Tám câu hỏi lớn cho người soạn chương trình phổ thông mới

30/08/2015 06:49
Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh
(GDVN) - Tại sao Bộ không công bố danh tính Tổng chủ biên (hay nhóm tác giả) soạn Dự thảo chương trình phổ thông mới?

LTS: Trước hết, tác giả bài viết này không phải là chuyên gia về chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT), mà chỉ có gần 43 năm làm giáo dục (17 năm dạy đại học và sau đó làm nghiên cứu và quản lý cấp Bộ GD&ĐT đã nghỉ hưu).

Tác giả có vài suy nghĩ nhỏ góp cho sự nghiệp đổi mới căn bản và triệt để GD&ĐT Việt Nam nhân dip Bộ GD&ĐT công bố bản Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” (GDPT tổng thể).

Với cách hành văn, quan điểm riêng của mình, Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT sẽ cho chúng ta một góc nhìn khác để hoàn thiện bản Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.


Trân trọng giới thiệu với độc giả.

Nhận xét đầu tiên của tôi là bản “Dự thảo chương trình GDPT tổng thể” này là một trong những khâu mở đầu tiến trình đổi mới căn bản và triệt để GD&ĐT Việt Nam theo tinh thần NQ số 29. 

Ưu điểm của nó là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang cách tiếp cận năng lực học sinh. Tuy nhiên, có nhiều khái niệm được đưa ra không rõ ràng về định nghĩa và diễn đạt còn khá lộn xộn.

Để nhằm giúp Ban soạn thảo của Bộ làm tốt hơn Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể này, tôi xin có một vài câu hỏi ban đầu như sau nhờ quý báo chuyển tới Bộ GD&ĐT như sau:

Thứ nhất, tại sao Bộ không công bố danh tính Tổng chủ biên (hay nhóm tác giả) soạn Dự thảo chương trình này nếu như nó đã được bắt đầu chuẩn bị từ 2011 đến nay?

Thứ hai, để hội nhập quốc tế, đề nghị hãy dịch tên của “Dự thảo chương trình GDPT tổng thể” và những từ khoá chính (khái niệm, định nghĩa mới) sang tiếng Anh (hay đã lấy từ tiếng Anh) để công chúng và giới nghiên cứu khoa học giáo dục biết nó hội nhập ra sao với thế giới quanh ta?

Thứ ba, tính khoa học của dự thảo chương trình không thể hiện rõ vì không có chú thích nguồn tham khảo, nhất là những khái niệm then chốt như “phát triển năng lực và phẩm chất”, “năng lực ứng dụng CNTT”… (của tác giả nào? chuẩn mực nào? kinh nghiệm hệ thống giáo dục nước nào, khu vực nào?  năm nào, giai đoạn nào?). 

Thứ tư, không rõ năng lực ban soan thảo như thế nào mà viết chương trình theo kiểu báo cáo truyền thống dài lê thê, cái cần thì thiếu, cái không cần thì thừa, trùng lặp làm rối mắt người đọc. (Bản hướng dẫn có 33 câu hỏi-đáp dài 36 trang, nếu tóm lại ý chính thì không quá 2 trang). 

Một lớp chất lượng cao tại Hà Nội. Ảnh minh họa. Xuân Trung
Một lớp chất lượng cao tại Hà Nội. Ảnh minh họa. Xuân Trung

Hãy vào xem chương trình Giáo dục phổ thông Tiểu bang Quensland (Đông Úc), Tỉnh bang Saskatchuwan (Tây Canađa) chỉ gần 3 trang điện tử với các chú giải thuật ngữ, xuất xứ khái niệm từ các chương trình mới và cũ của các năm, khi cần người đọc chỉ cần nhấp chuột là ra hết một cách hệ thống các thuật ngữ.

Cuốn National curriculum (Chương trình quốc gia) của Hàn Quốc dày 130 trang có chương mục rõ ràng, rất dễ xem.

Thứ năm, tại sao trong Dự thảo chương trình không hề nói tới chuẩn đánh giá (evaluation) và tiêu chí lượng giá (assessment) kết quả đầu ra của từng cấp học?

