Thầy Bùi Nam: 6 việc hình thức đang gây hại cho giáo dục, Bộ nên bãi bỏ

09/07/2021 06:21
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bỏ bệnh hình thức là một trong những giải pháp cấp bách để lấy lại sự trong sạch của giáo dục, lấy lại niềm tin trong nhân dân, hướng đến nền giáo dục thực chất.

Tới thăm cán bộ, công chức, viên chức Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ: “Tôi mong rằng mỗi cán bộ quản lý chung quyết tâm, chung tinh thần, tận dụng các điều kiện để hoàn thành tốt đổi mới giáo dục phổ thông.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, thực thi cho một tinh thần lớn, đó là coi trọng thực tế, thực tiễn và thực chất.

Toàn ngành đang cùng nhau quán triệt trong các hoạt động dạy và học những gì là hình thức, không cần thiết, gây phiền phức cho người dạy, người học thì kiên quyết sàng lọc, loại bỏ, để hướng tới đời sống giáo dục thực chất nhất; tạo sức sống mới, tinh thần mới trong giáo dục”.

Người viết thấy rằng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dần dần bắt đúng “bệnh”, đi đúng hướng, vì nếu vẫn còn giữ "căn bệnh hình thức" sẽ việc đổi mới sẽ nửa vời, rất khó để đi đến thành công.

Đúng như Bộ trưởng đã nói phải kiên quyết sàng lọc, loại bỏ những gì hình thức, không cần thiết để hướng tới giáo dục thực chất,..Người viết nhận thấy, nói không ngoa khi cho rằng “căn bệnh hình thức” trong giáo dục hiện nay còn nguy hại hơn cả “căn bệnh thành tích”.

Bệnh thành tích thực chất chỉ là đề ra chỉ tiêu quá cao, người bệnh không thực hiện được nên phải làm giả, dối để đạt chỉ tiêu, bản chất vẫn là cái đích để người dạy và người học hướng đến, bản chất là tốt tuy nhiên cách triển khai và thực hiện lại không đúng.

Nên cái hại của bệnh thành tích là có, song nếu so nó với căn bệnh hình thức thì bệnh hình thức gây ra tác hại nhiều hơn.

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Bệnh hình thức thực chất là những việc làm không mang tính giáo dục, làm nhiều việc nhưng không có ý nghĩa, tác dụng gì trong việc giáo dục,… nói đúng ra nó không mang lại ý nghĩa, tác dụng gì trong việc giáo dục.

Do đó, bỏ bệnh hình thức là một trong những giải pháp cấp bách để lấy lại sự trong sạch của giáo dục, lấy lại niềm tin trong nhân dân, hướng đến nền giáo dục thực chất.

Người viết xin được nêu các bệnh hình thức cần phải được sàng lọc, sửa đổi hoặc bãi bỏ sau đây:

Thứ nhất, nên bỏ hẳn giáo án theo mẫu 5512, dù chỉ là "tham khảo"

Việc ban hành giáo án theo mẫu 5512 có tác dụng tốt cho các cơ quan quản lý, chuyên môn là thống nhất mẫu cả nước, thuận lợi cho kiểm tra, thanh tra, định hướng phương pháp giảng dạy,...

Tuy nhiên cái không hay của nó là kiểu “cầm tay chỉ việc”, “khuôn mẫu”,… giáo dục là một nghề sáng tạo cả về nội dung, phương pháp,... đôi khi một bất phương trình toán học, những công thức hóa học,… được sáng tác thành một bài thơ, một bài hát,… để học sinh nhớ suốt cả cuộc đời.

Thiết nghĩ, mục tiêu, phương pháp tham khảo nên nằm ở trong sách giáo viên, sách giáo khoa, giáo án của giáo viên chỉ nên là những gì cơ bản nhất, được ghi chép lại định hướng cho giảng dạy mà không cần phải soạn đầy đủ các bước, mục tiêu,…

Hãy để giáo viên được tự do, sáng tạo lựa chọn phương pháp giảng dạy, cách thức thực hiện, mục đích sau cùng là kiểm tra kết quả từ chính người học.

