“Tích hợp, đồng sàng dị mộng”

12/01/2018 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - “Tích hợp” môn Lịch sử và Địa lý là cần thiết, nhưng nếu chỉ cắt ghép giản đơn 2 bộ môn này thành 1 cuốn sách giáo khoa thì chẳng khác nào “đồng sàng dị mộng".

Chương trình, sách giáo khoa mới tới đây sẽ có hai môn “tích hợp” (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải khá nhiều những ý kiến phản biện của các chuyên gia và các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường. 

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam: “Tích hợp” môn Lịch sử và Địa lý là cần thiết, nhưng chỉ là sự cắt ghép giản đơn  2 bộ môn Địa lý, Lịch sử thành 1 cuốn sách giáo khoa thì chẳng khác nào “đồng sàng dị mộng”.

Trao đổi thêm với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, với ý nghĩa là một môn học thì trên khắp thế giới đặc tính chung của môn lịch sử là giống nhau, nhưng vị trí của nó ở mỗi quốc gia lại rất khác nhau. 

“Việt Nam là quốc gia có lịch sử lâu đời, lại có những hoàn cảnh rất đặc biệt (nhà nước hình thành sớm do nhu cầu trị thủy và chống ngoại xâm lại trải qua thời gian hơn 1000 năm mất chủ quyền và sau đó phải liên tục chống ngoại xâm để gìn giữ độc lập…) thì vị trí của môn học này rất khác với các quốc gia có lịch sử lập quốc ngắn, hoặc mới hình thành trong quá trình di thực của chủ nghĩa thực dân phương Tây. 

Nếu không chú ý tới đặc điểm này, trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, thấy một số nước được cho là có nền giáo dục tiên tiến, nhưng lại là không quan tâm nhiều đến lịch sử (vì những lý do nêu trên), lại cho đó là hiện đại và học kinh nghiệm của họ thì rất nguy hiểm”, thầy Vũ Minh Giang nhận định. 

Chương trình môn Lịch sử hiện hành ở bậc phổ thông quá nặng vì những người xây dựng ra nó luôn sợ thiếu, muốn học sinh biết càng nhiều, thuộc càng nhiều sự kiện càng tốt mà chưa nhận thấy nhu cầu làm thế nào để học sinh yêu và thích tìm hiểu lịch sử để tự tra cứu, tìm tòi. 

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang: “Tích hợp” môn Lịch sử và Địa lý là cần thiết, nhưng chỉ là sự cắt ghép giản đơn 2 bộ môn Địa lý, Lịch sử thành 1 cuốn sách giáo khoa thì chẳng khác nào “đồng sàng dị mộng”. (Ảnh do Giáo sư Vũ Minh Giang cung cấp)
Theo Giáo sư Vũ Minh Giang: “Tích hợp” môn Lịch sử và Địa lý là cần thiết, nhưng chỉ là sự cắt ghép giản đơn 2 bộ môn Địa lý, Lịch sử thành 1 cuốn sách giáo khoa thì chẳng khác nào “đồng sàng dị mộng”. (Ảnh do Giáo sư Vũ Minh Giang cung cấp)

Thầy Giang có nêu ví dụ: “Khi tôi có dịp sang thăm và dự một giờ Lịch sử tại một trường đại học ở Hoa Kỳ, tôi thấy vị giáo sư dạy thời kỳ lịch sử Việt Nam kéo dài từ năm 1954-1965 mà chỉ bắt buộc sinh viên phải nhớ có 5 nhân vật điển hình như Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm… 

Còn lại, do ham thích, sinh viên sẽ tự tìm hiểu. 

Còn ở ta, một học sinh trung học cơ sở đã bị yêu cầu phải nhớ từ tiền cổ của Việt Nam xuất hiện từ thời đại nào (!), phải biết Độc Cô Tổn là ai…”.

Nếu chúng ta không muốn rối lên vì những yêu cầu kiểu quá chi tiết như vậy thì các nhà quản lý đổi mới giáo dục cần tập trung thay đổi thiết kế chương trình, đào tạo giáo viên và cách học của học sinh.

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, khi xây dựng chương trình và làm sách giáo khoa chúng ta cần chú ý hơn tới tâm lý lứa tuổi của đối tượng học sinh từng lớp, từng cấp học. 

“Tích hợp, đồng sàng dị mộng” ảnh 2Trao đổi với Giáo sư Đinh Quang Báo về vấn đề quá tải và tích hợp sách giáo khoa

Cụ thể, đối với học sinh tiểu học thì hãy dạy làm sao để các em được mở rộng trí tưởng tượng chứ người giáo viên đừng ne nét, bắt thuộc từng chi tiết nhỏ, đừng dạy học trò theo cách duy lý. 

Chẳng hạn, ở độ tuổi này hãy để trẻ em tha hồ tưởng tượng về vua Hùng cao lớn thế nào hay chúng tưởng tượng về Sơn Tinh, Thủy Tinh hùng dũng như thế nào thì cũng tùy chúng.

Đối với học sinh bậc trung học cơ sở, lứa tuổi rất “hiếu tri, hiếu động” (tò mò và nghịch ngợm) thì chương trình nên giáo viên cần xuất phát từ sở thích lứa tuổi để kích thíc các em tìm tòi, thậm chí nên nghĩ tới cả hình thức các trò chơi game có mang nội dung lịch sử. 

Còn đối với học sinh bậc trung học phổ thông thì lúc này chương trình và giáo viên cần dạy cho học sinh biết thế nào là một quy trình dẫn tới những kết luận khoa học của lịch sử.

Đây mới là lúc dạy các em sử học là một khoa học, chứ không phải là những tín điều, áp đặt. 

Các em sẽ hình thành một nhận thức rằng những gì đang day trên lớp là nhận thức khoa học cho đến ngày hôm nay.

