số giáo viên hợp đồng này. 

Nhưng cuối cùng chưa thấy một chủ trương nhân văn nào giải quyết cho số giáo viên này thì nhiều thầy cô đã bị cắt hợp đồng về quê…nuôi lợn.

Rõ ràng chuyện giáo viên hợp đồng là một vấn đề lớn. Nó chỉ ra những bất cập trong công tác tuyển dụng trong nhiều năm qua. 

Vì lớn nên Bộ Chính trị mới ban hành công văn số 9028, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, các Bộ ban ngành cũng đồng thời vào cuộc.

Tuy nhiên trong câu chuyện lớn này, chẳng lẽ các cơ quan tham mưu, Bộ ban ngành lại không lường trước được tình trạng: Trong số gần 3000 giáo viên hợp đồng không có bất cứ ai thỏa mãn điều kiện làm việc tại các trường công lập tự chủ tài chính.

Vì thế khi ban hành chủ trương xét đặc cách nhưng lại không xét đặc cách được cho bất kỳ 1 ai. Từ chủ trương đến thực tiễn xa vời vợi!

Thế cuối cùng chúng tôi có được xét đặc cách hay không?

Câu hỏi đau đáu của cô giáo Nguyễn Thị Thơm, giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn cũng là câu hỏi chung của gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội.

Gần nửa năm trời đấu tranh vì quyền lợi, số giáo viên này bị quay chong chóng bởi những chính sách, lời nói tiền hậu bất nhất của các Bộ ban ngành.

Đắng ngắt! giáo viên nhận trợ cấp thất nghiệp đúng vào ngày khai giảng
Đắng ngắt! giáo viên nhận trợ cấp thất nghiệp đúng vào ngày khai giảng

Còn nhớ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội từng ra Quyết định số 3455/QĐ-UBND rà soát và thực hiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng. Sau đó, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung cũng công khai 3 điều kiện xét tuyển giáo viên.

Nhưng ngay sau đó, các Quận, huyện, thị xã vẫn tiến hành đăng ký thi tuyển bình thường.

Mới đây thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết: Đã có công văn số 9028 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đóng bảo hiểm 5 năm trở lên.

Vài ngày sau, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội trả lời: Không có giáo viên hợp đồng nào đủ điều kiện để xét đặc cách.

Bên cạnh tình trạng chủ trương xa rời thực tiễn mà chúng tôi đã phân tích ở trên, cách làm này khiến số giáo viên hợp đồng chẳng biết đâu mà lần.

Bức xúc, một giáo viên hợp đồng (N.T.T.M) lên tiếng: “Chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Bộ này thì nói sẽ xét đặc cách, thành phố khăng khăng không ai đủ điều kiện.

Về điều kiện để xét đặc cách, hơn ai hết Thành phố phải là người nắm được có bao nhiêu trường công tự chủ tài chính tại Hà Nội. 

Thế nhưng dẫu biết trước không ai đủ điều kiện mà vẫn ban hành chủ trương, công văn. Chúng tôi nghĩ như thế chẳng khác nào đưa ra cho đẹp lòng dư luận.

Tại sao trong một ngành đáng lẽ phải đề cao đạo đức, nhân văn lên làm đầu như ngành giáo dục lại có những việc làm tiền hậu bất nhất như vậy?

Nếu ngay từ đầu nói thẳng ra chúng tôi không được xét đặc cách đã đành nhưng cứ nói rằng sẽ có chính sách nhân văn, bắt chúng tôi chờ đợi. Đến nay gieo cho chúng tôi hy vọng rồi lại dập tắt nó”.

Nhiều giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/7/2019 (Ảnh:V.N)
Nhiều giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/7/2019 (Ảnh:V.N)

Cô giáo Nguyễn Thị Thơm mong muốn: Bộ Nội vụ chỉ định trực tiếp cho các địa phương thực hiện xét đặc cách thay vì giao cho từng địa phương cân nhắc xét đặc cách vì lo ngại sẽ có nhiều địa phương không thực hiện.

Bên cạnh đó nhiều giáo viên hợp đồng cũng bày tỏ có cơ chế tháo gỡ vướng mắc tại điều kiện thứ 4 (Khoản 7, Điều 2, Nghị định 161/2018/NĐ-CP) bởi thực tế đến nay Hà Nội không có nhiều trường công tự chủ tài chính hoặc xét theo điều kiện của Nghị định 29.

Dưới góc độ chính sách, nhiều chuyên gia cho rằng: Cần phải giải quyết triệt để chuyện giáo viên hợp đồng vì đây là những bất cập tồn tại trong công tác tuyển dụng viên chức giáo dục nhiều năm qua.

Vũ Ninh