Một bài soạn theo khuôn mẫu cả chục tranh giấy một tiết theo khuôn mẫu thì còn thời gian, chỗ nào để giáo viên sáng tạo.

Giáo án (kế hoạch bài dạy) cũng cần thiết nhưng giáo viên tự thực hiện theo cách dạy của mình, có thể soạn như thế nào miễn làm sao giáo viên dạy tốt dựa trên sách hướng dẫn (sách giáo viên).

Thay vì soạn giáo án mẫu cho giáo viên (dù bắt buộc như Công văn 5512 hay tham khảo như Công văn 2613), Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm đổi mới công tác khảo thí theo phương hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Lâu nay, Bộ cứ yêu cầu thi kiểu nào, giáo viên sẽ dạy theo kiểu đó, các trường tổ chức ôn kiểu đó. Khảo thí chưa thay đổi, thì dù có chương trình mới hay phương pháp mới, giáo án mới, kết quả vẫn cũ.

Viết một chương trình "phát triển phẩm chất, năng lực học sinh" đã quan trọng, thì việc tìm ra công cụ đo lường "phẩm chất, năng lực học sinh", tức khảo thí, còn quan trọng hơn rất nhiều lần.

Thứ hai, nên nghiêm cấm đồng phục học sinh

Các cơ sở giáo dục lợi dụng việc đồng phục học sinh để kinh doanh, gây khó khăn cho các phụ huynh cả nước, nhiều gia đình khó khăn nhưng phải chạy kinh phí để mua đồng phục cho học sinh, trong khi nó hầu như không mang lại một giá trị gì gì cho giáo dục, gây tốn kém, lãng phí.

Nhiều nơi đồng phục quần áo, có nơi mỗi khối lại có một kiểu đồng phục riêng, có nơi đồng phục cả mũ nón, giày, dép, thước, vở,… một kiểu tận thu, vơ vét,... một kiểu bệnh hình thức không mang lại hiệu quả mà lại gây thiệt thòi cho phụ huynh, học sinh.

Thứ ba, nên dừng việc dự giờ, viết phiếu dự giờ trực tiếp

Hiện nay việc dự giờ trực tiếp và ghi phiếu dự giờ, biên bản dự giờ thao giảng, chuyên đề,… đã cho thấy không hiệu quả, tốn nhiều thời gian, công sức của giáo viên.

Bài viết “Dự giờ, thao giảng đang là căn bệnh hình thức trong ngành giáo dục” của tác giả Ngân Hoa đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh rất đúng.

Trước đây, khi công nghệ thông tin còn hạn chế nhiều giáo viên dạy giỏi, tốt lên nhờ đi dự giờ, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp,…

Tuy nhiên, sứ mệnh lịch sử của nó gần như đã hết đã hết, giai đoạn hiện nay cùng với việc lực lượng giáo viên ra trường được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn vững vàng cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên hiện nay, việc giáo viên học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp có rất nhiều luồng thông tin, các bài giảng điện tử, các bài giảng trên youtube, google, các phần mềm của Bộ Giáo dục, các buổi sinh hoạt chuyên môn,… nên giáo viên có thể học hỏi từ nhiều kênh khác nhau, không nhất thiết phải qua dự giờ.

Chấm dứt việc “diễn” thông qua các tiết dự giờ là cần thiết, để giáo viên dạy tiết nào cũng như tiết có người dự giờ.

Còn việc kiểm tra kết quả giảng dạy thì có thể thông qua quá trình học tập của học sinh.

Cách tốt nhất là trang bị camera tại các lớp học, nếu cần thiết thì có thể tham khảo qua camera mà không cần dự giờ trực tiếp, khi đó tiết nào giáo viên cũng cố gắng dạy tốt, thực chất, hiệu quả.

