Thầy giáo coi thi: Trượt tốt nghiệp chỉ có thể là học sinh cá biệt

07/06/2014 07:23
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - Tâm sự của người trong cuộc, rằng kỳ thi tốn kém, và học trò đã thi là đỗ, trượt chỉ có thể là hạng học trò hơn cả cá biệt, hết loại xấu để xếp hạng...

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết nêu lên thực trạng đáng suy nghĩ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, theo giám thị này (đề nghị được giấu tên), một kỳ thi tuy rằng nói là đổi mới nhưng vô tình đã tạo áp lực cho giám thị, tạo sự mệt mỏi và tốn kém không cần thiết. 

Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn bài biết của một giám thị tham gia công tác coi thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua.

Không tránh được học tủ

Đã học thì phải thi. Nhưng học thế nào? Thi thế nào? Vẫn luôn là câu hỏi mà chưa có đáp án phù hợp. Năm nào Bộ GD&ĐT cũng công bố tốt nghiệp THPT trên 90%. Đã tốt nghiệp cao như vậy tại sao phải sợ thi?

Năm nay, Bộ GD&ĐT đổi mới thi tốt nghiệp, thi hai môn bắt buộc Toán, Văn và hai môn tự chọn trong sáu môn còn lại (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý). Về phía là giáo viên từng giảng dạy trong nhiều năm, ý kiến chủ quan của tôi đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014, có điểm được và còn nhiều điểm chưa phù hợp.

Thầy giáo coi thi: Trượt tốt nghiệp chỉ có thể là học sinh cá biệt ảnh 1

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh Xuân Trung

Điểm được của kỳ thi năm này là Bộ GD&ĐT quyết định giảm từ sáu môn thi xuống còn bốn môn, đã phần nào giảm áp lực thi cử cho học sinh. Quyết định giảm thời gian thi môn Toán và Văn từ 150 phút xuống 120 phút là phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Nhưng điểm chưa phù hợp là, thứ nhất, học sinh sẽ học lệch học tủ: Với hai môn thi bắt buộc và hai môn thi tự chọn, cùng với cách xét tốt nghiệp cộng điểm trung bình môn, thì đa số học sinh “thi chơi” cũng đỗ (nếu trượt thì đó là học sinh quá cá biệt). 

Có thể nói đa số học sinh THPT đều lựa chọn khối thi, môn thi vào các trường Đại học, Cao đẳng,… Như vậy các em đã xác định được ba môn thi, khối A: Toán, Lý, Hóa,  khối A1: Toán, Lý, Ngoại ngữ. Khối B thi Toán, Hóa, Sinh. Khối D: Toán Văn, Ngoại ngữ. Khối C: Văn, Sử, Địa. Do đó để thi tốt nghiệp các em chỉ cần học thêm một môn nữa là đủ.

Với kiểu học để thi như thế, học sinh thi các môn tự nhiên hầu như không quan tâm đến Lịch sử, Địa lý. Còn học sinh thi các môn xã hội thì không biết gì về Vật lý, Hóa học, Sinh học… Bằng chứng cụ thể nhất là đề văn năm nay rất đổi mới, câu hỏi có ý mở mang tính thời sự, tính lịch sử sâu sắc, nhưng nhiều học sinh ngồi không biết viết gì. Vì không quan tâm đến lịch sử, không nghe thời sự, không có khả năng nói lên chính kiến của mình.

Bộ GD&ĐT có thể cho thí sinh tự chọn môn thi, nhưng đó là chọn trong hai khối bắt buộc, tự nhiên (Lý – Hóa – Sinh), xã hội (Sử - Địa – Ngoại ngữ). Hoặc là có thể chỉ công bố môn thi trước một tháng

Đổi mới chưa đồng bộ và lãng phí

Điểm thứ hai, cách thức đổi mới thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT, chưa phù hợp với sự phát triển toàn diện của học sinh, không thi – không học, đó là qui luật nhận thức tự nhiên. 

Giảm áp lực thi cử, đó là cần thiết, nhưng cần phải đổi mới trong cách kiểm tra đánh giá, để người học nhận thức được thi là kết quả đánh giá trung thực trong quá trình học tập và rèn luyện. 

Với sự phát triển của con người, bao giờ cũng phải có những khuôn khổ nhất định, ngay trong giáo dục không đưa vào khuôn khổ con người sẽ phát triển theo bản năng (??). Điều này thật nguy hiểm trong sự phát triển của xã hội hiện nay.

Theo khảo sát từ khâu ra đề, in danh sách dự thi, đến khâu coi thi đã gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Vì cách đổi mới thi như vậy, phải có đủ tất cả các môn cùng ra đề, số lượng ấn phẩm danh sách thi cũng phải chia ra nhiều phòng, in nhiều bản hơn. 

Hay cụ thể hơn trong cả một hội đồng thi, chỉ coi 1 thí sinh thi môn Lịch sử. Số giám thị không lên phòng thi, phải ngồi mệt mỏi trong phòng họp chờ đợi thí sinh thi xong mới được về…(số đông này rơi vào môn thi Lịch sử). Còn thí sinh, trời nắng nóng cũng mệt mỏi chờ đợi môn thi của mình (thí sinh thi Lịch sử, Địa lý).

Điểm thứ ba là xem nhẹ giáo dục môn Lịch sử. Trước tình trạng quá ít học sinh thi môn Lịch sử, không biết các bậc quản lý có suy nghĩ gì không? Đành rằng, không thi môn Lịch sử, đó là sự lựa chọn “khôn ngoan”, của các thí sinh, nhưng đó là sự báo động về tinh thần học sử - một sự lo ngại “mất dân tộc – trước khi mất nước”.

Không thi sử - không học sử, giờ học Lịch sử, học sinh thờ ơ, mơ màng… Điều này không thể đổ lỗi tất cả cho các em được, trong thời đại kinh tế thị trường các em phải tính toán lựa chọn để đạt được kết quả tối ưu nhất. Trách nhiệm thuộc về ai?

Học sinh – những thanh niên của thế hệ mới, mầm non của Tổ quốc sẽ rất giỏi Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ, nhưng lại mơ hồ về lịch sử dân tộc. Những thế hệ đó sẽ đưa đất nước Việt Nam đi đến đâu và theo hướng nào?

Các Vua Hùng đã có công dựng nước

    Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước

Câu nói của Bác Hồ đã thực sự đi vào máu và huyết quản của thế hệ mới, tương lai của đất nước chưa?

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 29 – NQ/TW; sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 – 2014, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những phát biểu: “…Thi là cần thiết để tuyển chọn được những học sinh có năng lực. 

Nhưng nếu kỳ thi mà không cần thiết thì nhất thiết phải bỏ. Năm nay chẳng hạn, dự định miễn thi 20%, giảm môn thi. Nhưng với thực tế 98% tốt nghiệp hiện nay thì có cần phải miễn thi hay không? Hay chỉ miễn cho những trường hợp bất khả kháng? Nếu với một kỳ thi nặng nề, không cần thiết thì bỏ đi. Nhưng nếu nặng nề mà cần thiết thì vẫn phải giữ.

Vì thế, Bộ GD&ĐT phải lắng nghe ý kiến toàn xã hội thật cầu thị, thận trọng để đưa ra được phương án tốt nhất, để từ năm sau có thể áp dụng một cách ổn định. Ngoài ra, phải sớm công bố cho học sinh. Mục đích là thi cử phải nhẹ nhàng, nhưng phải bảo đảm để đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh, không để các em học lệch, học tủ”. 

Xuân Trung (ghi)