Thành phố Hồ Chí Minh có thật sự cần bộ sách giáo khoa riêng?

06/12/2018 15:06
Hưng Long
(GDVN) - Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh vẫn mong muốn có một bộ Sách giáo khoa riêng cho học sinh trên địa bàn.

Ngày 6/12, Đại biểu Hội đồng nhân dân Trương Lê Mỹ Ngọc đã chất vấn ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc nêu vấn đề liên quan đến thời điểm năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn đồng ý cho thành phố thực hiện bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Ông Lê Hồng Sơn. (Ảnh: H.L)
Ông Lê Hồng Sơn. (Ảnh: H.L)

Đây là Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đại biểu Ngọc đặt câu hỏi, sau 3 năm, tiến độ biên soạn thực hiện thế nào và đến bao giờ có bộ sách giáo khoa?

Tại cuộc họp, đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc yêu cầu cần phải làm rõ vấn để này để thông tin đến cho học sinh, phụ huynh và giáo viên không bị động trong việc dạy và học.

Qua đó, tránh gây xáo trộn và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giáo dục, tâm lý xã hội vì số lượng học sinh thành phố là rất lớn (trên 1,3 triệu học sinh – PV).

Ông Lê Hồng Sơn khẳng định, Sở đang phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục để thực hiện. Sở là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và không có chức năng biên soạn sách giáo khoa.

Sở Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò tập hợp nhân lực, nhà giáo giỏi, chuyên gia và học giả có kinh nghiệm để xây dựng bộ sách. Các mục tiêu trong bộ sách giáo khoa của thành phố Hồ Chí Minh là bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. 

Ban thường trực Hội đồng nhân dân tại kỳ họp thứ 12. (Ảnh: H.L)
Ban thường trực Hội đồng nhân dân tại kỳ họp thứ 12. (Ảnh: H.L)

Bộ sách có tính đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh, tích hợp các môn theo khoa học tự nhiên hay xã hội, hướng theo phát triển năng lực của người học.  

Muốn đạt mục tiêu cho ra đời bộ Sách giáo khoa phải chờ chương trình bộ môn cụ thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Bộ đã công bố chương trình khung nhưng chưa có chương trình chi tiết các bộ môn nên Sở Giáo dục và Đào tạo chưa thể thực hiện. 

Thành phố Hồ Chí Minh có thật sự cần bộ sách giáo khoa riêng? ảnh 3

Nên phát động cuộc thi viết sách giáo khoa trong giáo viên phổ thông 

Lãnh đạo Sở khẳng định, nếu có chương trình chi tiết các bộ môn thì đội ngũ chuyên gia sẽ bắt tay biên soạn ngay, biên soạn xong sẽ trình Bộ thẩm định cho phép hay không.

Ông Sơn nói, bộ Sách giáo khoa của thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ ra sau bộ Sách giáo khoa chung của cả nước. Bộ Sách giáo khoa của thành phố sẽ xong trong năm 2019 hay 2021 là chờ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng thì hội đồng chuyên môn nhà trường lại toàn quyền quyết định lựa chọn bộ Sách giáo khoa để giảng dạy, Sở Giáo dục và Đào tạo không can thiệp.

Ông Sơn nhấn mạnh, chắc chắn Sách giáo khoa của thành phố đi sau của cả nước.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố chất vấn, quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có nên làm bộ Sách giáo khoa riêng hay không?

Ông Lê Hồng Sơn vẫn mong muốn có một bộ Sách giáo khoa riêng và tin sẽ có nhiều trường học, thậm chí các tỉnh lân cận cũng sẽ áp dụng bộ Sách giáo khoa do thành phố biên soạn.

Ông Sơn tự tin với chất lượng của bộ Sách giáo khoa do thành phố biên soạn với nguồn nhân lực, các chuyên gia ở thành phố cùng cộng tác thực hiện, tích hợp các môn học tự nhiên - xã hội và hài hòa giữa lý thuyết – thực hành.

Hưng Long