'Thư gửi lãnh đạo Trung Quốc là sự kiện dạy học giá trị nhất hiện nay'

06/04/2013 14:39
Quyên Quyên
(GDVN) - "Tôi xem sự việc thư gửi lãnh đạo Trung Quốc là sự kiện dạy học có giá trị nhất, là việc rất đáng hoan nghênh mà cả nước nên có nhiều việc làm như thế".
Như Giaoduc.net.vn đã đưa tin, ông Trần Khang Thụy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Khoa học kinh tế, thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM đã có lời mời cô giáo Đặng Nguyệt Anh và học sinh Trương Ánh Dương vào TP. Hồ Chí Minh.

Ông đã viết những dòng xúc động trong phần phản hồi bài viết trên Báo Giáo dục Việt Nam như sau: "Tôi tên Trần Khang Thụy, với 37 năm làm việc tại trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng Khoa học Kinh tế (CESAIS). Đây quả là là sự kiện dạy học có giá trị nhất trong thời điểm này mà tôi từng được chứng kiến. Rất hãnh diện cho ngành giáo dục Việt Nam với một người cô giáo và các học trò như thế! 
Xin được gửi lời cám ơn chân thành đến cô Đặng Nguyệt Anh và các em học sinh lớp 4 do cô đang dạy, đặc biệt em Trương Ánh Dương, tác giả bức thư thứ nhất gửi lãnh đạo Trung Quốc. Nếu có thể được, mùa hè này, gia đình chúng tôi (vợ tôi, Đào Kim Ngọc, cũng công tác tại trường Đại học Kinh tế Tp.HCM từ 1975, nay đã về hưu), rất hân hạnh được mời cô và em Trương Ánh Dương (nếu phụ huynh em cho phép) vào thăm Thành phố và gia đình chúng tôi. Mọi chi phí ăn ở, đi lại chúng tôi rất vinh dự được thu xếp. Rất mong sớm nhận được ý kiến của cô và gia đình em Trương Ánh Dương. Trân trọng".

Cô giáo Đặng Nguyệt Anh và học sinh Trương Ánh Dương nhận được lời mời của ông Trần Khang Thụy vào thăm TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh Quyên Quyên)
Cô giáo Đặng Nguyệt Anh và học sinh Trương Ánh Dương nhận được lời mời của ông Trần Khang Thụy vào thăm TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh Quyên Quyên)
Theo nguồn tin riêng của Giaoduc.net.vn, về cơ bản cô Đặng Nguyệt Anh đã nhận lời mời của ông Trần Khang Thụy và sẽ sắp xếp vào TP.HCM theo lời mời nêu trên. Ngoài ra, một số cá nhân, tổ chức cũng đã gửi lời mời đến hai cô trò về việc tham gia một số hoạt động để cổ vũ, tuyên truyền về tình yêu nước, chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Nhân có câu chuyện đặc biệt này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã trò chuyện cùng ông Trần Khang Thụy xung quanh nội dung ông viết nêu trên.
- Thưa ông, ông có chia sẻ: "Đây quả là sự kiện dạy học có giá trị nhất trong thời điểm này mà tôi từng được chứng kiến". Ông có thể nói rõ hơn vì sao lại là "có giá trị nhất"? 
Ông Trần Khang Thụy: Theo suy nghĩ của tôi, trong tình hình hiện nay Trung Quốc đã phơi bày rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông và nó cũng cho thấy, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh các hành động để hiện thực hóa tham vọng này.
Vì thế, tôi xem sự việc thư gửi lãnh đạo Trung Quốc là sự kiện dạy học có giá trị nhất, là việc rất đáng hoan nghênh mà cả nước nên có nhiều việc làm như thế. Nó giống như một bức thư ngỏ và dưới góc độ nào đó, nó như một phần ngoại giao nhân dân góp phần vào ngoại giao chính thống của nhà nước, là điều hết sức tuyệt vời như ý của Thiếu tướng Lê Mã Lương đã nói
Tôi cũng rất tâm đắc lời của nhà báo Nguyễn Việt Chiến: “Ta nên cảm ơn và chúc mừng cô giáo Đặng Nguyệt Anh, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, là người đã góp phần đánh thức tình yêu đất nước trong tâm hồn còn rất ngây thơ của các em hôm nay”. 
Cô giáo Nguyệt Anh đã nói: “Thật sự là tôi rất ghét lối dạy học theo văn mẫu, nó làm thui chột cả tâm hồn lẫn khả năng tư duy vốn hồn nhiên, trong sáng và sáng tạo của các em”, “Bình thường thì tôi phải ra đề sao cho học sinh có thể đạt điểm tốt trong các kỳ thi của trường, của Sở Giáo dục và của Quốc gia chứ!”, điều đó thể hiện việc dám nghĩ, dám làm và làm thành công của cô, tạo nên sự kiện dạy học có giá trị nhất trong thời điểm này mà tôi từng được chứng kiến.
- Các vấn đề về "bệnh thành tích", "tuyển sinh" (sắp diễn ra)… được báo chí nói nhiều, không lẽ tầm quan trọng không "so bì" được với sự kiện này?
Ông Trần Khang Thụy: Thử hỏi trong lĩnh vực giáo dục, hiện tại có sự kiện nào giá trị hơn sự kiện này trong bối cảnh mà theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đã nói: “Chúng ta cũng đang thiếu cán bộ hiểu biết biển sâu sắc và có kỹ năng làm công tác tuyên truyền biển đảo; nội dung tuyên truyền nghèo nàn, trùng lập và sơ sài…”. Đề thi của cô giáo đã đạt được hiệu ứng: "Đọc bức thư gửi lãnh đạo Trung Quốc như xát muối vào lòng người dân Việt Nam" (lời nhà báo Nguyễn Việt Chiến).
- Theo ông, điều gì quan trọng nhất ở cô Nguyệt Anh và ở các học trò đó khiến ngành giáo dục phải hãnh diện về họ?
Ông Trần Khang Thụy: Tôi xin được ví von chuyện này giống như trong toán học, về điều kiện ắt có và đủ của mệnh đề Euclide. Cô Nguyệt Anh có điều kiện ắt có: dám nghĩ, dám làm. Cô cũng có điều kiện đủ là phải có năng lực. Ngành giáo dục nước ta rất cần những con người như vậy để giải quyết các vấn đề về "bệnh thành tích", "tuyển sinh".
- Có một điều lạ là ông công tác tới 37 năm chỉ ở môi trường ĐẠI HỌC, và lĩnh vực là ngành KINH TẾ, nhưng lại xúc động đến vậy về chuyện ở TIỂU HỌC và BIỂN ĐẢO. Ông có thể cho mọi người hiểu rõ nguồn cơn vì sao? 
Ông Trần Khang Thụy: Đại học làm sao có nếu không có tiểu học? Bố tôi cũng là một người thầy dạy tiểu học cho đến cuối đời, một người cha, như những vị thầy cô bậc tiểu học mà tôi được học đã góp phần căn bản hình thành nên nhân cách của tôi khi trưởng thành. Hàng năm, tôi vẫn còn may mắn được đến thăm viếng một vài vị thầy cô bậc tiểu học tuy tuổi đã rất cao, nhưng vẫn còn minh mẫn.
Là một công dân thì dù là một chuyên viên trong lãnh vực kinh tế hay là gì đi nữa, thì trước hết tôi cũng sống, suy nghĩ và hành động vì quê hương xứ sở. Theo tôi suy nghĩ, biển đảo hiện đang là một nỗi lo lắng nhất (có thể còn hơn các vấn nạn về kinh tế, xã hội) của người dân Việt Nam hiện nay.

