Thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng khiến dự án 1000 ha đất kéo dài 16 năm

11/12/2019 09:45
Tùng Dương
(GDVN) - Vốn tỷ lệ đầu tư mới đạt 8% so với kế hoạch bán đầu, vốn đầu tư cho dự án tái định chưa đủ là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc triển khai chậm này.

Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, bà Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đến dự Tọa đàm và chia sẻ những nguyên nhân làm kéo dài dự án:

Video: Bà Nguyễn Thị Huế, chia sẻ nguyên nhân chậm dự án 16 năm.

“Chúng tôi xin phép báo cáo, trao đổi một số nội dung, thông tin liên quan đến quá trình triển khai dự án, trong 16 năm qua và cho đến thời điểm hiện nay thì dự án đã bị chậm.

Một trong những nguyên nhân chậm thì chúng tôi nhìn nhận và báo cáo lên Chính phủ, đó là nguồn vốn và giải phóng mặt bằng, đó là 2 yếu tố tiên quyết và thực sự là căn bản ảnh hưởng đến sự chậm của dự án.

Về vốn thì tỷ lệ đầu tư mới đạt 8% so với kế hoạch bán đầu, đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc triển khai chậm này.

Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng là một yếu tố vô cùng cấp bách của dự án, cho dù là 16 năm triển khai đã đạt được tỷ lệ giải phóng mặt bằng 76%, tức là hơn 800 ha đã giải phóng mặt bằng trong tổng số hơn 1.000 ha.

Thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng khiến dự án 1000 ha đất kéo dài 16 năm ảnh 1

Đại học nội thành không chịu lấy đất vàng làm vốn, lãng phí ngàn héc ta được cấp

Nhưng thực sự để có một mặt bằng sạch thì câu chuyện khá là nan giải, vì nguồn vốn đầu tư cho dự án tái định cư chưa đủ, dẫn đến việc tái định cư của dự án chưa đồng bộ, các hộ dân được chi trả bồi thường rồi nhưng vẫn ở trong dự án và chưa di chuyển được.

Sau khi chuyển chủ đầu tư từ Bộ Xây Dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội từ ngày 21/12/2017 theo Quyết định 2068 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã thực sự nỗ lực cùng với Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, các bộ, ban ngành cũng như Chính phủ để có được nguồn vốn triển khai dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong thời gian tới.

Chúng tôi đề xuất, kiến nghị về nguồn vốn: Đề nghị cấp vốn để chúng tôi giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dứt điểm, thì mới triển khai được các dự án khác.

Đồng thời cũng cấp vốn để chúng tôi triển khai đồng bộ nốt các dự án đang dang dở về hạ tầng kỹ thuật, và ưu tiên một số công trình trọng điểm đối với Đại học Quốc gia hiện nay.

Ví dụ trường Đại học Khoa học Tự nhiên thì hiện nay chúng tôi đã triển khai một công trình trên đó rồi, nhưng cũng đang chờ vốn để có thể hoàn thiện và đưa trường Đại học Khoa học Tự nhiên lên đó.

Việc nữa liên quan đến cơ chế chính sách, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án, hiện nay dự án triển khai quá nhiều năm nên dẫn đến các chế độ bồi thường hỗ trợ tái định cư không đồng bộ giữa người trước và người sau, dẫn đến việc gây khó dễ trong việc tiếp tục thu hồi diện tích còn lại."

Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.

Đến dự tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Anh Trí - đương nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa 14.

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội Khóa 12 -13, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Ông Phan Hồng Dũng, đại diện Vụ kế hoạch, Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Tuấn -Trưởng ban quản lý vận hành Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Tùng Dương