Tản mạn về nghề giáo

20/11/2020 06:30
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Bao lữ khách đi về trên bến vắng. Người sang sông ai nhớ bến sông đời. Từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ. Vẫn âm thầm như bụi phấn rơi rơi....

Qua sông, mấy ai còn nhớ đến người chèo đò, nhưng cho dù giữa trưa nắng gắt hay đêm hôm khuya khoắt một tiếng "đò…ơi…! vang lên, vẫn người lái đò nhẫn nại, cần mẫn khua mái chèo trên dòng sông lặng ngắt để đón đưa khách cập bến bờ.

Ảnh minh họa, nguồn: mamon.com.Ảnh minh họa, nguồn: mamon.com.

Và, không phải ngẫu nhiên mà nghề giáo lại được ví như nghề lái đò chở khách qua sông. Mỗi năm, thầy cô giáo cũng chở một chuyến đò cặp bến tri thức nhưng có mấy em còn nhớ đến thầy cô giáo của mình?

Nói gì đến thăm hỏi, không ít em gặp thầy cô giáo cũ trên đường không ngó lơ cũng tỏ ra như người xa lạ.

Nhưng cũng không vì thế mà thầy cô nản lòng, ngày ngày vẫn cháy mình trong từng bài giảng, vẫn nghiên cứu, tìm tòi cách nào để học trò tiếp thu bài tốt nhất? Làm gì để giúp các em mau tiến bộ? Biện pháp nào để học sinh ngoan hơn?

Vẫn luôn trăn trở với những học sinh yếu, những học trò chưa ngoan, vẫn luôn xót xa khi em nào đó vì hoàn cảnh phải nghỉ học, vẫn tất tả, lo lắng tìm nguồn tài trợ giúp những em có hoàn cảnh ngặt nghèo từ đôi dép, đôi giày, từ bộ quần áo đến tấm thẻ bảo hiểm để hậu thuẫn cho các em sự rủi ro không may ập đến.

Năm tháng trôi qua, thầy cô vẫn luôn dõi theo bước đường các em đi để khi nghe tin trò nào đạt thành tích xuất sắc trên con đường học vấn, em nào thành đạt trong cuộc sống thì niềm vui, niềm hạnh phúc lại ào ạt ùa về.

Thầy cô vui, hạnh phúc vì học trò cũ của mình đã nên người, đã thành đạt. Bao năm gieo hạt, chăm bón vun trồng dù ngày hưởng trái ngọt không phải thầy cô nhưng ai cũng nghĩ đó là quả ngọt được dâng tặng cho đời nên niềm vui trào dâng. Niềm hạnh phúc của người thầy đơn sơ, bình dị là vậy.

Nghề giáo vẫn còn nghèo, còn vất vả khi ăn bữa trước phải lo bữa sau, khi lương cầm chưa nóng tay đã phải chi ra hết, bởi biết bao khoản chực chờ. Nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn túc trực. Bước chân ra khỏi cổng trường lại nặng bao gánh lo toan.

Nghề giáo đã nghèo lại còn bị gò bó bởi bao quan niệm thầy cô không được thế này, cũng chẳng được thế kia…ăn uống, nói cười phải ý tứ trước sau, kiếm việc làm thêm cũng không phải nghề nào làm cũng được.

Nhiều nguyên tắc đến hà khắc như thầy giáo sao lại chạy xe ôm? Cô giáo sao lại đi rửa chén, chạy bàn? Những quan niệm khắt khe đã làm cho cuộc sống của người thầy càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Vậy sao nhiều người vẫn luôn yêu nghề giáo? Bởi, dù nghèo vật chất nhưng lại giàu có về tinh thần. Ai được như thầy cô khi luôn được nhiều người cung kính?

Từ cụ ông đến cụ bà thấp thập lai hy khi biết nghề giáo viên vẫn gọi hai tiếng thân thương là thầy giáo, cô giáo. Có những học sinh ra trường bao nhiêu năm là chừng ấy năm vào những ngày lễ, tết nếu ở gần sẽ đến thăm thầy cô, còn ở xa đều gọi điện, nhắn tin hay gửi thiệp chúc mừng.

Dù bận rộn công việc bao nhiêu, nhiều học sinh cũ vẫn luôn tụ hội về để đi thăm thầy cô giáo cũ.

Sự hy sinh của người thầy không mong học sinh đáp đền bằng tiền bạc, cũng không hy vọng được trò nhớ để trả ơn. Thầy cô cứ nhẫn nại, cần mẫn mỗi ngày như những chú ong cần cù xây tổ.

Nhà thơ Xuân Định từng có những vần thơ rất xúc cảm về nghề giáo:

“Bao lữ khách đi về trên bến vắng,

Người sang sông ai nhớ bến sông đời?

Từng dòng chữ suốt một đời lặng lẽ,

Vẫn âm thầm như bụi phấn rơi rơi...”.

Phan Tuyết