- Nhiều năm làm trong ngành giáo dục, theo ông, ngành này cần làm gì để nâng cao tinh thần yêu nước cho giới trẻ, nhất là trong giai đoạn hiện nay?

Ông Trần Khang Thụy: Việc giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành giáo dục. Trước hết đó chính là trách nhiệm của các bậc cha mẹ, của gia đình. Dĩ nhiên, thầy cô giáo có một vị trí rất thiêng liêng khi chúng ta còn thơ dại, rất quan trọng khi chúng ta bước vào tuổi niên thiếu và nói rộng ra, là trách nhiệm của mỗi người lớn chúng ta.

Nhưng, cốt lõi của vấn đề nâng cao tinh thần yêu nước cho giới trẻ hiện nay chính là trách nhiệm của những nhà quản lý trong ngành giáo dục, rộng hơn nữa trong ngành tuyên huấn và cuối cùng là những nhà lãnh đạo đất nước…

- Ông có thể tiết lộ mục tiêu cũng như mong muốn của ông khi đề nghị mời 2 cô trò Đặng Nguyệt Anh - Trương Ánh Dương vào TP.HCM thăm gia đình?
Ông Trần Khang Thụy: Gia đình tôi rất vinh dự nếu lời mời được chấp nhận và chúng tôi cũng đã có kế hoạch kết hợp với công việc ra Hà Nội, sẽ xin phép được đến thăm cô giáo Đặng Nguyệt Anh và các em học trò của cô. Còn việc mời là sau khi cân nhắc với suy nghĩ của một người lâu năm trong ngành giáo dục, như một chuyến tham quan mà trường chúng tôi hay tổ chức hàng năm vậy. 
- Ông có e ngại khi lời đề nghị này được đăng lên, một bộ phận dư luận có thể cho rằng ông "chơi trội", hoặc "mượn chuyện để đánh bóng tên tuổi"? 
Ông Trần Khang Thụy: Tôi cũng chỉ là một chuyên viên bình thường sắp nghỉ hưu (vợ tôi đã nghỉ hưu) nên chẳng quan tâm hay có suy nghĩ về việc "chơi trội", hoặc "mượn chuyện để đánh bóng tên tuổi"? 
- Là người làm giáo dục gần 40 năm, điều gì khiến ông trăn trở?
Ông Trần Khang Thụy: Nói một cách bao quát nhất điều tôi trăn trở là làm sao cải cách được ngành giáo dục, mà chúng ta đang gần như dậm chân tại chỗ từ hơn 20 năm nay. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Quyên Quyên