Theo điều lệ mới, hiệu trưởng tiểu học không còn thẩm quyền kỷ luật giáo viên?

06/10/2021 06:54
Võ Phi Hùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu - Nghệ An)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều lệ trường tiểu học ban hành theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT còn rối rắm, bất cập khiến cho các trường tiểu học lúng túng trong quá trình thực hiện.

Điều lệ trường tiểu học ban hành theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2020) còn rối rắm, bất cập khiến cho các trường tiểu học lúng túng trong quá trình thực hiện.

Những nội dung các nhà trường đang băn khoăn, vướng mắc chủ yếu ở chương II (Tổ chức và quản lý nhà trường) và chương V (Nhiệm vụ và quyền của học sinh).

Quy định nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng chưa rõ ràng

Tại chương II, điều 11, khoản 1, mục d, nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng được quy định: “Thực hiện các nhiệm vụ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục; xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục; thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển, sắp xếp giáo viên; tổ chức các bước giới thiệu nhân sự đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng.”

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử (baokhanhhoa.vn).

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử (baokhanhhoa.vn).

Theo đó, hiệu trưởng trường tiểu học không có nhiệm vụ và quyền khen thưởng, kỷ luật giáo viên và nhân viên. Tuy nhiên, điều 12, khoản 2 (Hội đồng kỷ luật ) của Thông tư này lại quy định: “Hội đồng kỉ luật được thành lập để xét hoặc xóa kỉ luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên theo từng vụ việc. Việc thành lập, thành phần và hoạt động của hội đồng kỉ luật được thực hiện theo quy định của pháp luật..

Chưa đảm bảo công bằng về quyền lợi cho giáo viên, nhân viên cùng cấp tiểu học nhưng khác trường

Khác với quy định về nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng trường tiểu học, tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhiệm vụ và quyền của hiệu trưởng trường tiểu học và trung học cơ sở (trường phổ thông có nhiều câp học) một cách rõ ràng “Thực hiện tuyển dụng, quản lý giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động, tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, giáo viên dạy cấp tiểu học tại trường tiểu học và trung học cơ sở nếu có thành tích xứng đáng thì được hiệu trưởng quyết định khen thưởng, cũng thành tích đó nhưng ở trường tiểu học lại không được hiệu trưởng quyết định khen thưởng. Điều này có mất công bằng?

Quy định việc kỷ luật học sinh chưa nhất quán

Mặc dù, quyết định kỷ luật học sinh của hiệu trưởng quy định tại điều 11, khoản 1, mục d trong Điều lệ trường tiểu học đã quy định: “Quản lý, tiếp nhận học sinh, cho phép học sinh chuyển trường; quyết định kỉ luật, khen thưởng học sinh; phê duyệt kết quả đánh giá học sinh, danh sách học sinh lên lớp, lưu ban; tổ chức kiểm tra công nhận việc hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh trong nhà trường và các đối tượng khác trên địa bàn trường phụ trách.” Tuy nhiên hình thức kỷ luật, quy trình kỷ luật chưa rõ ràng.

Tại chương V, điều 38, khoản 1 yêu cầu: Thực hiện khen thưởng và kỉ luật học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng việc thi hành thì lấy Quy định nào để làm căn cứ kỷ luật học sinh?!

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 08, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 1988 nhưng đang trong thời gian dự thảo (lần 2).

Điều này có nghĩa rằng: việc thi hành kỉ luật đối với học sinh phổ thông phạm khuyết điểm trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình vẫn phải áp dụng 1 trong 5 hình thức như Quy định tại Thông tư số 08 ngày 21 tháng 3 năm 1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thế nhưng tại khoản 3 điều 38 của Thông tư 28 quy định: “Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.”.

Mặt khác, cho dù áp dụng hình thức kỷ luật nào đi chăng nữa thì hiệu trưởng không thể tùy tiện quyết định mà cần phải thành lập Hội đồng kỷ luật.

Tuy nhiên theo quy định của Thông tư 28, Hội đồng kỉ luật được thành lập để xét hoặc xóa kỉ luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên theo từng vụ việc mà không áp dụng với học sinh.

Theo dự thảo Quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì học sinh tiểu học không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào, vậy nên chăng bỏ tất cả nội dung kỷ luật học sinh trong Thông tư 28, không để “tượng trưng” làm gì thêm rối rắm!

Quy định cần sát với mục tiêu, nguyên lý hoạt động giáo dục của Luật Giáo dục

Chúng tôi đồng ý rằng, mục đích xây dựng các hình thức kỷ luật đối với học sinh tiểu học không nên là để răn đe hay trừng phạt nhưng phải đủ sức mạnh để bắt buộc học sinh phải tu dưỡng, rèn luyện hướng đến đích đến của mặt tích cực.

Từ đó hình thành và phát triển tính kỷ luật cho các em như lời Bác dạy “Đoàn kết tốt, lao động tốt, kỷ luật tốt”.

Tính kỷ luật phải được rèn luyện càng sớm càng tốt. Hơn nữa, rất cần thiết phải đưa một phần cuộc sống thực tiễn vào trường tiểu học để các em trải nghiệm. Trước hết là làm quen với ý thức công dân: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân;” (Luật Giáo dục số: 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019).

Giáo dục nhà trường phải giúp học sinh nhận thức đúng về kỳ thực của xã hội hiện tại để các em có trách nhiệm hơn với cuộc sống của chính mình: phạm lỗi là phải trả giá. Điều này không sai với nguyên lý giáo dục: “Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Thực hiện việc giáo dục học sinh phạm lỗi nặng (mang tính lặp lại, thành một chuỗi, mang tính hệ thống và có xu thế thành khuôn, dạng nhất định) nhiều giáo viên đã triển khai hàng loạt biện pháp: nhắc nhở, hướng dẫn lại, đổi chỗ ngồi cho gần giáo viên, chú ý/khen ngợi, nói chuyện riêng với học sinh, liên lạc bố mẹ, ký cam kết, lập kế hoạch giáo dục... nhưng học sinh vẫn chứng nào tật ấy, giáo viên đành tảng lờ, bất lực và phải chọn giải pháp an toàn cho mình.

Chính vì thế chúng tôi thiết tha mong mỏi hệ thống văn bản quản lý nhà nước về Giáo dục không để giáo viên tâm huyết đầy trách nhiệm phải trở thành người vô cảm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Võ Phi Hùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu - Nghệ An)