Tại sao trẻ em Việt Nam toàn mắc bệnh người già?

29/01/2016 07:49
Nguyễn Minh Thanh
(GDVN) - “Gần 15% học sinh ở lứa tuổi Tiểu học tại TP.Hồ Chí Minh mắc phải căn bệnh tăng huyết áp mà nguyên nhân chính là do thừa cân, béo phì và lười vận động".

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của tác giả Nguyễn Minh Thanh khi nhìn nhận về một số căn bệnh của trẻ em Việt Nam đã được thống kê trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, tác giả băn khoăn rằng nguyên nhân nào dẫn tới những căn bệnh đó. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả thắc mắc này. 


Tại Hội nghị tổng kết hoạt động dinh dưỡng năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 vào chiều 19/1, Trung tâm Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh cho biết:

Gần 15% học sinh ở lứa tuổi Tiểu học tại TP.Hồ Chí Minh mắc phải căn bệnh tăng huyết áp mà nguyên nhân chính gây ra do tình trạng thừa cân, béo phì và lười vận động”. [1]

Theo Trung tâm này cho biết: “Bệnh lý trên xuất phát từ tình trạng thừa cân, béo phì, lười vận động của học sinh.

Kết quả kiểm tra tổng trạng sức khỏe học sinh tại tất cả các quận, huyện cho thấy, có tới 41,9% học sinh trên toàn thành phố bị thừa cân béo phì, trong đó 19% trẻ bị béo phì, chủ yếu rơi vào nhóm học sinh cấp 1”. 

Tại sao trẻ em Việt Nam toàn mắc bệnh người già? ảnh 1
Tại sao trẻ em Việt Nam toàn mắc bệnh người già? (Ảnh: giaoduc.edu,vn)

Qua con số này, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh cho biết, tăng huyết áp được y học xếp vào nhóm bệnh “giết người thầm lặng”.

Những báo cáo tổng kết trên làm không ít người giật mình, bởi lẽ những căn bệnh như tăng huyết áp xưa nay thường rơi vào những người trung niên, độ tuổi căng thẳng và áp lực lớn với công việc, cũng như những người già sau một thời gian có cuộc sống sung túc mà không chăm sóc sức khỏe đúng mức.

Thì nay những đứa trẻ tuổi đến trường lại mắc căn bệnh cao huyết áp với tỷ lệ lên tới 15% trên tổng số trẻ mà nguyên nhân chủ yếu là do thừa cân béo phì.

Với những yếu tố gây nên căn bệnh cao huyết áp, béo phì, thừa cân thì tốt nhất các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thiết bị công nghệ số mà thay vào đó nên thường xuyên cho trẻ vận động tại các sân chơi thể thao, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng để rèn luyện sức khỏe. 

Còn khi ở trường, giáo viên nên thiết kế cho các em những giờ thể dục thú vị, các giờ ngoại khóa để các em được vận động nhiều hơn. Và quan trọng hơn cả là nên giảm bớt giờ học tăng giờ chơi và phụ huynh nên hạn chế việc cho con em đi học thêm

Tại sao trẻ em Việt Nam toàn mắc bệnh người già? ảnh 2

Học VNEN, ngồi theo mâm và các nguy cơ con trẻ đang đối diện

(GDVN) - Học ở trường thực hiện mô hình trường học mới VNEN mà để học sinh cong vênh cột sống và loạn thị thì chúng ta thật sự có tội với thế hệ trẻ…

Còn tại Hội nghị tổng kết công tác vệ sinh lao động y tế trường học năm 2015 và phương hướng năm 2016 được tổ chức vào ngày 20/1, Bác sỹ Phạm Thị Nguyệt Ánh - Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.Hồ Chí Minh cho biết: Tại TP.Hồ Chí Minh hơn 22% học sinh vẹo cột sống [2]. 

Mà nguyên nhân dễ khiến trẻ bị vẹo cột sống nhất là ngồi sai tư thế, bàn ghế sai quy cách, lao động nặng…

Nhìn vào con số 22% có nghĩa là tại TP.Hồ Chí Minh cứ 5 học sinh thì có 1 em bị vẹo cột sống. Trong khi thực tế cho thấy, các trường tại các cơ sở công lập hiện nay đều đã thay thế những bàn ghế đảm bảo chiều cao giữa bàn và ghế phù hợp với học sinh, còn tại cơ sở giáo dục ngoài công lập thậm chí còn thiết kế riêng biệt từng loại bàn ghế tùy thuộc vào chiều cao của học sinh. 

Hơn nữa, tại TP.Hồ Chí Minh học trò chủ yếu còn được bố mẹ chở tới trường hàng ngày thì chắc chắn công việc nặng nhọc các em chưa phải làm. 

Vậy nguyên nhân chính dẫn tới những con số kinh ngạc về trẻ em khi mắc những căn bệnh của người già là do đâu?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://phunuonline.com.vn/giao-duc/chuyen-giao-duc/hoc-sinh-tieu-hoc-mac-benh-cao-huyet-ap-o-tphcm-gia-tang-68377/

[2] http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160121/cu-nam-hoc-sinh-tphcm-hon-mot-em-bi-veo-cot-song/1041736.html

Nguyễn Minh Thanh