Tâm sự của trò giỏi sử trước kỳ thi tốt nghiệp

02/05/2014 06:45
Xuân Trung
(GDVN) - Những học sinh đạt giải quốc gia môn lịch sử mỗi em một hoàn cảnh, nhưng tất cả có điểm chung là yêu quý môn sử qua những lời kể của cô, của bà.

Mình thích, cha mẹ đồng tình

Chia sẻ tâm sự với độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, em Trần Thị Thu Thủy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - giải nhất quốc gia với điểm số cao nhất toàn quốc với 17,25 điểm cho biết, khi mới bước vào học lớp 10, bản thân Thủy chưa phải là người học giỏi, nhưng trong quá trình học, nhận thấy mình cần phải cố gắng để theo kịp các bạn, nhất là với môn lịch sử. Hơn nữa Thủy cũng được gia đình ủng hộ rất nhiều khi biết em lựa chọn ban xã hội để theo.

“Gia đình em bố mẹ đều thoải mái với sự lựa chọn nghề nghiệp của con, bố mẹ thường tạo điều kiện hết sức có thể cho con được học hành đầy đủ, không có sự gò bó” Thủy cho hay.

Để có được thành tích đáng nể như vừa qua, Thủy tâm sự về phương pháp học sử của mình, theo Thủy, trước hết phải là người yêu thích môn này mới nói tới chuyện có học hay không, từ yêu thích sẽ học được những cái gì khó khăn nhất. Bắt đầu học nên học từ cơ bản rồi mới tới nâng cao, không nên học nhiều những chỗ cao xa quá. 

Trần Thị Thu Thủy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - giải nhất quốc gia với điểm số 17,25 điểm. Ảnh Xuân Trung
Trần Thị Thu Thủy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - giải nhất quốc gia với điểm số 17,25 điểm. Ảnh Xuân Trung

Tiếp đến là học theo hệ thống và theo chủ đề, việc học theo chủ đề xuyên suốt sẽ so sánh được cái sau hơn cái trước như thế nào. Thủy cũng tâm sự, ngoài việc học trên lớp ra thì việc tự làm bài tập ở nhà sẽ giúp em nhớ lâu hơn, có thể đọc thêm những câu chuyện, những phần đại cương để bổ sung thêm cho kiến thức.

Trước thực trạng nhiều học sinh than môn sử khó học, khó nhớ, nhiều sự kiện, mốc thời gian, vậy làm thế nào để giải quyết được? Em Trần Thị Thu Thủy cho rằng, có thể do các bạn học lịch sử chưa biết cách, học nhiều sự kiện quá, khả năng nhớ lâu có hạn, nếu không có kế hoạch thì sẽ rất nhanh quên. Kế hoạch tốt nhất là các sự kiện có thể gắn liền với con số gần với mình, có thể dán tên sự kiện vào tờ giấy nhớ vào bất kỳ đâu mà mình dễ nhìn nhất.

“Những mốc chi tiết mới phản ánh được sự kiện, mới phản ánh được nhân dân ta oai nhùng như thế nào. Nhưng nếu với những con số trong từng sự kiện nào đó không cần thiết có thể bỏ thì tốt hơn, giảm tải cho người học. Sách giáo khoa cũng nên lồng ghép những câu chuyện vui, hình ảnh để thấy môn lịch sử không nhất thiết là số liệu và chữ” Trần Thị Thu Thủy nói về tầm quan trọng của mốc sự kiện và những chỗ thừa của sách giáo khoa lịch sử hiện nay.

Cô học trò Nam Định giải nhất môn lịch sử cấp quốc gia này đã được tuyển thẳng vào khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tuy nhiên bản thân em vẫn muốn thử sức với ngành công an.

Yêu lịch sử qua từng lời ngoại kể

Cũng là bạn cùng trường với em Trần Thị Thu Thủy, em Trần Phương Thúy, giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử cũng có tình yêu với môn sử từ khi còn nhỏ, sau những lần nghe bà ngoại kể chuyện lịch sử thì tình yêu với môn sử càng lớn hơn và em muốn theo nó cả đời để khám phá. 

Niềm vui của em Trần Phương Thúy, giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử. Ảnh Xuân Trung
Niềm vui của em Trần Phương Thúy, giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử. Ảnh Xuân Trung
Nhưng với Phương Thúy, khi nhận ra mình thực sự có tình yêu với môn sử là cuối năm học lớp 8. Cho tới khi thi vào trường chuyên của tỉnh Nam Định, Thúy mới có điều kiện tìm hiểu thực sự môn học này. Mỗi ngày sau khi lên lớp em thường dành khoảng 1-2 tiếng ở nhà để làm bài tập môn sử. 

Nói về phương pháp học của mình, Thúy cho biết bản chất lịch sử là nhiều sự kiện, do đó rất khó nhớ, cách nhớ tốt nhất là gắn các sự kiện lịch sử với cuộc sống của mình như gắn với ngày sinh nhật của người thân. Bản thân Thúy thường học sử theo một sơ đồ tư duy, từ một bài có thể triển khai thành nhiều ý, từ đó sẽ nhớ được các ý và hiểu nó hơn. 

