Thanh tra cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

06/08/2020 11:22
Vũ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra công tác quản lý tài chính... đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015 - 2019 của Viện.

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm chủ trì buổi công bố. Tham dự buổi công bố có Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

​Theo Quyết định 479/QĐ- TTCP, ngày 22/07/2020 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019.

Thời kỳ thanh tra từ năm 2015 đến tháng 12/2019; khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên.

Thời gian thanh tra là 60 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra

Đoàn Thanh tra gồm 10 thành viên do ông Nguyễn Hữu Nhường, Thanh tra viên Cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ 3, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.

Phát biểu tại buổi công bố, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, đây là cuộc thanh tra đầu tiên của Thanh tra Chính phủ đối với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và là cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2020 của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: TTCP.

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: TTCP.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm yêu cầu các thành viên của Đoàn thanh tra trong quá trình làm việc với Viện phải thực hiện tốt quy tắc ứng xử; dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng; lịch làm việc, nội dung làm việc cụ thể;

Thực hiện nghiêm các quy định, quy chế của đoàn thanh tra cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra; trong quá trình và phải bảo quản tài liệu theo chế độ mật, thực hiện đúng quy chế phát ngôn đoàn thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đề nghị các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn thanh tra trong quá trình làm việc tại đơn vị để có kết quả thanh tra khách quan, phản ánh đúng bản chất sự việc.

Trước đó, dư luận bất ngờ về “lò đào tạo tiến sĩ” Học Viện Khoa học Xã hội là đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2015, Học Viện Khoa học Xã hội cho “ra lò” 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là 01 ngày 03 giờ 55 phút cho ra lò 1 tiến sĩ.

Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ năm 2016 tại Học Viện Khoa học Xã hội là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. Như vậy trong hai năm là 700 tiến sĩ.

Vào năm 2017, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết luận và chỉ ra nhiều sai phạm tại Học viện Khoa học Xã hội về xác định chỉ tiêu, giao chỉ tiêu hướng dẫn vượt nhiều lần số lượng quy định, phân công hướng dẫn chưa đúng quy định.

Theo kết luận thanh tra, trong hai năm 2015, 2016, Học viện cho ra lò 2.811 thạc sĩ nhưng lại không có báo cáo gửi Bộ GD-ĐT theo quy định.

Năm 2017, đội ngũ giảng viên cơ hữu theo tự kê khai của Học viện Khoa học xã hội để xác định chỉ tiêu gồm: 21 giáo sư, 184 phó giáo sư, 249 tiến sĩ. Trên cơ sở đó, Học viện đăng ký chỉ tiêu trình độ tiến sĩ là 450 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.740 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra số chỉ tiêu tự xác định của Học viện cho thấy, Khối ngành I: Trình độ tiến sĩ 20 chỉ tiêu (vượt năng lực 17 chỉ tiêu), trình độ thạc sĩ 40 chỉ tiêu; khối ngành III: Trình độ tiến sĩ là 200 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.300 chỉ tiêu (vượt năng lực 22 chỉ tiêu); khối ngành VII: Trình độ tiến sĩ là 230 chỉ tiêu (vượt năng lực 205 chỉ tiêu), trình độ thạc sĩ là 400 chỉ tiêu.

"Việc tự xác định đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện gồm cán bộ nghiên cứu của các Viện, đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam là chưa phù hợp quy định", kết luận nêu rõ.

Vũ Phương