Tôi là người trong cuộc, tôi hiểu chân tơ kẽ tóc của nạn bạo lực học đường

10/12/2018 07:09
Lê Thị Quyến
(GDVN) - Là một người công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, tôi thực sự lo ngại trước những vụ bạo lực học đường bấy lâu nay được xã hội quan tâm.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Lê Thị Quyến.

Đây là những vấn đề gan ruột, và nếu không phải người trong cuộc thì không thể có góc nhìn toàn diện về học đường, bạo lực học đường đến vậy.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy hôm nay lại thêm một thông tin nghiêm trọng về bạo lực học đường: Một cô giáo tỉnh Quảng Bình cho 23 em học sinh mỗi em tát 10 cái vào học sinh nói tục trong giờ ra chơi dẫn đến em học sinh này phải nhập viện.

Dư luận xã hội một lần nữa lại dậy sóng vì sự an toàn của học sinh nơi trường học.

Là một người công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, tôi thực sự lo ngại trước những vụ bạo lực học đường bấy lâu nay được xã hội quan tâm.

Thứ nhất, với giáo viên, thực tế giáo dục đang đặt ra cho nhà giáo những áp lực lớn. Bởi đối tượng giáo dục bây giờ có nhiều điểm khác xưa.

Trước đây (khoảng 20 năm trở về trước), học sinh đi học mà vi phạm kỷ luật là sợ bị thầy cô phạt lắm, nhất là bị thầy cô mời phụ huynh đến gặp là lo về nhà bị bố mẹ mắng hoặc phạt thêm.

Làm thế nào để môi trường giáo dục luôn an toàn? Ảnh: Anninhthudo.vn
Làm thế nào để môi trường giáo dục luôn an toàn? Ảnh: Anninhthudo.vn

Còn đối tượng bây giờ, bên cạnh những học sinh có ý thức tốt cũng có không ít học sinh cá biệt, có cái tôi rất lớn, ương bướng, ngang ngạnh và lý sự hơn xưa và cũng có không ít phụ huynh học sinh bênh con khiến một số thầy cô giáo mệt mỏi.

Một thực tế nữa xảy ra là bên cạnh đối tượng học sinh có cá tính và cái tôi lớn khiến cho công tác giáo dục gặp khó khăn là công tác tuyển chọn người vào ngành sư phạm.

Nhiều em do sức học khả năng không đỗ được vào các trường xưa nay lấy điểm cao thì đăng ký vào trường sư phạm chứ không phải vì yêu thích nghề dạy học, yêu thích trẻ em, thấy mình có năng khiếu sư phạm có thể phù hợp với nghề này.

Dạy học là cả một nghệ thuật. Đã có không ít người, học giỏi, kiến thức sâu rộng nhưng học sinh lại chê dạy không hiểu hoặc công tác quản lý học sinh yếu khi được phân công vào lớp hay bị học sinh gặp Ban giám hiệu xin đổi giáo viên.

Tôi là người trong cuộc, tôi hiểu chân tơ kẽ tóc của nạn bạo lực học đường ảnh 2Ai đang bảo vệ con chúng tôi?

Và cũng có thầy cô, đứng trước ba, bốn mươi học sinh, mỗi em một tính cách, lớp dạy ồn ào, mất trật tự hoặc không học bài là buồn bực, trút giận lên trò, rồi áp lực thi đua, rồi chấm điểm thi đua thiên vị của cờ đỏ khiến lớp, trò bị phạt oan gây bức xúc thế là hậu quả xảy ra nào là quát, mắng, mỉa mai, phạt hoặc ăn đòn v.v.

Tình cảm giữa thày trò rạn nứt. Trò truyền tai nhau sang các thế hệ tiếp theo chê thày cô này thế này, thế nọ v.v.

Nhiều thầy cô muốn lớp đạt thành tích cao, muốn trò tiến bộ đưa ra nội quy riêng của lớp ngoài nội quy nhà trường.

Học sinh nghịch hay vi phạm tuần nào cũng bị kiểm điểm dẫn đến chán học càng phá lớp. Phụ huynh học sinh cá biệt hầu như tuần nào cũng bị mời đến gặp giáo viên thấy mệt mỏi, có phụ huynh nghe con chê cô trù úm con mình v.v.  

Bên cạnh đó lại có rất nhiều thầy cô giáo thành công trong công tác giáo dục để học sinh nhớ mãi mãi, phụ huynh học sinh vui sướng khi con được học thầy nọ, cô kia.

Vậy làm cách nào để trò ngoan hơn, thầy cô thêm yêu nghề, ngành sư phạm lại được ngưỡng mộ như xưa? Tôi mạo muội đưa ra mấy ý kiến sau:

Một là việc giáo dục học sinh cần có sự quan tâm của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội có sự gắn kết chặt chẽ trong công tác giáo dục không chỉ phó mặc nhà trường, thầy cô.

Hai là chương trình, sách giáo khoa nên có thêm những bài học giáo dục đạo đức cho học sinh sát với đời sống hiện nay.

Tôi là người trong cuộc, tôi hiểu chân tơ kẽ tóc của nạn bạo lực học đường ảnh 3Bệnh thành tích đã tát 231 cái tê tái vào giáo dục

Ba là tăng cường cho học sinh tham gia các hoạt động tập thể để giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh tránh mâu thuẫn dẫn đến bạo lực.

Bốn là các nhà trường nên có các buổi tuyên truyền về gương "Người tốt việc tốt" trong nhà trường hoặc ngoài xã hội để học sinh noi theo.

Năm là kiểm soát tốt công tác thi đua giữa các lớp, có các biện pháp khen thưởng, động viên kịp thời đồng thời cũng nên có tiêu chí thi đua riêng cho những lớp có nhiều học sinh cá biệt để các em phấn đấu và giáo viên đỡ chịu áp lực.

Sáu là công tác quản lý cần sâu sát nhằm ngăn chặn kịp thời bạo lực học đường từ hai phía thầy và trò và tăng cường trao đổi tư vấn nghiệp vụ sư phạm.

Bảy là công tác tuyển chọn người vào ngành sư phạm phải xem xét đến năng khiếu sư phạm, năng khiếu xử lý tình huống.

Trường sư phạm cũng nên đưa thêm vào chương trình giảng dạy bộ môn Tâm lý với các bài tập tình huống sát thực tế hiện nay để sinh viên được học tập, trải nghiệm.

Tám là nhà mạng cũng nên có biện pháp nào giúp ngăn chặn học sinh tìm đến với những trang thông tin dành cho người lớn.

Chín là bản thân cha, mẹ và người lớn cần là tấm gương sáng cho con em học tập.

Mười là những hành vi vi phạm đạo đức của người trưởng thành cũng phải xử phạt nghiêm minh có sức giáo dục, răn đe.

Lê Thị Quyến