Tôi đã tắm, giặt cho học sinh của mình để các em không bỏ học!

12/11/2019 09:20
Trinh Phúc
(GDVN) - Cô giáo Lương Thị Hải thổ lộ, ngày đầu nhận lớp cũng nản nhưng nghĩ học trò như con mình, lại thiếu ăn, thiếu mặc... thương các em nghèo khó mà cố gắng.

Cô Lương Thị Hải là giáo viên của tỉnh Sơn La được vinh dự tuyên dương trong chương trình đồng hành cùng thầy cô năm 2019 - nằm trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức.

Sinh ra trên mãnh đất Mai Sơn, tỉnh Sơn La nên cô giáo Hải càng hiểu được cái nghèo, cái vất vả của bà con dân tộc vùng cao trong tỉnh.

Thương cho các em nhỏ vùng cao vất vả đến trường vì vậy cô Hải đã yêu và gắn bó với nghề dạy chữ để rồi 18 năm nay cô Hải đã gắn bó với mảnh đất Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La với biết bao khó khăn, thiếu thốn, nhọc nhằn.

Cô Hải tự hào cô là giáo cắm bản lâu nhất ở mảnh đất này, một cô giáo vùng cao đúng nghĩa.

Để dạy các em học sinh lớp 1 vùng cao, đòi hỏi người giáo viên phải rất kiên trì vì các em là con đồng bào các dân tộc chưa biết tiếng Việt (ảnh do nhân vật cung cấp).
Để dạy các em học sinh lớp 1 vùng cao, đòi hỏi người giáo viên phải rất kiên trì vì các em là con đồng bào các dân tộc chưa biết tiếng Việt (ảnh do nhân vật cung cấp).

Cô Hải tâm sự: “Năm học này, mình lại được phân công giảng dạy lớp 1, không hiểu đó có phải là cái duyên không mà hơn chục năm qua mình đều là cô giáo lớp 1.

Vất vả lắm, bởi học sinh nơi đây không biết tiếng phổ thông, phải dạy các em từ cách đi đứng, chào hỏi đến cầm phấn, cầm bút...”

Nhớ lại những thời gian đầu lập nghiệp chèo đò trên vùng cao, cô giáo Hải thổ lộ, mấy ngày đầu nhận lớp mình cũng nản nhưng rồi nghĩ học trò như con mình, lại thiếu ăn, thiếu mặc... thương các em nghèo khó mà cố gắng.

Học sinh của 4 bản lẻ như Nặm Ún, Thẳm Đón, Pá Ban, Căm Cặn huyện Thuận Châu cùng nhau về đây học tập.

Em xa nhất nhà cách trường cũng đến 10km. Các em còn nhỏ, việc đi lại rất khó khăn vì phải lên dốc, xuống đèo, qua suối.

Để bám được với nghề dạy học, các giáo viên vùng cao luôn phải phấn đấu hết mình, yêu thương học trò như con (ảnh do nhân vật cung cấp).
Để bám được với nghề dạy học, các giáo viên vùng cao luôn phải phấn đấu hết mình, yêu thương học trò như con (ảnh do nhân vật cung cấp).

“Ngày đầu tiên, cứ chiều đến là có mấy em học sinh cầm túi quần áo đòi xin về. Mình hỏi:

- Nhà xa thế tại sao các em lại muốn về?

- Cô cho em xin về tắm.

Thế rồi ngày nào cũng thế, mình tắm cho hơn hai chục học sinh, giặt hai chậu quần áo đầy.

Được cô giáo tắm gội cho sạch sẽ, học sinh vui lắm, thoải mái và siêng học, tỷ lệ học sinh ra lớp và chuyên cần đạt 100%.

Tại đây, các em được ăn cơm đổi bữa có thịt, trứng, rau nên học sinh thích tới trường, phụ huynh yên tâm gửi con”.

Chia sẻ nỗi thầm kín trong lòng, cô giáo Hải bày tỏ: “Nhiều lúc nhìn học sinh lại chạnh lòng nhớ con.

Đồng nghiệp cứ trêu:"Con mình không chăm đi chăm con thiên hạ”. Nhưng mình lại nhủ lòng, mình thương con người ta thì sẽ có nhiều người khác thương con mình” - cô Hải kể.

Cô giáo Hải có 2 con đều học xa nhà, cháu lớn học ở trường Nội trú tỉnh, út học ở trường Nội trú huyện. Có lần cháu bảo: “Cô giáo con bảo chưa thấy ba mẹ đi họp phụ huynh bao giờ? Toàn thấy cậu mợ đi họp cho thôi”. Con trả lời: “Ba mẹ con bận lắm vì ba mẹ con là giáo viên vùng cao mà”.

Ngày 20/11 trong mơ - suy ngẫm từ ký ức thời học sinh

Cô Hải tâm sự rằng, thương các con bao nhiêu, mình lại thương học trò nghèo khó của mình bấy nhiêu.

Có lúc, giữa trời nắng chang chang có một học sinh mặc áo len, khi hỏi ra mới biết rằng em chỉ có hai bộ quần áo mà giặt chưa khô. Mình về tìm được một bộ quần áo của con mang sang cho em mặc.

Giáo viên vùng cao rất tâm huyết với nghề, nhưng con đường lên trường luôn gian nan vất vả.

Nhiều giáo viên trẻ mới nhận công tác trên này. Lần nào lên trường đi xe máy cũng bị ngã nhưng ngã rồi lại dậy, lại tiếp tục cuộc hành trình.

Trinh Phúc