LTS: Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn ngang nhiên tồn tại như hiện nay, cô giáo Mai Hoa (bản thân cũng là một vị phụ huynh) đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Khá nhiều đồng nghiệp bức xúc việc con của mình (học khác trường mẹ dạy) thi kiểm tra cuối kì 2 vừa qua đạt điểm quá thấp (điểm 3, 4, 5).
Cô Hòa có con học lớp 4 một trường điểm của thị xã cho biết “con mình không đi học thêm cô chủ nhiệm dạy nhưng ở nhà mình vẫn hướng dẫn cho con những kiến thức đã học (mang tính khắc sâu).
Thế mà trong đợt kiểm tra vừa rồi, con chỉ đạt điểm 5. Theo cậu bé, lớp con cũng có nhiều bạn chỉ đạt điểm 3, điểm 4.
Cô Thùy có con học lớp 5 cũng cho biết, con mình nắm kiến thức khá chắc và tính toán cũng lanh lẹ nhưng không hiểu sao kì kiểm tra giữa kì con chỉ đạt điểm 4 môn Toán và điểm 5 môn tiếng Việt.
Bức xúc, cô Thùy gọi điện hỏi giáo viên thì được trả lời “nắm kiến thức chuẩn trong sách giáo khoa chỉ đạt điểm 5, điểm 6. Nếu làm bài không cẩn thận bị điểm 4 là đương nhiên.
Thủ phạm khiến dạy thêm trái phép, biến tướng là Thông tư 17 |
Bài đạt điểm 8 đặc biệt điểm 9, 10 học sinh cần có sự tư duy để làm những bài tập có tính nâng cao hơn kiến thức căn bản.
Để đạt được mức điểm cao như thế đương nhiên học sinh phải ôn luyện nhiều đặc biệt là phải đi học thêm để “cày toán nâng cao” và tập viết văn theo định hướng.
Do các em cũng là con giáo viên nên hầu như giáo viên tự dạy con của mình. Nghẹt nỗi con không học trường ba mẹ dạy nên thầy cô cũng chỉ biết dạy cho các em những kiến thức cơ bản rồi nâng cao theo sự tiếp thu của con.
Bởi cách dạy “tù mù” nên khó có thể trúng dạng của chính giáo viên trong trường ấy dạy.
Theo cô giáo Hòa, trường học 2 buổi (buổi sáng học chính khóa, buổi chiều ôn tập lại những kiến thức các em đã học nhưng chưa nắm chắc. Đồng thời sẽ nâng cao kiến thức cho những học sinh giỏi.
Nếu giáo viên dạy đúng như thế đương nhiên học sinh học 2 buổi/ngày sẽ không cần phải đi học thêm buổi thứ 3.
Cô Hòa thắc mắc, vậy thì cớ gì sau kì kiểm tra đến gần nửa số lượng học sinh trong lớp dưới điểm trung bình? Số còn lại cũng chỉ lẹt đẹt điểm 5 đến điểm 7. Điểm 9, 10 gần như khá hiếm hoi, nếu có cũng chỉ rơi vào những học sinh đi học thêm buổi ba chính giáo viên dạy các em trên lớp.
Là con giáo viên nhưng có không ít thầy cô giáo cũng buộc phải gửi con học thêm chính cô chủ nhiệm.
Học sinh ra về sau buổi học thêm(Ảnh minh họa: Như Hùng). |
Một giáo viên chia sẻ “mình không quan trọng điểm số nhưng vẫn phải cho con đi học để đỡ bị phân biệt đối xử trong lớp sẽ tội con ra”.
Một số phụ huynh đã từng đặt câu hỏi “do giáo viên dạy buổi chính khóa ém kiến thức để dạy thêm hay đề kiểm tra đã ra vượt sức các em mà kết quả thi lại thấp đến vậy?
Hỏi thì hỏi vậy chứ câu trả lời ai cũng biết. Bởi vì, chỉ những học sinh không đi học thêm mới bị điểm kém như vậy.
Những học sinh có lực học kém hơn nhưng nhờ học thêm chăm chỉ điểm đạt được luôn ở mức cao.
Có lẽ vì điều này mà không ít người đã khẳng định “học buổi ba (tức học thêm) mới là buổi học chính thức vì kiến thức được dạy đầy đủ. Còn học trên trường như buổi học tạm mà thôi”.
Và cũng vì học tạm nên nhiều phụ huynh lại buộc phải cho con đi học thêm buổi ba. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lập đi lập lại không bao giờ có thể chấm dứt được.