Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng đã trung thực chưa?

23/08/2019 10:26
LÃ TIẾN
(GDVN)- Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng nói chỉ cho Đại học Đông Đô thuê cơ sở vật chất, nhưng không hiểu sao lại trực tiếp tuyển sinh, thu tiền của học viên.

Theo đơn kiến nghị, có khoảng 200 học viên đang theo học Lớp chính quy văn bằng 2, Khoa Luật Kinh tế do Trường Đại học Đông Đô liên kết tuyển sinh, đào tạo tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng.

Tuyển sinh thoải mái, dễ dãi

Các học viên phản ánh, tháng 5/2017, Trường Đại học Đông Đô có thông báo tuyển sinh hệ đại học chính quy, văn bằng 2 và liên thông đại học chuyên ngành Luật Kinh tế do bà Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng nhà trường ký.

Điều đáng nói là trong thông báo tuyển sinh này, Trường Đông Đô thông báo về phương thức tuyển sinh là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và kết quả học tập năm lớp 12.

Trong khi đó, nếu dựa vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia chỉ áp dụng cho các đối tượng học liên thông, đại học, còn nếu học văn bằng 2, học viên phải có một bằng đại học trước đó.

Cũng theo thông báo, mức học phí trường thu 1,1 triệu đồng/tháng, mỗi kỳ thu 5 tháng.

Sau khi nộp hồ sơ, mỗi học viên đều được nhận giấy nhập học và tham gia học tập tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng viết biên lai thu tiền học phí cho học viên học văn bằng 2 Khoa Luật Kinh tế của Trường Đại học Đông Đô (Ảnh: Lã Tiến)
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng viết biên lai thu tiền học phí cho học viên học văn bằng 2 Khoa Luật Kinh tế của Trường Đại học Đông Đô (Ảnh: Lã Tiến)

Một học viên phản ánh: “Khi chúng tôi nhận được thông báo tuyển sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng về việc liên kết với Trường Đại học Đông Đô mở lớp văn bằng 2 Khoa Luật Kinh tế.

Chúng tôi tới nộp hồ sơ thì người của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng trực tiếp thu hồ sơ.

Sau khi trúng tuyển vào học, trung tâm cử giáo viên chủ nhiệm phụ trách điểm danh lớp; thu tiền học phí xuất biên lai đóng dấu của trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng”.

Cũng theo học viên này, mỗi học viên lớp văn bằng 2 đóng học phí 6 kỳ học, trung bình mỗi kỳ từ 6-7,1 triệu đồng, cao hơn nhiều so với thông báo tuyển sinh.

Ngoài tiền học phí, học viên phải đóng thêm 500 nghìn đồng/người cho phòng Tài vụ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng.

Hơn nữa, khi học tập tại trung tâm, các học viên cũng không biết giáo viên trực tiếp giảng dạy là cán bộ ở trường nào và khẳng định không phải giáo viên của Trường Đại học Đông Đô.

Cũng theo đơn kiến nghị của các học viên, mặc dù lịch học tại trung tâm dàn trải trong 2 năm theo đúng thời gian đào tạo, nhưng các học viên được thông báo chỉ học 1 năm là được cấp bằng tốt nghiệp.

Thời gian học chủ yếu là vào thứ 7 và chủ nhật, có môn học 4 buổi nhưng có môn chỉ học có 1 buổi là xong.

Trong thời gian học, các học viên phải đóng rất nhiều tiền như: tiền quỹ lớp, tiền thi qua môn, tiền phụ thầy cô giáo xuống coi thi, tiền làm thẻ sinh viên, tiền học diễn án tốt nghiệp…

Truy nã ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đông Đô
Truy nã ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đông Đô

Điều đặc biệt là, trong suốt quá trình học, bà Nguyễn Thị Thảo, Phó khoa Luật kinh tế của Trường Đại học Đông Đô, người được giới thiệu là giáo viên chủ nhiệm lớp, trong suốt hai năm học đều không thông báo điểm cho học viên.

Chỉ đến khi học viên đã thi xong tốt nghiệp, người này mới gửi danh sách thi lại cho các lớp.

