Tâm sự người giáo viên lén cho học sinh lớp 3 học lại lớp 1

15/04/2015 06:06
Hương Giang
(GDVN) - Với quy định xét điểm số như trước đây, dù là học sinh yếu nhưng muốn cho các em không phải lưu bạn, thầy cô còn “phù phép” để trò đạt điểm trung bình lên lớp.

LTS: Quý bạn đọc đang theo dõi bài báo của cô giáo Hương Giang, người viết bài “Cô ơi! cho con tôi ở lại lớp vì nó học yếu quá”

Ở bài viết này, cô thuật lại một câu chuyện có thật, và rất đáng buồn vì chuyện có liên quan đến TT30.

Câu chuyện, cách hành văn và quan điểm là của riêng cô giáo. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Năm học này, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 3. Chỉ mấy ngày đầu nắm lớp, tôi đã phát hiện ra một học sinh đặc biệt. Học lớp 3, nhưng em không biết đọc và biết viết chính tả. Yếu môn tiếng Việt, học sinh sẽ học yếu tất cả các môn vì không thể làm được Tập làm văn, Luyện từ và câu, không thể đọc yêu cầu để làm toán đặc biệt là toán giải …

Ở chương trình lớp 3, học sinh đã phải biết đọc trôi chảy, bước đầu biết làm quen với cách đọc diễn cảm…các em biết nghe đọc để viết chính tả, biết viết một đoạn văn ngắn... Em sẽ tiếp thu sao đây? Dù rất cố gắng kèm em đọc bài ở các tiết học, giờ ra chơi hay các tiết năng khiếu khác, nhưng em vẫn không tiến bộ gì. 

Dù rất cố gắng kèm em đọc bài ở các tiết học, giờ ra chơi hay các tiết năng khiếu khác, nhưng em vẫn không tiến bộ gì. (Ảnh: Internet)
Dù rất cố gắng kèm em đọc bài ở các tiết học, giờ ra chơi hay các tiết năng khiếu khác, nhưng em vẫn không tiến bộ gì. (Ảnh: Internet)

Tôi cũng không thể dành cho em nhiều thời gian hơn thế nữa. Bởi vì, ngoài em, tôi còn tới hơn ba mươi em học sinh khác với biết bao kiến thức cần phải giảng dạy. Qua tìm hiểu gia đình em, cha mẹ lo làm ăn, không quan tâm gì đến con cái. Anh và chị của em học đến lớp 4, lớp 5 cũng đánh vần bì bỏm mãi mới ra chữ. Tôi không thể trông mong gì vào sự hợp tác từ phía gia đình em được. 

Đã thế, em ít tắm giặt, thay đồ, nên bạn bè cũng không muốn ngồi gần. Nếu cứ học như em, rồi mỗi năm cũng lên một lớp nhưng tôi dám chắc rằng dù học hết cấp 2 em cũng không thể đọc được vì em chưa nắm chắc âm vần ở lớp 1. Giá em cứ được ở lại ngay từ năm lớp 1 có lẽ sẽ học tốt hơn nhiều chí ít thì em cũng có thể đọc bì bõm.

Tâm sự người giáo viên lén cho học sinh lớp 3 học lại lớp 1 ảnh 2

Cảnh báo những hiểm họa chết người ở kỳ thi quốc gia

(GDVN) - Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cảnh báo những nguy cơ từ tổ chức, thực hiện thi cử kèm giải pháp khắc phục. Trong đó, có cả nguy cơ...chết người.

Với kinh nghiệm của một giáo viên dạy tiểu học nhiều năm, muốn em biết đọc, phải cho học lại từ lớp 1.Thương em, và không muốn em học xong tiểu học vẫn mang tiếng là mù chữ, tôi đã lén gửi em xuống học các tiết học vần ở lớp 1 của một người bạn thân, vì sợ chuyện lộ ra, chắc chắn ban giám hiệu sẽ phản ứng, vì tôi đã vi phạm quy chế chuyên môn. 

Thế rồi, sáng em học lớp 1, chiều lại về lớp 3. Tôi kiểm tra sách vở, thấy em ghi chép cũng sạch sẽ, em bắt đầu đọc được một số chữ cái và âm vần. Những buổi em học trên lớp. Tôi đưa em lên bàn giáo viên ngồi cùng, để tranh thủ dạy kèm vào những lúc học sinh của tôi làm bài tập. Hay những giờ ra chơi, hai cô trò lại đánh vật với các con chữ…Với quyết tâm, hết năm nay, em sẽ biết đọc và biết viết dù chậm hơn các bạn, nên tôi đã không tiếc công sức dành cho em.

Dồn sức cho em biết đọc, em lại không biết làm toán. Những phép cộng đơn giản kiểu lớp 1 thì em làm được nhưng toán có nhớ của lớp 2 thì em chịu. Tôi nghĩ: năm nay cần cho em học lại lớp 3 chứ lên lớp 4 thì không ổn chút nào. 

Trong cuộc họp hội đồng tuần qua, khi nghe hiệu trưởng nói: “Với Thông tư 30 thì các thầy cô quên luôn khái niệm học sinh lưu ban đi nhé!” Nghe vậy, không chỉ có tôi mà nhiều đồng nghiệp của tôi cũng buồn và thấy day dứt. 

Có giáo viên đang dạy lớp 2 chia sẻ: Lớp mình có một học sinh luôn quậy phá và đánh bạn, học chẳng biết chữ nào nhưng không cho ở lại lớp sẽ rất cực cho giáo viên nào dạy sang năm. Bắt các em học yếu lên lớp thì tội cho chúng mà không thực hiện theo chỉ thị của cấp trên lại tội cho chúng tôi. Vậy là cuối năm em chắc chắn lại phải lên lớp rồi.

Trường hợp học sinh học hết tiểu học nhưng không biết đọc, không viết nỗi tên của mình, như cô bé học trò của tôi không phải là ít. Nếu làm cuộc sát hạch công khai thì dám chắc trường nào cũng có. Vì thế, khi nghe báo cáo tổng kết năm học của các trường hay của phòng, sở Giáo dục cũng đừng vội mừng vì con số đẹp như mơ.  

Với quy định xét điểm số như trước đây, dù là học sinh yếu nhưng muốn cho các em không phải lưu bạn, thầy cô còn “phù phép” để trò đạt điểm trung bình lên lớp cho hợp pháp. 

Nhưng giờ đây, TT 30 có quy định: “Đối với những học sinh đã được giáo viên trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt ít nhất một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này: Tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, bài kiểm tra định kì, mức độ hoàn thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp”. 

Với quy định này chắc chắn sẽ còn cho ra lò nhiều và rất nhiều những học sinh học xong cấp 2 mà không viết nổi tên mình.

Xã hội có người làm quan sẽ có người làm thợ. Thiết nghĩ ai không học được, học yếu cứ để các em lưu ban, lớn lên một chút khuyến khích cho các em học nghề. Vậy hà cớ gì cứ phải ép nhau lên lớp? 

Hương Giang