Thứ tư, nên giảm hoặc bỏ bớt các hội thi

Đối với giáo viên thì thi giáo viên giỏi (giáo viên chuyên môn, tổng phụ trách đội, thư viện, thiết bị,…) đến nay đã cho thấy sự bất cập, hình thức. Sau hội thi giáo viên đạt hay không đạt cũng không giỏi hơn, dạy không tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc viết sáng kiến kinh nghiệm ở các trường học cũng vô cùng bất cập, hình thức. Mỗi năm có hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm được chấm đạt giải nhưng sau đó thì không ai biết nó đi về đâu, hầu như không có sáng kiến nào triển khai và mang lại hiệu quả trong giáo dục.

Đối với học sinh thì thi học sinh giỏi, hội thi khoa học kỹ thuật từ bậc trung học cơ sở, lớp chọn.

Thi học sinh giỏi ở bậc trung học cơ sở hiện nay không mang lại ý nghĩa, hiệu quả tích cực, khiến các trường chạy đua bồi dưỡng, giành giật học sinh,… khiến nhiều trường không chuyên tâm vào mục tiêu chung của giáo dục.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật ở bậc trung học cơ sở hiện nay gần như đều là của giáo viên thực hiện, chạy theo bệnh hình thức, thành tích, chỉ tiêu cấp trên giao phó, dạy học sinh nói dối (trình bày sản phẩm không phải do mình làm ra), học sinh bậc trung học cơ sở chưa đủ trình độ để thực hiện các dự án khoa học kỹ thuật, hãy để cuộc thi này cho học sinh bậc trung học phổ thông nhưng phải thực chất, đừng để những dự án giả tạo.

Để giáo viên chuyên tâm vào dạy học nên bỏ lớp chọn để tập trung vào nâng chất lượng học sinh đại trà, học sinh học giỏi tốt, sẽ được định hướng thi học sinh giỏi ở bậc trung học phổ thông và xa hơn.

Thứ năm, giảm bớt các minh chứng không cần thiết.

Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, mỗi năm phải photocopy cả đống giấy tờ, rồi phải chụp hình tải lên phần mềm làm minh chứng, nó vô cùng hình thức.

Trong khi đó, chỉ cần kiểm tra qua, thủ trưởng đơn vị xác nhận giáo viên có thành tích, chứng chỉ gì mà không cần phải tải các minh chứng không cần thiết.

Giáo viên cần phải photocopy (có khi cả công chứng) nhiều loại hồ sơ, giấy tờ,… để làm minh chứng khi làm các hồ sơ cá nhân, thành tích khen thưởng, đánh giá chuẩn thật sự không cần thiết, khi tất cả những nội dung trên, hiệu trưởng hoàn toàn có thể xác nhận, chịu trách nhiệm hoặc nó đã thể hiện trên phần mềm quản lý viên chức.

Việc minh chứng cho các nội dung trường chuẩn hoặc kiểm định giáo dục rất phức tạp và hình thức, cũng rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại vấn đề trên.

Thứ sáu, việc nhận xét học sinh trong học bạ, phần mềm

Hiện nay, theo quy định giáo viên cuối học kỳ phải nhận xét cho hàng trăm học sinh, nhận xét trên phần mềm, trong học bạ,… gây quá tải cho giáo viên và quá hình thức.

Điều quan trọng là việc nhận xét, không ai xem, học sinh cũng không biết giáo viên bộ môn nhận xét như thế nào? Rõ ràng nhận xét như trên là không hiệu quả, hình thức.

Bài kiểm tra của học sinh giáo viên nhận xét để học sinh biết hạn chế để khắc phục là đúng đắn, tuy nhiên học bạ và phần mềm là do nhà trường quản lý, học sinh và học sinh học rất nhiều môn, nếu mỗi môn một nhận xét thì phụ huynh, học sinh cũng không biết xem nhận xét nào, chỉ cần nhận xét của giáo viên chủ nhiệm là hợp lý.

Nhưng giáo viên thì quá tải, không mang lại hiệu quả. Rất mong sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét và sửa đổi điều này.

Trên đây là một số bệnh hình thức mà theo quan điểm người viết cần được bãi bỏ hoặc giảm tối đa để giáo viên chuyên tâm, tập trung vào giảng dạy thật, hiệu quả thật.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM