Thầy chỉ cách cho trò học và thi quốc gia đạt điểm cao môn Địa lý

15/05/2017 08:12
Lê Quốc Châu
(GDVN) - Thí sinh cần chuẩn bị chu đáo trước khi vào phòng thi về cả mặt tâm lí và vật dụng được mang vào phòng thi.

Năm 2017, các môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân được đưa vào kì thi Trung học phổ thông quốc gia dưới dạng bài thi tổ hợp Khoa học xã hội qua hình thức thi trắc nghiệm khách quan. 

Để đạt được điểm cao sẽ không quá khó nếu thí sinh lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Nắm vững cấu trúc đề thi

Qua các đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo, chúng ta có thể nắm được kiến thức của đề thi năm nay là xuyên suốt chương trình lớp 12, với cấu trúc đề cụ thể như sau:

Phần tự nhiên và dân cư: 10 câu; các ngành kinh tế:10 câu; các vùng kinh tế:10 câu; phần kĩ năng (Atlat, biểu đồ, bảng số liệu):10 câu. 

Thứ hai: Vấn đề ôn thi

Thí sinh có thể chọn cách học theo chuyên đề hay chủ đề. Trong ôn tập có thể lập nên bảng tổng kết kiến thức ngắn gọn hoặc trình bày dưới dạng bản đồ tư duy hệ thống kiến thức để dễ dàng ghi nhớ kiến thức hơn. 

Thầy chỉ cách cho trò học và thi quốc gia đạt điểm cao môn Địa lý ảnh 1
Thầy Lê Quốc Châu chụp ảnh cùng học sinh (Ảnh tác giả cung cấp)

Khi học một chủ đề, chuyên đề cụ thể như Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí các ngành kinh tế, Địa lí các vùng kinh tế.. giúp thí sinh ngoài việc nắm được kiến thức cơ bản còn có thể rèn luyện tư duy bằng hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm cho từng phần, từng bài và cả chủ đề.

Đối với phần kĩ năng, đầu tiên là cách nhận dạng biểu đồ, thí sinh cần chú ý đến cả bảng số liệu và yêu cầu vẽ biểu đồ để nhận dạng được đúng biểu đồ thích hợp nhất. 

Đối với phần nhận xét bảng số liệu và biểu đồ đã cho, học sinh cần rèn luyện kĩ năng quan sát, tính toán địa lí và phân tích kiến thức từ các dữ liệu có sẵn. Đặc biệt, đối với phần Atlat, vì có khá nhiều câu trong đề cần sử dụng Atlat nên học sinh cần phải đọc Atlat trước. 

Thầy chỉ cách cho trò học và thi quốc gia đạt điểm cao môn Địa lý ảnh 2

Thầy dạy Toán bày “mẹo” giúp học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi quốc gia

Hơn nữa, Atlat là cuốn tài liệu quan trọng mà thí sinh được phép mang vào phòng thi nên việc đọc Atlat trước không chỉ thuận lợi cho việc trả lời các câu hỏi Atlat mà còn có thể ghi nhớ được những kiến thức lý thuyết khác có trong Atlat. 

Thứ ba: Cách luyện thi


Các giáo viên nên biên soạn bộ đề thi theo từng chủ đề lớn như Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí các ngành kinh tế, Địa lí các vùng kinh tế, kỹ năng Địa lí với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao cho học sinh rèn luyện. 

Sau đó, cho các em luyện đề thi theo cấu trúc đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Khi chữa đề đến nội dung kiến thức nào, giáo viên nên dừng lại khắc sâu kiến thức cho học sinh về nội dung đó. Lưu ý các kiến thức đặc trưng, trọng tâm, các từ khóa trong các câu dẫn của đề.

Thứ tư: Cách làm bài thi

Để làm bài tốt nhất và hiệu quả nhất môn Địa lý, các em chú ý các vấn đề sau: 

Thầy chỉ cách cho trò học và thi quốc gia đạt điểm cao môn Địa lý ảnh 3

Một ngày ôn luyện của sĩ tử trước thềm thi quốc gia

- Chuẩn bị chu đáo trước khi vào phòng thi về cả mặt tâm lí và vật dụng được mang vào phòng thi. Với tâm lí sẵn sàng thì các em sẽ bớt lo lắng, bớt tâm lí hơn trong quá trình làm bài. 

- Phân bố thời gian làm bài thi hợp lí. Có 1,25 phút cho mỗi câu hỏi vì thế các em không nên dành quá nhiều thời gian cho câu hỏi khó.

Câu nào dễ làm trước, khó làm sau, đảm bảo không bỏ sót câu nào chưa đọc tới hoặc chưa làm, tuyệt đối không để trống đáp án. 

- Đối với bốn đáp án được đưa ra, có thể sử dụng cùng một lúc nhiều phương pháp làm bài, có thể vừa suy luận, vừa dùng phương pháp loại trừ để chọn được đáp án chính xác nhất. 

- Trong quá trình làm bài, các thí sinh nên gạch chân những từ khóa trong đề, trong câu dẫn để hiểu được đúng yêu cầu của đề và khoanh các đáp án đúng ngay trên đề thi để tránh hiện tượng nhìn nhầm khi khoanh đáp án vào bài làm. 

Lê Quốc Châu