Trách nhiệm của ngành Giáo dục ở đâu sau những sự cố?

16/08/2019 06:42
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Cứ mỗi lần xảy ra sự cố nghiêm trọng của ngành thì lãnh đạo Bộ lên tiếng nhận trách nhiệm để sửa sai, sửa đổi rồi sau đó lại thấy…lãng quên dần!

Sự cố gắng của lãnh đạo, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong toàn ngành giáo dục những năm qua đã có những thành tích nhất định như có nhiều học sinh đạt được các thành tích tốt trong các kỳ thi quốc tế, quốc gia.

Nhiều thầy cô vẫn miệt mài đến trường trên những con đường lầy lội hoặc cheo leo dốc đứng và hy sinh tuổi thanh xuân của mình ở những nơi heo hút. Nhiều thầy cô vẫn cố gắng để trở thành những nhân tố tích cực trong giảng dạy, công tác.

Nhưng, những sự cố giáo dục liên tục trong những năm qua cho thấy ngành giáo dục đang còn rất nhiều những hạn chế, yếu kém mà ở đó có một nguyên nhân chính là cách điều hành, chỉ đạo của ngành giáo dục.

Những ngôi trường "quốc tế" lớn được gắn nhãn mác như thế này vẫn mặc nhiên tồn tại (Ảnh minh họa: P.Duy.)
Những ngôi trường "quốc tế" lớn được gắn nhãn mác như thế này vẫn mặc nhiên tồn tại  (Ảnh minh họa: P.Duy.)

1. Cứ nhìn sự cố gần đây nhất là việc một học sinh tử vong trên ô tô của trường quốc tế Gateway thì chúng ta đã thấy có những yếu kém hiện rõ.

Những cơ quan cấp phép, những cơ quan quản lý giáo dục ở đâu để đến khi sự cố xảy ra thì mới biết có nhiều vấn đề ở ngôi trường này.

Trường Gateway vẫn mở cửa là thiếu nhân văn, pháp luật chưa nghiêm
Trường Gateway vẫn mở cửa là thiếu nhân văn, pháp luật chưa nghiêm

Vậy, chức năng, nhiệm vụ, tham mưu của Phòng, Sở Giáo dục là gì mà để những ngôi trường như vậy cứ mặc nhiên tồn tại, phát triển giữa đất thủ đô Hà Nội để đánh lừa vào tâm lý phụ huynh?       

2. Vụ việc tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nhưng kể từ khi phát hiện ra tiêu cực đến nay đã hơn một năm mà chưa có ai thật tâm nhận trách nhiệm!

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng chỉ buông những tiếng thở dài và lên tiếng xử lý nghiêm giáo viên vi phạm rồi cũng đi vào quên lãng.

Danh sách thí sinh được nâng khống điểm không công bố, thí sinh được xác định là dính líu đến tiêu cực nhưng đủ điểm chuẩn sau khi chấm lại vẫn tiếp tục được học tập bình thường.

Việc làm này giống như những tên trộm cướp ngoài đường sau khi bị bắt, lấy lại tang vật thì thả ra vậy. Nhưng, có kẻ trộm cướp nào mà khi bị bắt không xử lý hình sự chưa?

Trách nhiệm của ngành Giáo dục ở đâu sau những sự cố? ảnh 3Giám đốc Sở chỉ nhờ xem mà cấp phó lại nâng điểm, lạ thật!

Trong khi, tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 hình thành trên một diện rộng với 3 tỉnh đã bị phát hiện và hơn 200 thí sinh được xác định nâng điểm.

Vậy nhưng, danh sách thí sinh không công bố, đường dây hình thành không được công khai.

Cuối cùng chỉ có một số cán bộ giáo dục bị truy tố. Những lời khai của bị can chưa được làm rõ…

Tất nhiên, xử lý sự việc này là sự chung tay của nhiều cơ quan khác nữa nhưng chức năng của ngành giáo dục là phải công bố danh sách thí sinh vi phạm và dừng việc học tập đối với những thí sinh dù đủ điểm chuẩn.

Nhưng, như chúng ta đang thấy thì hình như Bộ đã không có chủ trương này với một lý do rất nhân văn là cha mẹ các em làm, các thí sinh không biết.

