“Thí điểm chương trình đào tạo 9+5 né tránh sự quản lý của Bộ Giáo dục”

25/10/2021 06:45
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia giáo dục, Đề án thí điểm chương trình đào tạo 9+5 của Bộ Lao động thể hiện việc né tránh sự quản lý giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (gọi tắt là chương trình 9+5), với 10 ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật và dịch vụ, chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 4.000 người. Đề xuất thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ năm 2022 - 2028.

Đầu vào của mô hình thí điểm trên là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở loại khá trở lên; học sinh được miễn học phí.

Mô hình có cấu trúc 5 năm, chia 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (9+2) là trình độ sơ cấp học trong 2 năm, giai đoạn 2 (9+3) là trình độ trung cấp học 1 năm; giai đoạn 3 (9+5) là trình độ cao đẳng học 2 năm. Trong thời gian học các hệ đào tạo trên, người học được học kiến thức văn hóa trung học phổ thông song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Kết thúc giai đoạn 3, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông (chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông). Người học được tham dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và được xét tốt nghiệp và cấp bằng cao đẳng. Ngoài ra, người học đủ điều kiện học liên thông lên trình độ đại học tương tự như các hình thức học tập khác ở trình độ cao đẳng.

Hình ảnh minh họa.Hình ảnh minh họa.

Chia sẻ quan điểm về dự thảo đề án thí điểm này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tiến sỹ Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, ông nhận thấy dự thảo đề án có sự thay đổi tích cực khi Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội đưa ra khung thời gian hợp lý hơn cho hệ đào tạo này. Tuy nhiên, dự thảo đề án vẫn thể hiện xu hướng về bằng cấp, chưa hướng đến vấn đề năng lực của người lao động sau khi tốt nghiệp.

“Hạn chế lớn nhất của dự thảo đề án này đối với học sinh thì vẫn chỉ nhìn thấy câu chuyện bằng cấp, từ bằng sơ cấp, trung cấp lên đến bằng cao đẳng và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Dự thảo đề án chưa thể hiện được nội dung làm như thế nào để hình thành năng lực tốt hơn cho người lao động, giúp họ có lợi thế gì hơn trong thị trường lao động so với các bạn học các chương trình khác”, Tiến sỹ Phương chia sẻ.

Bất cập về thời gian đào tạo thí điểm

Phân tích thêm về nội dung dự thảo đề án, thầy Phương còn nhận thấy có sự bất cập trong việc phân bố thời gian học.

Cụ thể, chương trình đào tạo hệ sơ cấp với 2 năm vừa học nghề vừa kiến thức trung học phổ thông thì đã có sự khập khiễng, bởi vì theo Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện nay thì hệ sơ cấp đều dưới 12 tháng mà không cần đến 2 năm.

Đối với trình độ sơ cấp thì không đòi hỏi kiến thức bậc trung học phổ thông. Trong khi đó, chương trình đào tạo dự kiến là 5 năm đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở mà dành ra tới 2 năm để học sơ cấp nhưng để làm gì thì không được dự thảo nêu ra.

Tiến sỹ Lê Đông Phương (Ảnh: Tùng Dương)Tiến sỹ Lê Đông Phương (Ảnh: Tùng Dương)

Giai đoạn 2 là hệ trung cấp nhưng chỉ có 1 năm mà lại học cả kiến thức nghề và trung học phổ thông, thì học sinh khó có thể học được vì hệ trung cấp tối thiểu chương trình đào tạo cũng 1 năm.

Giai đoạn 3 là học cao đẳng và học kiến thức giáo dục thường xuyên để thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, đây cũng sẽ là bài toán khó. Bởi nếu bình thường đã học hết trung cấp và đáp ứng khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông theo yêu cầu, thì hoàn toàn có thể lên cao đẳng, không cần phải học khối lượng kiến thức giáo dục thường xuyên.

“Vì hướng đến văn bằng nên mới sinh ra câu chuyện là học kiến thức trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên, nhưng mà đến lúc đó liệu có ổn không khi mà học sinh mất 3 năm để học sơ cấp, trung cấp, rồi học văn hóa với 7 môn. Liệu các em có tiếp thu được không, khi trong bối cảnh vừa học cao đẳng vừa học kiến thức văn hóa hệ giáo dục thường xuyên”, thầy Phương băn khoăn.

Người xây dựng dự thảo đề án đã không nhìn thấy được tính logic trong từng giai đoạn trong mô hình này. Đồng thời họ cũng không chứng minh được chương trình 9+5 khác gì so với chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp bình thường nếu học theo chuỗi.

Nhìn kỹ lại, dự thảo đề án vẫn tập trung kích thích tâm lý về văn bằng cho người học, khi các em học xong với tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng cao đẳng thì có thể học liên thông lên đại học.

Né tránh sự quản lý của Bộ Giáo dục

Theo Tiến sỹ Lê Đông Phương, trong dự thảo đề án không nhắc đến vai trò quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự thảo đề án chỉ căn cứ vào Luật tổ chức Chính phủ và Luật Giáo dục nghề nghiệp (do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo), còn luật cao hơn là Luật Giáo dục thì không được đưa vào. Chúng tôi thấy Bộ Giáo dục hoàn toàn không có vai trò, chức năng gì trong dự thảo đề án, chỉ có một dòng duy nhất trong dự thảo đề án nói về hướng nghiệp, định hướng cho học sinh khi học.

“Hiện nay theo quy định phần giáo dục thường xuyên phải do Bộ Giáo dục quản lý. Tôi đọc có cảm tưởng dự thảo đề án định để cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự làm phần kiến thức giáo dục trung học phổ thông, như vậy thì chất lượng sẽ như thế nào”, thầy Phương băn khoăn.

Bên cạnh đó, Đề án thí điểm dự kiến 10 nghề rất khác nhau như về dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ nên không thể có chung 1 cách làm, 1 cách phân kì cho tất cả, như vậy không ổn.

“Liệu có ổn không khi mà học sinh mất 3 năm để học sơ cấp, trung cấp, rồi học 7 môn văn hóa? Liệu các em có tiếp thu được không, khi trong bối cảnh vừa học cao đẳng vừa học kiến thức văn hóa để thi tốt nghiệp trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên”, thầy Phương băn khoăn.

Nhận định về dự thảo đề án, thầy Phương cho rằng, việc đưa ra thí điểm mà chưa có đánh giá, nghiên cứu chi tiết vào thực tiễn, nếu có trục trặc thì hậu quả sẽ làm ảnh hưởng đến học sinh và nhà trường. Đặc biệt dự thảo đề án chưa làm rõ được những điểm vượt trội cần thiết phải đưa vào thử nghiệm.

Mạnh Đoàn