“Thường những ông tham nhũng thì con cái chả ra gì”

30/06/2019 08:08
Kim Sơn
(GDVN) - Bác Tâm, quê Long Biên, Hà Nội bày tỏ quan điểm với phóng viên: “Những phụ huynh chạy điểm cho con kiểu gì cũng “chết” ý mà”.

Ngày 27/6, thí sinh cả nước đã hoàn thành xong cuộc “vượt vũ môn” kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019. Nhìn chung, các sĩ tử sau khi rời phòng thi đều có chung tâm trạng vui vẻ.

Đánh giá chung về đề thi năm nay, các em cho rằng, đề thi không gây bất ngờ, trọng tâm kiến thức nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12. Nội dung đề thi phù hợp với cấu trúc đề thi minh họa của Bộ.

Lắng nghe các câu chuyện tản mạn bên ngoài phòng thi của các bậc phụ huynh trong mấy ngày diễn ra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cho thấy năm nay đa số ý kiến chúng tôi ghi nhận được đều tin tưởng vào một kỳ thi công khai, minh bạch.

Bác Tâm cho rằng, những phụ huynh chạy điểm cho con kiểu gì cũng bị xử lý (ảnh Kim Sơn).
Bác Tâm cho rằng, những phụ huynh chạy điểm cho con kiểu gì cũng bị xử lý (ảnh Kim Sơn).

Ngồi chờ con bên ngoài cổng trường Trung học phổ thông Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), với tờ báo trên tay, bác Tâm cho rằng những người chạy điểm cho con, đa phần là để tìm cách vào các trường công an, quân đội. Mà chạy phải có quan hệ, tiền đút phải năm, bảy trăm triệu mới thành.

“Bố mẹ công nhân, lấy đâu ra từng ấy tiền mà chạy điểm, chạy trường. Thi lên lớp 10 mới sợ, chứ đại học có nhiều trường lo gì không có chỗ học” – bác Tâm nói.

Cũng liên quan đến gian lận thi cử, bác Tâm cho rằng, những trường hợp chạy điểm cho con, kiểu gì cũng “chết”:

“Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ông ấy bảo, củi tươi đút vào lò còn cháy cơ mà", bác nói với giọng tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Cô Hạnh nêu quan điểm, gian lận thi cử là do lỗi hệ thống (ảnh Kim Sơn).
Cô Hạnh nêu quan điểm, gian lận thi cử là do lỗi hệ thống (ảnh Kim Sơn).

Đồng tình với quan điểm này, bác Mai Tiến Dũng tin tưởng vào tính minh bạch, công bằng của kỳ thi năm nay. Bác lấy ví dụ về việc lắp đặt camera ở những phòng thi.

Khi được hỏi ý kiến về việc có nên công khai danh tính phụ huynh năm ngoái chạy điểm cho con không, cô Hạnh – một phụ huynh đưa con đi thi chia sẻ là không nên đổi lỗi cho một người, một cá nhân nào. Vì cô cho rằng, ngọn nguồn ở đây là lỗi ở cả một hệ thống.

Bác Sơn bày tỏ nguyện vọng, thi cử càng chặt càng tốt (ảnh Kim Sơn).
Bác Sơn bày tỏ nguyện vọng, thi cử càng chặt càng tốt (ảnh Kim Sơn).

Tại điểm thi trường Trung học phổ thông Quế Võ số 1, Quế Võ, Bắc Ninh, bác Sơn quê xã Cách Bi bày tỏ nguyện vọng năm nay công tác coi thi, chấm thi càng chặt càng tốt.

“Tôi để ý thấy thường những ông quan chức nào mà tham nhũng, con cái chả ra gì.

Chú ở nhà làm ruộng. Chỉ biết lo cho chúng nó ăn học. Học đại học hết 4, 5 năm là chú xong nghĩa vụ. Chứ học xong mà bố lại đi xin việc cho thì bố chịu!"

Kim Sơn