Số lượng học viên thi lại lên tới gần 200 người, trong đó có những người phải thi lại tới 17 môn. Kèm theo thông báo đó là phí học lại của một lớp lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Trung tâm có dối trá, lừa dối học viên?

Các học viên đã đưa ra những chứng cứ để chứng minh rằng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng đã trực tiếp thông báo tuyển sinh, thu tiền của học viên và tổ chức nhiều hoạt động khác liên quan đến đào tạo văn bằng 2 Khoa Luật Kinh tế.

Do đó, các học viên cho rằng Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng là đơn vị đã tiếp tay cho Trường Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 trái phép.

Tuy nhiên, tại cuộc làm việc với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng lại nhiều lần khẳng định, trung tâm chỉ cho Đại học Đông Đô thuê cơ sở vật chất.

Theo ông Thiện, trong hợp đồng giữa Trường Đông Đô với trung tâm thì Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng chỉ cho thuê địa điểm để Trường Đại học Đông Đô tuyển sinh và dạy học.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng có dối trá trong việc bắt tay với Đại học Đông Đô mở lớp đào tạo văn bằng 2 trái phép (Ảnh: Lã Tiến)
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng có dối trá trong việc bắt tay với Đại học Đông Đô mở lớp đào tạo văn bằng 2 trái phép (Ảnh: Lã Tiến)

Phóng viên có đặt câu hỏi, trung tâm chỉ cho thuê cơ sở vật chất nhưng tại sao lại đứng ra tuyển sinh, thu tiền, sắp xếp lịch học và nhiều hoạt động khác.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Thiện thừa nhận, do Trường Đại học Đông Đô thiếu người, nên trung tâm đã thực hiện các phần việc như tổ chức lớp, thu học phí, điều hành các hoạt động của các lớp văn bằng hai này.

Ông Thiện cũng thừa nhận, Trung tâm chỉ căn cứ vào “Đề án tuyển sinh năm 2017 của Trường Đông Đô” để mở lớp tại Hải Phòng.

“Trường Đại học Đông Đô có giao trung tâm nhận tuyển sinh hộ và thuê nhân lực của trung tâm để thực hiện công tác tuyển sinh.

Việc thu học phí, trung tâm thực hiện theo sự ủy quyền của Trường Đông Đô sau đó gửi số tiền thu được về nhà trường.

Ngoài ra, trường Đông Đô cũng thuê giáo viên phụ trách lớp văn bằng 2 Khoa Luật Kinh tế”, ông Thiện nói.

Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2, Thanh tra Bộ Giáo dục ở đâu?
Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2, Thanh tra Bộ Giáo dục ở đâu?

Để xác thực thông tin trên, phóng viên có đề nghị ông Thiện cung cấp hợp đồng giữa hai bên, các văn bản ủy quyền… chứng minh việc trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng chỉ cho Trường Đông Đô thuê cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, ông Thiện từ chối với lý do Bộ Công an đang vào cuộc điều tra, trung tâm cũng đã có báo cáo gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, khi bắt tay với Đại học Đông Đô, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng tại sao lại không xem xét tính pháp lý của trường này trong việc đào tạo văn bằng 2?

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng lại nói rằng không nắm được việc này.

Ông Thiện cũng không cung cấp thêm bất kỳ văn bản nào nào chứng minh được trung tâm chỉ cho thuê cơ sở vật chất.

Điều đó cho thấy, những nghi vấn của các học viên về việc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng liên kết với Trường Đại học Đông Đô mở lớp đào tạo văng bằng 2 trái phép là hoàn toàn có cơ sở.

Do đó, các học viên mong muốn Bộ Công an và các cơ quan ban ngành thành phố Hải Phòng vào cuộc điều tra, làm rõ những nghi vấn, thắc mắc trên.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng không báo cáo sở về việc trung tâm cho thuê địa điểm hay liên kết với Trường Đại học Đông Đô.

Ngày 20/8/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã yêu cầu Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng báo cáo vụ việc bằng văn bản. 

LÃ TIẾN