Thi học sinh giỏi cũng là thủ phạm của dạy thêm tràn lan

03/04/2018 06:12
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Trong mục tiêu của đề án dạy thêm chính khóa, ban giám hiệu cũng có mỹ từ “tạo nguồn cho thi học sinh giỏi”, thi học sinh giỏi giờ là “cái khiên” để dạy thêm.

LTS: Trước vấn nạn học thêm dạy thêm tràn lan, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng áp lực thi học sinh giỏi cũng chính là "cái khiên" để nhà trường dạy thêm và buộc học sinh học thêm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hằng năm ngành giáo dục thường tổ chức thi học sinh giỏi cho các môn văn hóa.

Để có mặt trong đội tuyển của cấp trường học sinh phải học, trau dồi kiến thức vượt trội so với các bạn cùng trang lứa.

Việc có mặt trong đội tuyển là niềm tự hào vô cùng lớn với học sinh và đặc biệt là các phụ huynh và kể cả giáo viên.

Giáo viên phụ trách bộ môn thường rất muốn có học sinh lớp mình phụ trách trong đội tuyển nên cũng tìm mọi cách “động viên” học sinh mình đi học thêm.

Thi học sinh giỏi trở thành "động lực" để thầy dạy thêm, trò học thêm. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Thi học sinh giỏi trở thành "động lực" để thầy dạy thêm, trò học thêm. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Học thêm “chính khóa” chưa đủ mà phải tham gia lớp học thêm riêng của giáo viên nữa.  

Thường tại lớp học thêm “chính khóa”, giáo viên chỉ dạy từng phần nhỏ của chương trình, không bao giờ rút ra cho học sinh mối liên kết tư duy tổng quát của kiến thức để giúp học sinh phát triển tư duy, điều này chỉ dành cho lớp “học thêm không chính khóa”.

Sẽ có những học sinh chỉ tham gia lớp học thêm “chính khóa”, lúc này giáo viên sẽ gọi điện “tư vấn” với phụ huynh “cháu có năng lực, tôi dạy cháu, tôi biết điểm mạnh, yếu của cháu, có thời gian thêm mới bồi dưỡng cho cháu được”.

Với “tư vấn” này phần lớn phụ huynh khó chối từ. Vì vậy học sinh cứ học thêm như “ca sĩ chạy sô”, không có thời gian ăn, thời gian ngủ.

Để có “thành tích” đẹp cho bản thân thì giáo viên không có con đường nào khác là “vận động” học sinh học thêm.

Để có thành tích “đẹp” cuối năm báo cáo với địa phương, ban giám hiệu cũng không còn cách nào khác là “lơ đi” các lò dạy thêm trái phép.

Thi học sinh giỏi cũng là thủ phạm của dạy thêm tràn lan ảnh 2Thông tư 17 giờ là cái khiên che chắn cho dạy thêm thu tiền

Khi có phản ánh tiêu cực dạy thêm thì ban giám hiệu cũng “đóng cửa bảo nhau”, chỉ khi nào có báo chí chỉ đích danh thì mới “nhẹ nhàng” giải quyết.

Trong mục tiêu của đề án dạy thêm chính khóa, ban giám hiệu cũng có mỹ từ “tạo nguồn cho thi học sinh giỏi”, thi học sinh giỏi giờ là “cái khiên” để tổ chức dạy thêm.

Bất cứ giáo viên bộ môn nào có lưu giữ đề thi học sinh giỏi các năm, khi so sánh cấp độ kiến thức đề năm sau luôn cao hơn đề năm trước.

Nội dung đề thi học sinh giỏi các cấp thường ra với cấp độ “rất dễ”, kiến thức nâng cao thường chiếm tỷ trọng từ 80% trở lên.

Ngoài ra đề thi thường kéo từ lớp trên xuống ra cho lớp dưới, chạy trước chương trình.

Có thể học sinh giỏi lớp dưới năm nay không giải được nhưng năm sau, khi học kiến thức lớp trên lại làm dễ dàng.  

Đề thi ra không phải cho học sinh làm mà cho “thầy” nó làm. Thầy nào ra đề thì học sinh thầy đó thường đỗ nhiều, điểm cao.

Rất nhiều học sinh vì áp lực bệnh “thành tích” của gia đình, nhà trường, giáo viên bộ môn mà lao đầu vào học.

Học sinh được đào tạo thành “gà đá”, các kỹ năng khác bị xem nhẹ.

Khi kết quả thi không như ý đã rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản...

Thi học sinh giỏi cũng là thủ phạm của dạy thêm tràn lan ảnh 3Phụ huynh phản ánh giáo viên ép học thêm, phòng giáo dục kiểm tra nói không có

Thi học sinh giỏi với mong muốn phát triển, phát hiện “hiền tài” cho đất nước, thế nhưng với quá nhiều cuộc thi, đề thi quá nặng như hiện nay vô hình trung đã đẩy học sinh vào một guồng quay học thêm không ngừng nghỉ.

Sau khi trưởng thành nhiều em tâm sự “nếu có ước muốn” thì đã không tham gia các kỳ thi học sinh giỏi trước đây.

Giáo dục chúng ta đang hoạt động theo kiểu “thi gì học nấy”. Vì vậy chính đề thi học sinh giỏi cũng định hướng không nhỏ các hoạt động dạy và học ở địa phương.

Khi đề thi quá khó vô hình trung làm cho hoạt động thi học sinh giỏi trở thành áp lực cho xã hội nói chung và học sinh nói riêng, nó thúc đẩy một hoạt động đang cần được chấn chỉnh là dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay.

Việc cải tiến cách ra đề, nội dung đề lồng ghép các năng lực cần đạt của người học, kỹ năng cần có của người học sẽ góp phần thay đổi cơ bản phương pháp dạy của giáo viên.

Đề thi học sinh giỏi phải không đơn thuần là kiến thức nâng cao, trước chương trình;

Kết quả thi học sinh giỏi không nằm trong tiêu chí thi đua giữa các trường học, là minh chứng thăng hạng giáo viên… sẽ là một “giải pháp” giảm dạy thêm, học thêm;

Giúp các “hiền tài” tương lai của đất nước có một tuổi thơ đẹp, có nhiều khát vọng đẹp, thêm yêu đất nước, lớn lên sẽ cống hiến nhiều hơn cho quê hương.

Sơn Quang Huyến