Không nêu ra chuẩn đánh giá năng lực và kết quả học tập học sinh (student achievements) theo từng năm học là điều mà bất cứ Chương trình GDPT của nước nào cũng đều nhắc tới, kể cả chương trình toàn cầu (Global curriculum) và Chương trình quốc gia (National curriculum).

Thứ sáu, liệu Ban soan thảo chương trình của Bộ có tham khảo kết quả công bố mới nhất đánh giá PISA (cho tuổi dưới 15) về các kỹ năng đọc, đếm và khoa học liên quan đến gia đình (home) và kết quá đánh giá PIAAC (cho lứa tuổi 16 - 65) về các kỹ năng đọc, đếm, giải quyết vấn đề trong các môi trường giàu công nghệ (IT/ICT) liên quan làm việc (work) không? 

Và nếu có thì mối liên quan của giáo dục nhà trường (schooling) tới cả hai kết quả đánh giá PISA và PIAAC này vào điều kiện cụ thể của Việt nam để làm cho NQ số 29 thực sự đi vào cuộc sống như thế nào?

Thứ bảy, tôi băn khoăn rằng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển liệu có quá chủ quan không khi khẳng định trên phương tiện thông tin đại chúng rằng chương trình mới này chỉ trong vài năm thực hiện sẽ thành công ở 90% số trường? 

Dựa trên cơ sở nào? Liệu Bộ đã lường hết những khó khăn và sự rối loạn ở cơ sở khi thực hiện chưa?

Ví dụ: Bộ đã chắc chắn có sẵn phần mềm quản lý các môn tự chọn để điều hành hướng dẫn các trường, Sở khi mà chỉ có công bố kết quả thi PHTH đổi mới vừa qua cho xét tuyển vào đại học còn lúng túng, làm thí sinh và gia đình rối như canh hẹ? 

Trong khi hệ thống Giáo dục phổ thông của ta chưa áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ, học phần thì làm sao các trường thiếu giáo viên dạy môn mà học sinh đăng ký, lại có thể gửi đi học ở truờng khác? 

Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ là những năm 90 khi áp dụng dạy theo tín chỉ ở bậc đại học, Bộ qui định các trường cho phép sinh viên học lấy tín chỉ môn học ở các trường khác, đều này về lý thuyết thì đúng, nhưng trên thực thế các trường đều không cho sinh viên đi học lấy tin chỉ ở trường khác, ít nhất là đối với môn Mác-Lê là dễ quản lý nhất.

Và môn tự chọn sẽ do ai chọn: Học sinh? Giáo viên? Hay nhà trường quyết định? 

Thứ tám, khái niệm “Tổng thể” của Dự thảo CT GDPT này nên hiểu như thế nào cho đúng? Không thấy có mối liên hệ hay các lối rẽ nhánh nào cho học sinh vào các bậc học hay lĩnh vực giáo dục khác như dạy nghề, chuyên nghiệp, cao đẳng/đại học trong cơ cấu khung chương trình Giáo dục quốc dân. 

Không thấy có liên hệ với “Hệ thống phân loại chuẩn quốc tế cho Giáo dục ISCED 2011 của UNESCO (International Standard Clasification of Education - 2011).  

Không thấy mối liên hệ rõ ràng giữa giáo dục chính quy và giáo dục phi chính quy, mặc dù trong Dự thảo chương trình có nói nhiều tới trải nghiệm sáng tạo ngoài trường. Dường như CT GDPT tổng thể này chỉ khép kín trong hệ thống 12 năm. 

Đây là nhược điểm cố hữu lớn nhất của GD&ĐT Việt nam trong nhiều thập kỷ qua, không có cấu trúc mở để kết nối với các bậc học khác, ví dụ (Giaó dụctiền học đường cung cấp đầu vào (input) cho Tiểu học; giáo dục nghề, giáo dục bậc ba là nơi tiếp nhận đầu ra (output) của các hệ PTCS và PTTH.

Còn tiếp…

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh