Tổ trưởng chuyên môn, anh là ai?

30/12/2019 06:39
TRƯỜNG SA ĐÔNG
(GDVN) - Tổ trưởng chuyên môn giỏi, năng động, mạnh toàn diện thì chất lượng giảng dạy của nhà trường sẽ luôn được giữ vững, nâng cao.

Tổ trưởng chuyên môn tất nhiên là một người giỏi rồi! Chưa chắc đâu, ông giáo. Vì thế, câu hỏi “Tổ trưởng chuyên môn, anh là ai?” thì chúng ta phải cất công đi tìm câu trả lời thấu đáo.

Tổ trưởng chuyên môn giỏi, năng động, mạnh toàn diện thì chất lượng giảng dạy của nhà trường sẽ luôn được giữ vững, nâng cao.

Hơn nữa, việc “sở hữu” một “dàn” tổ trưởng chất lượng cao là ước mơ của nhiều hiệu trưởng vì các tổ trưởng “gánh vác” cho mình rất nhiều trong hoạt động chuyên môn, việc thực hiện kế hoạch năm học và các phong trào khác của nhà trường.

Tổ trưởng chuyên môn là người thế nào? (Ảnh minh họa: giaoduc.edu.vn)
Tổ trưởng chuyên môn là người thế nào? (Ảnh minh họa: giaoduc.edu.vn)

Đồng ý tổ trưởng chuyên môn phải là người giỏi nhất trong tổ nhưng có nhiều khi phải “chọn bó đũa làm cột cờ” vì trình độ các tổ viên sàn sàn như nhau, không có ai thực sự nổi trội…

Tìm được các “nhân tố tích cực” rồi (bằng phiếu bầu tín nhiệm của các tổ đưa lên), hiệu trưởng sẽ đặt lên “bàn cân” xem xét về mọi mặt, không phải riêng gì về mặt chuyên môn.

Chức vụ tổ trưởng chuyên môn không “lớn” nhưng là bước đệm khởi đầu cho con đường “tiến thân” sau này.

Từ “chân” tổ trưởng, nếu “một lòng một dạ” với hiệu trưởng, luôn “giúp đỡ” hiệu trưởng thì khi cần đề bạt hiệu phó thì tổ trưởng sẽ có tên.

Trước hết, tổ trưởng phải là người “trung thành”, là người “ngoan ngoãn”, biết nghe lời và biết điều.

Nếu chọn tổ trưởng là người tuy có chuyên môn giỏi tốt nhưng thường hay “cãi”, thường “phản biện” với hiệu trưởng thì cũng không nên “cơ cấu” vào cho yên chuyện.

Mọi việc nhờ vả như xin điểm cuối học kỳ, cuối năm vì mối “quan hệ”, hiệu trưởng không bao giờ nhờ trực tiếp mà phải thông qua các tổ trưởng, “nói nhỏ” với giáo viên bộ môn xin điểm.

Tăng nhiệm kỳ tổ trưởng chuyên môn ở các trường học lên 5 năm là xu thế tất yếu

Tổ trưởng thường được phân công là “tổ trưởng tổ chấm” trong các kỳ thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp nên vai trò của tổ trưởng lúc này rất lớn, mọi việc cần đến thì hiệu trưởng sẽ có các tổ trưởng “tiếp tay”…

Bên cạnh đó, tổ trưởng chuyên môn biết cách động viên các tổ viên thực hiện mọi ý kiến của hiệu trưởng như “tạo điều kiện” cho học sinh gỡ điểm khi bị điểm thấp hoặc coi thi học kỳ thì nên “du di”, bỏ qua những lỗi thông thường như trao đổi bài, chuyền bài giải cho nhau… để tỷ lệ học sinh giỏi đạt chỉ tiêu. Hoặc chấm bài “nới tay” cho các em … giỏi càng nhiều càng tốt.

Có khi gần cả tổ đã học xong chương trình cao học, đều là thạc sĩ nhưng tổ trưởng dù chỉ là “cử nhân” nhưng nhờ sự quen biết, sự “qua lại”, sự “bằng lòng” nên vẫn được hiệu trưởng cất nhắc làm tổ trưởng.

Những tổ này tuy bị “áp đặt” tổ trưởng nhưng các tổ viên cảm thấy không phục vì “cháo” làm sao chấm được “cơm”?

Việc chọn tổ trưởng đều do hiệu trưởng quyết định, các hiệu phó khác không được tham khảo ý kiến, không được tham dự vào việc bàn bạc, cân nhắc…nên rất dễ xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền của hiệu trưởng.

“Tổ trưởng, anh là ai?” rất cần câu trả lời minh bạch để cho mọi người “tâm phục khẩu phục”…

TRƯỜNG SA ĐÔNG