Thầy cô chính là thủ phạm viết sai chính tả!

06/04/2017 08:10
Nhật Duy
(GDVN) - Đối với những người theo nghề sư phạm thì việc viết sai chính tả sẽ dẫn đến một hệ lụy rất lớn, nhất là đối với giáo viên Tiểu học.

LTS: Việc viết chuẩn chính tả là một yêu cầu cần thiết đối với tất cả mọi người. Đặc biệt, đối với một giáo viên thì yêu cầu này càng được coi trọng hơn.

Theo thầy giáo Nhật Duy, khi thầy cô giáo, nhất là giáo viên tiểu học viết sai chính tả sẽ ảnh hưởng lớn đến học trò của mình.

Ngoài ra, ở các bậc học cao hơn, khi học trò đã vững vàng về ngữ pháp tiếng Việt mà thầy cô viết sai chính tả thì các em sẽ đánh giá về năng lực của người thầy.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đã rất nhiều lần đi dự giờ giáo viên hoặc duyệt giáo án, các đề kiểm tra định kì, đề kiểm tra học kì, điều mà chúng tôi trăn trở nhiều nhất là có rất nhiều giáo viên viết sai chính tả

Có những lỗi người viết vô tình nhưng cũng có những lỗi sai theo hệ thống.

Những đề kiểm tra sai còn có cơ hội để sửa bởi các tổ trưởng chuyên môn duyệt xong rồi đến Ban giám hiệu duyệt nhưng những chữ thầy cô viết sai trên bảng khi giảng bài thì thật là một thảm họa trong mắt học trò.
  
Với đặc trưng văn hóa, cách phát âm của mỗi vùng miền khác nhau nên dẫn đến nhiều địa phương lẫn lộn trong cách phát âm và các dấu thanh. 

Vì thế, nhiều người không cẩn thận hoặc khi đi học không được thầy cô, gia đình kèm cặp chặt chẽ nên dẫn đến việc viết sai chính tả trong những lúc hành văn ở các loại văn bản. 

Giáo viên cần chú ý đến chính tả, nhất là giáo viên tiểu học. (Ảnh: Thanhnien.vn)
Giáo viên cần chú ý đến chính tả, nhất là giáo viên tiểu học. (Ảnh: Thanhnien.vn)

Nếu là những người ngoài ngành sư phạm thì việc viết sai lỗi chính tả còn có thể chấp nhận được nhưng đối với những người theo nghề sư phạm thì việc viết sai chính tả sẽ dẫn đến một hệ lụy rất lớn. 

Nhất là đối với giáo viên Tiểu học, một người thầy dạy học trò suốt cả năm học, thậm chí có giáo viên chủ nhiệm một lớp nhiều năm và dạy rất nhiều môn thì việc thầy viết sai sẽ dẫn đến sự sai hệ thống, thậm chí trở thành thói quen khó sửa cho học trò sau này.
   
Là giáo viên dạy Văn nên mỗi khi đi dự giờ hay đọc một văn bản nào của đồng nghiệp thì điều mà chúng tôi hay để ý nhất là việc trình bày và việc giáo viên viết và đọc có đúng chính tả cho học trò hay không. 

Tuy nhiên, chuyện giáo viên viết sai lỗi chính tả ngày nay rất nhiều, nhất là đối với các giáo viên trẻ, các giáo viên dạy các môn học tự nhiên. 

Có lần, chúng tôi đi dự thao giảng cấp trường của một giáo viên dạy môn tự nhiên, thấy giáo viên này viết hoa một cách rất tùy tiện và sai rất nhiều chính tả. 

Sau tiết dạy, chúng tôi đã gặp riêng để góp ý và trao đổi về những gì mình đã chứng kiến thì giáo viên đó cười xòa cho qua chuyện với lí do là giáo viên tự nhiên thì đâu có yêu cầu nhiều về chuyện viết đúng chính tả.

Thầy cô chính là thủ phạm viết sai chính tả! ảnh 2

Ai cần sửa lỗi chính tả?

Không chỉ giáo viên môn tự nhiên mà ngay cả giáo viên Văn viết sai lỗi chính tả cũng khá nhiều.

Mỗi lần dự giờ là mỗi lần giáo viên trong tổ đều góp ý cho nhau. 

Nhưng, nhiều người đã như trở thành thói quen khó sửa, góp ý lần này xong, thời gian sau lại thấy vẫn còn những lỗi tương tự.

