Thiếu nữ vượt bại não trở thành sinh viên ngành công nghệ

14/03/2012 12:09
Theo Khoa học & Đời sống Online
Cầm kết quả con gái bị bại não bẩm sinh của bác sĩ trên tay, mẹ Thương nước mắt lưng tròng, cha Thương thì chỉ biết đứng chết lặng.
 
Dù bị bệnh bại não nhưng Thương đã vươn lên trở thành sinh viên năm 1, Trường cao đẳng Công nghệ thông tin TP HCM.
Dù bị bệnh bại não nhưng Thương đã vươn lên trở thành sinh viên năm 1, Trường cao đẳng Công nghệ thông tin TP HCM.
Gian nan để được tới trường 
Lọt lòng mẹ hơn 3 tháng, cô bé Mỹ Thương chỉ nằm bất động, trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa đều đã biết lật, bò. Thấy con như vậy bố mẹ đưa con đi khám.
Cầm kết quả con gái bị bại não bẩm sinh của bác sĩ trên tay, mẹ Thương nước mắt lưng tròng, cha Thương thì chỉ biết đứng chết lặng.
“Nghe tin con bị bệnh lòng tôi buồn lắm, vừa thương con, vừa lo lắng không biết những đứa con sau này nếu sinh ra có như vậy không. Không muốn chứng kiến điều tương tự diễn ra cả hai vợ chồng quyết định không sinh thêm mà chỉ ở vậy lo cho con” - chị Trương Thị Lựu tâm sự.
Bằng tình thương bao la của người mẹ, ngay từ khi Thương mười tháng tuổi, chị Lựu hàng ngày miệt mài tập luyện để con có thể vận động bình thường. 
Mọi nỗ lực của chị chỉ thật sự được đền đáp khi Thương có thể tự đứng vững lúc 5 tuổi. Và tận hai năm sau, cô bé mới có thể chập chững bước những bước đi đầu đời.
Việc đi lại khó kèm vào đó là Thương nói chuyện rất khó khăn. Thế nhưng từ khi có nhận thức niềm khát khao được đến trường như bao trẻ bình thường khác luôn cháy bỏng trong lòng cô gái bé nhỏ.
Thương con, cha mẹ Thương chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm kiếm cho Thương một chỗ học thích hợp. Mọi nỗ lực của họ dường như trở thành bất khả thi khi không có một trường dạy trẻ bình thường nào dám nhận em. 
Cuối cùng sau bao nhiều công sức tìm kiếm vất vả, cả nhà vui mừng khôn xiết khi trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm ở quận 3 chấp nhận cho Mỹ Thương vào học.
Viết chậm, nói khó nhưng “thèm” học
“Lúc đó em nghe giảng thì hiểu và tiếp thu bài nhanh nhưng chỉ có điều tay chân không chịu làm theo ý em muốn, Ngoài ra việc phát âm cũng là trở ngại mỗi khi em muốn giao tiếp với những người xung quanh. Mỗi lần làm bài kiểm tra em phải xin thêm giờ, nhưng được đến trường em vui lắm” - Mỹ Thương tâm sự
Niềm vui chưa trọn vẹn thì hết lớp 3, việc học của Thương đột ngột gãy ngang vì thầy hiệu trưởng cũ nghỉ người mới lên thay thể, do sợ ảnh hưởng thành tích nên buộc em thôi học.
Lúc này gia đình Mỹ Thương lại phải đôn đáo ngược xuôi tìm kiếm trường học mới. Suốt hai năm ròng mới tìm được một cơ sở dành cho người khuyết tật ở quận Tân Bình nhận em vào học.
Học được hết lớp 5, không có lớp chuyển tiếp nên Thương lại phải nghỉ học lần nữa. Cho đến năm 2004, khi đã 18 tuổi, gia đình mới tìm được nơi nhận em vào học tiếp chương trình tiểu học. Sau đó em tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp cấp 3. Hiện nay, sau bao nỗ lực, Thương đã là sinh viên năm 1, khoa Công nghệ thông tin, Trường cao đẳng Công nghệ Thông tin TP HCM.
“Được là sinh viên, em vui lắm. Nhưng do hồi trước học tại Trung tâm nên em không được học tiếng Anh. Mà ngành em học, lại đòi hỏi về điều này, chính vì thế em quyết tâm tìm chổ để học” Mỹ Thương tâm sự.
Có rất nhiều sinh viên, người dạy thêm được bố mẹ Mỹ Thương mời về dạy. Tuy nhiên do họ không thể nhẫn nại và kiên trì để dạy cho một người như em nên tất cả đều ra đi. 
Thương kể: “Em đã rất cố gắng nhưng do em viết chậm và phát âm khó nên các anh chị không dạy em nữa. May sao vừa rồi em được giới thiệu đến chùa Lá (Gò Vấp) được thầy trụ trì và các anh chị giúp đỡ. Em đã bắt đầu học lấy lại kiến thức cơ bản rồi”.
Để được học tiếng Anh, hàng ngày, gia đình phải chở Thương bằng xe máy từ quận 10 về quận Gò Vấp gần 20 km để em được theo đuổi ước mơ học tập.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Theo Khoa học & Đời sống Online