Vậy, cha mẹ các em này làm tại sao lại không xử lý được cha mẹ các thí sinh một cách rốt ráo mà chỉ mới có 1 phụ huynh ở Hà Giang và 5 phụ huynh ở Hòa Bình bị điểm tên? 

3. Các loại hình đào tạo, quản lý văn bằng, chứng chỉ của ngành giáo dục hiện nay có rất nhiều chuyện đáng bàn.

Mới đây nhất là vụ việc Hiệu trưởng Dương Văn Hòa, Phó trưởng Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên Trần Ngọc Quang cùng 2 cán bộ nhà trường là Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương của trường đại học Đông Đô bị truy tố, bắt giam càng bộc lộ rõ trong việc quản lý của Bộ.

Tại sao một trường không được phép đào tạo văn bằng 2 mà nhà trường vẫn tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho khoảng 3.000 người? Nhiều người vừa học, vừa thi chỉ 2 ngày là xong chương trình đại học và được cấp bằng cử nhân?

Việc quản lý và cấp phôi bằng đại học phải chăng chưa có sự chặt chẽ và còn nhiều kẽ hở để một số cá nhân trục lợi. Liệu những “cử nhân” như vậy rồi họ sẽ học cao học, làm nghiên cứu sinh sẽ nguy hiểm như thế nào cho đất nước trong tương lai?

Bởi, theo chia sẻ của cơ quan chức năng thì những người học ở đây đều là những người nắm giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh!

4. Là cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng khi họ chủ trương tăng giá và đã in giá mới trên sách giáo khoa thì Bộ cũng không biết.

Trách nhiệm của ngành Giáo dục ở đâu sau những sự cố? ảnh 4Xem bảng lương Nhà xuất bản Giáo dục làm sao tin nổi sách giáo khoa lỗ

Khi báo chí vào cuộc thì lãnh đạo Bộ ra công văn không cho tăng giá vào năm học 2019-2020 nhưng cuối cùng lại vẫn cho tăng giá sách giáo khoa?

Đây chính là sự thiếu cương quyết của Bộ hay chính Nhà xuất bản Giáo dục đã “qua mặt” lãnh đạo Bộ hay còn một nguyên nhân nào khác nữa?

Trong khi, mỗi cuốn sách giáo khoa chỉ cần tăng 1-2 nghìn đồng là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu gia đình học sinh.

Vậy nhưng, bây giờ thì sách giáo khoa cho năm học mới đã được chấp thuận tăng giá và Bộ Giáo dục đã “tự việt vị” vì những chỉ đạo của mình.

5. Bài toán nhân sự ngành giáo dục cứ nhì nhằng nhiều năm qua chưa giải quyết dứt điểm được. Ngay trước thềm năm học này thì lãnh đạo Bộ cũng đã xác định giải quyết những tồn tại, trong đó: “Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên” là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của năm học.

Vẫn biết bài toán thừa- thiếu cục bộ giáo viên đã diễn ra nhiều năm và cơ quan tuyển dụng không phải là ngành giáo dục nhưng hàng năm Bộ phân bổ chỉ tiêu đào tạo sư phạm cho các trường đại học, cao đẳng.

Và, lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương là cơ quan tham mưu và cũng là một trong những cơ quan đồng tuyển dụng, luân chuyển giáo viên hàng năm. Vậy nhưng, những năm gần đây cứ đến  đầu năm học mới lại nổi lên chuyện giáo viên bị cắt hợp đồng, cầu cứu các cơ quan chức năng.

Nếu Bộ Giáo dục không nhìn thẳng vào sự thật, không nhìn ra những yếu kém, hạn chế của mình để khắc phục thì có lẽ mãi mãi chỉ chạy theo đuôi để giải quyết hậu quả trong ngành.

Cứ mỗi lần xảy ra sự cố nghiêm trọng của ngành thì lãnh đạo Bộ lên tiếng nhận trách nhiệm để sửa sai, sửa đổi rồi sau đó lại thấy…lãng quên dần! Vì thế, những sự cố vẫn liên tục xảy ra và uy tín ngành giáo dục đang thực sự bị thách thức trước dư luận.

Vì thế, những tấm huy chương vàng quốc tế của các em học sinh dù đáng quý và lấp lánh nhưng cũng trở nên nhạt nhòa trước muốn vàn bất cập, hạn chế của ngành giáo dục hiện nay.

NGUYỄN CAO