Nhiều giáo viên còn tỏ thái độ khó chịu khi bị đồng nghiệp góp ý. Nhiều người sau này ngại góp ý bởi họ không muốn va chạm với nhau nữa.
   
Hàng năm, có nhiều giáo viên nhờ chỉnh sửa các sáng kiến kinh nghiệm. Chối từ thì không đành nên rồi đều phải sửa chữa giúp đồng nghiệp. 

Điều mà chúng tôi luôn yêu cầu là in ra một bản và gửi cả email. Bản in thì để đọc cho được kĩ, còn email thì sửa chữa giúp cho đồng nghiệp. 

Các lỗi có thể kể đến như những dấu hỏi, dấu ngã lộn với nhau. Rồi lẫn lộn giữa các chữ cái Tr/Ch; S/X; R/D/Gi; U/O; N/Ng; Ng/ Ngh; G/Gh…

Nhiều giáo viên không chỉ sai về chính tả mà ngữ pháp, diễn đạt câu văn cũng còn rất vụng về và sai nhiều.
   
Trong những lần tham gia coi thi học kì, chúng tôi cũng hay đọc các đề thi của đồng nghiệp và những lỗi chính tả vẫn luôn hiện hữu. 

Nhiều em học sinh khi thấy đề bài sai cũng chỉ trỏ, nhỏ to với nhau một cách…bí hiểm. Những lúc như vậy, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về những lỗi không đáng có của người thầy.
    
Cách đây mấy ngày, trong một lần đi tham quan cùng nhà trường và được bố trí ở chung phòng với một giáo viên tự nhiên. 

Người đồng nghiệp của tôi tâm sự một cách rất chân thành: “Anh có bí quyết gì giúp em viết đúng chính tả được không? Nhiều khi lên lớp viết sai, học sinh ở dưới cứ rúc rích cười.

Thấy mắc cỡ quá nhưng nhiều từ không viết đúng được. Sau này, chỉ viết đề bài xong rồi thôi, cái gì quan trọng em mới ghi, còn toàn là đọc cho học trò viết…”. 

Thầy cô chính là thủ phạm viết sai chính tả! ảnh 3

Cười ra nước mắt với... "lỗi chính tả"

Một phụ huynh kể lại chuyện đứa con học lớp 5 khi viết văn, bị cô giáo sửa hết mấy chữ vầng (trăng) thành vần, và dĩ nhiên kèm theo là điểm trừ.

Nỗi khổ tâm của người đồng nghiệp khi đứng trước học trò khiến chúng tôi nghi ngại rất nhiều.

Bởi những thói quen, những lỗi sai có hệ thống từ thời đi học rất khó thay đổi khi đã đi làm.

Muốn thay đổi được là một sự kì công, quyết tâm và chú ý mới có thể thay đổi.
   
Vậy, viết đúng chính tả có khó không và cần có “bí quyết” gì để viết đúng?

Theo chúng tôi, khi đã là người thầy thì không có nhiều cơ hội để được học lại những tiết chính tả thời… tiểu học nữa mà tất cả đều cần sự cố gắng và nỗ lực của bản thân. 

Trước hết, phải hệ thống lại toàn bộ những chữ mà mình hay viết sai, hoặc đang còn nghi ngờ chưa đúng. 

Sau đó, mua một cuốn từ điển tiếng Việt và thường xuyên tra cứu. Hoặc, khi soạn thảo văn bản, giáo án, chữ nào cảm thấy chưa ổn thì tra google.com thì sẽ ra những chữ cần tìm. 

Khi đứng lớp, từ nào còn khi ngờ, chưa chắc chắn thì tìm một từ đồng nghĩa để thay thế.

Ngoài ra, khi dự giờ đồng nghiệp cần học hỏi cách viết và thường xuyên đọc sách báo thì mới có thể trau dồi được vốn từ và tăng thêm vốn từ vựng cho mình.
   
Khi đã làm thầy, điều tối kị là viết sai chính tả trước mắt học trò, nhất là đối với giáo viên dạy từ cấp 2 trở lên. 

Bởi các em từ cấp 2 trở lên đã có chính kiến, đã nắm tương đối về ngữ pháp và đã có một vốn từ vựng tương đối nhiều. 

Thầy viết sai, có thể học sinh nói hoặc không nói nhưng trong thâm tâm các em sẽ đánh giá về năng lực người thầy. Vì thế, có những chuyện nhiều giáo viên chưa coi trọng nhưng lại rất quan trọng trong quá trình đứng lớp.

Nhật Duy