Thúy cũng cho biết thêm: “Trong giờ học sử cô Bùi Thị Nhung thường cho chúng em chơi trò chơi, làm phiếu trả lời câu hỏi, từ đó học môn này đỡ khô khan hơn. Ngoài việc đọc sách giáo khoa em thường đọc các mẩu chuyện hoặc các câu chuyện về anh hùng dân tộc để bổ sung kiến thức. Em muốn sách giáo khoa sử cần có thêm nhiều hình ảnh hơn, bớt dài dòng đi một chút”.

Cô học trò giỏi sử nhỏ nhắn này còn bật mý khi tâm sự về ngành mà tương lai sẽ có thu nhập thấp, trong suy nghĩ của Thúy mặc dù thấp nhưng không vì thế mà cảm thấy ngại hay chán nản, bởi theo Thúy được làm việc theo đam mê sẽ tốt hơn. 
Nguyễn Hoài Anh, giải nhì quốc gia môn sử, học sinh lớp 12C2 – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh Xuân Trung
Nguyễn Hoài Anh, giải nhì quốc gia môn sử, học sinh lớp 12C2 – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh Xuân Trung

Thích và có tình yêu với môn lịch sử nhờ sự truyền đạt của cô giáo, em Nguyễn Hoài Anh, giải nhì quốc gia môn sử, học sinh lớp 12C2 – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) thổ lộ: “Muốn yêu cái gì trước hết phải có niềm đam mê, bản thân em nhờ có sự truyền đạt nhiệt tình của thầy cô ở năm cấp 2, mỗi ngày, mỗi năm môn lịch sử để lại trong em nhiều câu hỏi và muốn tìm hiểu để khám phá. Khi đã yêu thích rồi tự mình sẽ tự học và tự tìm tài liệu tham khảo, từ đó đưa ra được phương pháp học sử hiệu quả”.

Thầy cô truyền nhiệt huyết

Trao đổi với chúng tôi, cô Bùi Thị Nhung, giáo viên lịch sử, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) -  một trong những giáo viên có nhiều phương pháp dạy sử sáng tạo cho biết, để cho học sinh yêu môn sử giáo viên phải làm cho học sinh cảm thấy thích môn học này, chứ không phải áp lực nhồi nhét cho học sinh kiến thức. 

Người giáo viên phải hiểu sâu kiến thức để giảng làm sao cho học sinh nhớ lâu, hiểu được tường tận vấn đề. Ngoài ra, giáo viên phải dạy cho học sinh cách làm bài, cách tiếp cận câu hỏi, cách phân bố thời gian làm bài. 

Câu nói học sinh quay lưng lại với lịch sử là chưa thực sự chính xác, nhiều học sinh yêu thích nhưng trong thời gian qua học sinh không lựa chọn thi tốt nghiệp nhiều, thực chất không phải. Có một nguyên nhân theo công Nhung, các trường đại học hơi khép cánh cửa đối với học sinh khối C và môn lịch sử nói riêng.
Cô Bùi Thị Nhung, giáo viên lịch sử, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - một trong những giáo viên có nhiều phương pháp dạy sử sáng tạo. Ảnh Xuân Trung
Cô Bùi Thị Nhung, giáo viên lịch sử, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - một trong những giáo viên có nhiều phương pháp dạy sử sáng tạo. Ảnh Xuân Trung

Nếu lịch sử trở thành môn thi bắt buộc thì nó sẽ được nhiều người đón nhận. Và, nếu Bộ GD&ĐT có nhiều ngành tuyển sinh hấp dẫn liên quan tới môn lịch sử thì sẽ có nhiều học sinh đăng ký thi môn này hơn. Theo gợi ý của cô Nhung, Trường Đại học Ngoại giao rất cần thiết phải tuyển cả lịch sử, bởi bên cạnh ngoại giao tốt, ngoại ngữ tốt thì phải cần hiểu lịch sử các nước.

“Người giáo viên có vai trò quan trọng, nếu người thầy trên lớp làm cho học sinh bị cuốn hút vào lịch sử các em sẽ say mê học tập, các em sẽ cảm thấy đây không hề là môn nhàm chán. Sách giáo khoa chỉ là công cụ để cho giáo viên dạy học, kiến thức là cơ bản để học, nhưng người giáo viên phải biết khai thác kiến thức sách giáo khoa để làm bộ môn trở nên sinh động hơn” cô Nhung chia sẻ.

Kinh nghiệm của cô giáo Bùi Thị Nhung sẽ dựa vào sách giáo khoa để xác định những kiến thức cơ bản, tinh giản nhất, cần truyền tải cho học sinh. 

“Bộ GD&ĐT cần tăng thêm kênh hình trong sách giáo khoa, có thêm hình ảnh màu sắc, những hình ảnh tác động đến lòng yêu dân tộc” cô Nhung đề nghị. 
Xuân Trung