Trong tương lai với những tư liệu mới được phát hiện, với những phương pháp tiếp cận mới, kết luận có thể khác. Đấy là bản chất của khoa học.

Ở phổ thông trung học có thể xây dựng bài giảng chỉ ra cho các em hiểu các nhà sử học làm thế nào để thể khẳng định thời Hùng Vương là có thật. 

Phải bắt đầu thì những phát hiện khảo cổ học kết hợp với vô số các nguồn tư liệu khác, được đối chiếu, xác minh, thậm chí sử dụng đến cả những phương pháp vật lý như phân tích  phóng xạ carbon C14 để xác định niên đại này hay dùng kính hiển vi điệ tử để nhận dạng bào tử phấn hoa mà biết thời đó đã trồng loại cây gì...

Từ những điều này, Giáo sư Vũ Minh Giang đưa ra lời khuyên rằng: “Lịch sử là quá trình, là dòng chảy không ngừng, nhưng nếu ta tổ chức theo cách phân kỳ lịch sử theo lớp, cấp khiến cho phần khó (cổ - trung đại) lại học ở lớp nhỏ tuổi và phần tương đối dễ nhận biết (cận – hiện đại) lại học ở lớp trên thì mục tiêu dạy môn Lịch sử của chúng ta sẽ rất khó thành công”. 

Muốn dạy môn Lịch sử thành công thì cần chú ý tới điều gì?

Thầy Giang cho rằng, môn Lịch sử được dạy theo hướng đồng tâm, nghĩa là toàn bộ lịch sử Việt Nam không dạy một mạch từ đầu đến cuối trải dài suốt các cấp học mà được phải được diễn dịch theo những mức độ hình thức khác nhau ở các cấp học cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi. 

Có thể khái quát thế này: Lịch sử Việt Nam cho tiểu học là làm cho học sinh mở rộng trí tưởng tượng, sang đến trung học cơ sở lại nhằm kích thích ham thích tìm tòi còn ở trung học phổ thông thì dạy cho học sinh biết cách tư duy lịch sử, hiểu sâu sắc sử học là một khoa học. 

Các đích cuối cùng không phải là học sinh nhớ được bao nhiêu sự kiện năm tháng…mà là hiểu hơn về dân tộc mình, đất nước mình, thấy tự hào về truyền thống và yêu thích tìm tòi, khám phá lịch sử.

“Tích hợp, đồng sàng dị mộng” ảnh 3Có riêng công thức năng lực cho học sinh bằng dạy học tích hợp!

Xung quanh chủ đề "tích hợp" 2 môn Lịch sử; Địa lý vào 1 sách Lịch sử và Địa lý, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam lo ngại về cách tích hợp cơ học trong biên soạn sách giáo khoa

“Dạy Lịch sử là trang bị cho người học tư duy của khoa học lịch sử nhằm thuyết phục họ rằng tất cả kết quả của lịch sử là quá trình lao động khoa học nghiêm túc.

Tuy nhiên Lịch sử cũng là môn học có tính biến đổi theo thời gian do đó bối cảnh mà sự kiện đó đã diễn ra vô cùng quan trọng đối với bài học lịch sử đó. 

Học lịch sử còn là để hiểu về các nước khác, về khu vực và thế giới. Điều này vốn đã cần nay càng cần hơn khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng. 

Chính vì vậy, khi xây dựng chương trình thì các nhà biên soạn cần gắn lịch sử Việt Nam trong tiến trình lịch sử nhân loại. 

Bấy lâu nay chúng ta giảng dạy theo kiểu cách ly lịch sử Việt Nam ra khỏi lịch sử thế giới tức là dạy lịch sử thế giới ở một cấp lớp nào đó rồi chuyển sang dạy lịch sử Việt Nam... chứ chưa cho học sinh tư duy liên hệ. 

Đó là chưa kể ta còn bị lệ thuộc vào cách phân kỳ khác nhau rất xa giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Giáo sư Vũ Minh Giang kêu gọi cần thêm nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử

Đã đến lúc chúng ta phải cho học sinh cái nhìn đối sánh lịch sử Việt Nam với lịch sử khu vực và thế giới. 

Chẳng hạn, khi dạy lịch sử thế kỷ 19, rất cần cho học sinh hiểu người Nhật Bản đã ứng xử thế nào với nguy cơ thực dân để rồi tiến hành một cuộc cải cách sâu sắc, biết Thái Lan đã “mềm dẻo” ra sao để tránh những cuộc đụng đầu với các nước tư bản châu Âu để từ đó hiểu sâu sắc thêm cái giá phải trả cho quyết tâm kháng chiến chống Pháp củaViệt Nam, đồng thời cũng hiểu đúng hơn tư tưởng cải cách của Phan Chu Trinh… 

Khi cho học sinh liên hệ theo kiểu này để các em nhận thức sâu sắc và rút ra bài học của Nhật Bản, Thái Lan và của chính mình.

Triết lý là ở chỗ chúng ta không thay được lịch sử nhưng có thể chủ động để có thể tránh được sai lầm trong tương lai. Muốn vậy phải hiểu sâu sắc các bài học của quá khứ. 

Từ tất cả những điều chưa hợp lý này, Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng, các nhà quản lý trong công cuộc đổi mới ngành giáo dục cần triệt để thay đổi tư duy, bớt càng nhiều những thứ cụ thể trong sách giáo khoa càng tốt.

Và muốn tăng cách thức để người học yêu môn Lịch sử thì tổ chức chương trình, sách giáo khoa ra sao để các em thích môn học này thay vì bắt các em phải ghi nhớ nhiều như hiện nay thì đổi mới sẽ rất khó thành công. 

Thùy Linh