Thành phố Hồ Chí Minh bế tắc phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau trung học

27/12/2020 06:40
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học đang ngày càng trở nên bế tắc.

Ngày 26/12/2020, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay”.

Tại hội thảo, nói về công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau bậc trung học cơ sở, bà Nguyễn Đặng An Long – Chánh Văn phòng Đảng ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói: Từ năm 2009, thành phố đã tổ chức ngày hội tại từng quận, huyện, từng trường phố thông, phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông để tổ chức các ngày hội hướng nghiệp trên địa bàn.

Toàn bộ các trường trung học cơ sở trên địa bàn đều có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, có giáo viên tư vấn hướng nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo về giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông (ảnh: P.L)

Toàn cảnh hội thảo về giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông (ảnh: P.L)

Hàng năm đều có tổ chức các ngày hội tư vấn, phân luồng học sinh, thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, kết nối với các trường phổ thông ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn để định hướng, phân luồng học sinh.

Học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được định hướng vào 4 con đường chính: Học tiếp lên trung học phổ thông công lập hay ngoài công lập, học trung học chuyên nghiệp hay trung cấp nghề, vừa làm vừa học tiếp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên, trực tiếp tham gia lao động sản xuất hay du học.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học đang ngày càng trở nên bế tắc, nhất là đối với công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, khi tuổi đời của các em còn là vị thành niên.

Ngoài ra, việc yêu cầu lao động xã hội còn mang nặng tâm lý phải tốt nghiệp trung học phổ thông thì mới được coi là đủ trình độ văn hóa, ghi vào lý lịch 10/10 hay 12/12.

Thêm nữa, phụ huynh đặt ra yêu cầu đối với học sinh là phải tốt nghiệp đại học thì mới thỏa mãn, dẫn đến một thực trạng là xã hội ngày càng tran lan các trường đại học, cao đẳng, thiếu hẳn một hệ thống giáo dục dạy nghề quy chuẩn, làm cho xu hướng bất hợp lý về nguồn nhân lực đã qua đào tạo ngày càng gia tăng.

Điều đó dẫn đến tình trạng cơ cấu nguồn nhân lực của nước ta luôn có bất cập “thừa thầy, thiếu thợ”, cử nhân ra trường thì thất nghiệp hay làm không đúng nghề, nhưng nhu cầu công nhân kỹ thuật thì lại rất thiếu nguồn tuyển, nên không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển lành mạnh của nền kinh tế xã hội.

Bà Nguyễn Đặng An Long nhấn mạnh: Công tác phân luồng học sinh tại thành phố trong nhiều năm qua đã giúp nhận thức của xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng số học sinh sau trung học cơ sở vào các trường dạy nghề vẫn còn thấp.

Muốn đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, Sở giáo dục và Đào tạo thành phố đề xuất 5 biện pháp: Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo địa phương, phòng giáo dục các quận huyện, hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, cha mẹ học sinh và học sinh về lợi ích của việc dạy nghề.

Đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Đổi mới công tác giáo dục, tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông phải có sự kết hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và của ngành kinh tế.

Xây dựng hệ thống cơ quan làm công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia, cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền.

Việt Dũng