Tại sao đội ngũ giáo viên lại bức xúc nhiều với sáng kiến kinh nghiệm?

26/02/2018 07:04
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Thực tế cho thấy, cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề, lĩnh vực khác với ngành giáo dục, ít kêu ca, phàn nàn về việc đăng ký và làm các sáng kiến kinh.

LTS: Sáng kiến kinh nghiệm “là những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà người viết tích lũy được trong thực tiễn công tác giảng dạy của bản thân.

Đưa ra phân tích và so sánh lý giải tại sao đội ngũ giáo viên lại bức xúc nhiều về việc viết sáng kiến kinh nghiệm, tác giả Sông Trà đã có bài viết trao đổi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cả nước hiện nay vào khoảng 2,8 triệu người, trong đó cán bộ, công chức, viên chức của ngành giáo dục có số lượng đông đảo nhất, trên 1,2 triệu người.

Theo các văn bản của Chính phủ thì các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi đăng ký những danh hiệu thi đua, từ mức chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên đều phải đăng ký và làm sáng kiến kinh nghiệm (hay còn gọi là đề tài nghiên cứu khoa học).

Nó trở thành một tiêu chí, điều kiện cần để các cấp xem xét, phê duyệt và công nhận thành tích, các danh hiệu thi đua vào cuối năm.

Đội ngũ giáo viên lại bức xúc nhiều về sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa: vov.vn).
Đội ngũ giáo viên lại bức xúc nhiều về sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa: vov.vn).

Theo Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức thì các cán bộ, công chức, viên chức (mọi lĩnh vực, ngành nghề) được đánh giá, phân loại ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng phải làm, nộp sáng kiến kinh nghiệm để các cấp quản lý tổ chức chấm, công nhận, đạt hay không đạt.

Tất nhiên, một số cán bộ, công chức, viên chức, nếu không làm hoặc làm mà chấm không đạt thì sẽ không được công nhận mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm đó.

Thực tế cho thấy, cán bộ, công chức, viên chức ở các ngành nghề, lĩnh vực khác với ngành giáo dục, ít kêu ca, phàn nàn về việc đăng ký và làm các sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến khoa học kỹ thuật trong đăng ký các danh hiệu thi đua và khi đạt mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mặc dù, tại Thông tư số 35 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng của ngành giáo dục có quy định một số thành tích nổi bật của thầy cô giáo đạt trong năm học được phép thay thế cho sáng kiến kinh nghiệm (tức là được miễn làm và nộp sáng kiến kinh nghiệm).

Tại sao đội ngũ giáo viên lại bức xúc nhiều với sáng kiến kinh nghiệm? ảnh 2Giáo viên vào mùa tìm kiếm sáng kiến kinh nghiệm

Nhưng, các thầy cô giáo ở ngành giáo dục lại tiếp tục ca thán, bức xúc về việc đăng ký, làm, nộp và thẩm định các sáng kiến kinh nghiệm.

Hình thức, đối phó, sao chép, lãng phí, tốn công sức, thời gian, vô bổ, không cần thiết, “vàng thau lẫn lộn”…là các cụm từ thường xuất hiện trong các bài viết trên báo chí gần đây về thực trạng làm và chấm sáng kiến kinh nghiệm ở lĩnh vực giáo dục.

Tại sao vậy? Thử đưa ra một số phân tích và so sánh.

Tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức ở ngành giáo dục chiếm gần một nửa so với tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các lĩnh vực, ngành nghề khác trong hệ thống hành chính công cộng lại.

Tương ứng với đó là số lượng, tỉ lệ thầy, cô giáo các bậc học tham gia đăng ký và làm sáng kiến kinh nghiệm cũng áp đảo theo.

Số lượng sáng kiến quá lớn khiến việc kiểm soát, đánh giá và phân loại sáng kiến của các cấp quản lý gặp ít nhiều khó khăn.

Có nơi phát sinh dấu hiệu tiêu cực, dễ dãi, nể nang, cho qua…. những sáng kiến vi phạm bản quyền hoặc không đạt chất lượng, yêu cầu làm cho ý thức, trách nhiệm của người làm, người chấm và cũng như giá trị đích thực của nhiều sáng kiến bị suy giảm và xem thường.

Các lĩnh vực, ngành nghề khác không tổ chức và tham gia nhiều hội thi, kỳ thi như ngành giáo dục, nhất là bậc phổ thông.

Thi giáo viên dạy giỏi, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi…gần như trong đời người giáo viên nào cũng đều phải trải qua từ một đến nhiều lần, không bao giờ thiếu “món” sáng kiến kinh nghiệm theo quy định tại 2 Thông tư về Hội thi giáo viên dạy giỏi và Hội thi giáo viên chủ nhiệm các cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại sao đội ngũ giáo viên lại bức xúc nhiều với sáng kiến kinh nghiệm? ảnh 3Vẫn chưa hết lo âu vì ...sáng kiến kinh nghiệm

Nếu 2 hội thi này mà bỏ được điều kiện phải có sáng kiến kinh nghiệm thì đội ngũ nhà giáo đỡ khổ biết chừng nào.

Chỉ cần mấy tiết thực hành trên lớp và một bài lý thuyết về chuyên môn, nghiệp vụ là quá đủ để đánh giá, phân định chất lượng, năng lực của giáo viên tham gia “sân chơi” ấy.

Các sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật ở những lĩnh vực, ngành nghề khác tuy ít về số lượng nhưng thường cụ thể, rõ ràng, tính khả thi, áp dụng trong thực tiễn, công việc khá cao.

Còn cả “rừng” sáng kiến của ngành giáo dục, phần nhiều được các thầy cô chế biến, xáo xào, sao chép, vay mượn từ bạn bè, từ những cái có sẵn trên mạng….lại thường “vô hình”, chung chung, toàn là lý thuyết, khó áp dụng, nhân rộng trong công việc giáo dục.

Bởi vì trong quá trình dạy học, không ít thầy cô giáo chỉ biết “dạy chay”, do điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường còn thiếu thốn.

Do ý thức, thói quen sử dụng đồ dùng, thiết bị, minh họa, kiến thức thực tế của nhiều giáo viên lúng túng, hạn chế; do nội dung, chương trình, kiểm tra, thi cử lâu nay cũng ít chú trọng đến thực tiễn, gắn kết với đời sống xã hội…

SÔNG TRÀ