Trước thềm năm học mới, nghe giáo viên kể chuyện đau xót hợp đồng

03/09/2019 06:42
Vũ Ninh
(GDVN) - Phận giáo viên hợp đồng long đong như nước chảy bèo trôi, trôi đến đâu thì hay đến đó. Mỗi dịp đầu năm học lại được nghe nhiều câu chuyện xót xa.

Xót xa phận giáo viên hợp đồng

Cùng đứng trên bục giảng, cùng dạy dỗ học sinh, thế nhưng vị thế của những giáo viên hợp đồng chưa bao giờ có thể sánh được với những giáo viên biên chế.

Có những người còm cõi gom góp đồng lương cũng chẳng đủ nuôi thân. Cứ mỗi độ đến đầu năm học mới, thấy đồng nghiệp xúng xính quần áo đến khai giảng, giáo viên hợp đồng lại canh cánh nỗi lo: Năm tới có còn được đi dạy.

Giáo viên hợp đồng và những điều khoản đầy may rủi
Giáo viên hợp đồng và những điều khoản đầy may rủi

Dù mới ra trường và đi dạy được 2 năm, nhưng chị Trịnh Thúy Quỳnh, giáo viên Thái Nguyên, đã thấm thía cái cảnh giáo viên hợp đồng.

Quỳnh viết những dòng thật xót xa: “Vậy là em đã không còn là giáo viên hợp đồng nữa rồi.

Năm học mới, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ các em học sinh và nhớ chính hình ảnh của mình một năm trước”.

Trong mắt của người giáo viên trẻ vẫn ánh lên tình yêu nghề, yêu trò, yêu trường lớp. 

Năm học tới, Quỳnh không còn được đứng trên bục giảng, phải đợi xin việc tại một ngôi trường nào đó.

Quãng thời gian thử thách với những giáo viên hợp đồng trẻ. Giữa bộn bề mưu sinh của cuộc sống, liệu Quỳnh có đợi để đứng trên bục giảng một lần nữa hay sẽ rẽ ngang một con đường khác.

Quỳnh tâm sự: “Mặc dù chỉ dạy hợp đồng 2 năm nhưng em cũng thấm thía phần nào áp lực từ công việc này. 

Mức lương thấp, áp lực cao. Em thực sự khâm phục những ai dạy hợp đồng lâu năm. Thầy cô phải yêu nghề và kiên định lắm”.

Tâm trạng của Quỳnh, cô Xuân hiểu được. Cô Xuân là một trong số những giáo viên hợp đồng gần 20 năm trong nghề.

Lần hồi tháng ngày với đồng lương eo hẹp, thế nhưng cô Xuân vẫn hoàn thành công việc của trường. Ngoài thời gian dạy ở trường cô phải đi hái lá sen, cấy thuê, nuôi gà lợn.

Có những năm đàn lợn ốm, chết sạch, kinh tế lao đao, cô chỉ muốn bỏ nghề để chuyên tâm làm kinh tế gia đình.

Buổi tối cô Xuân tranh thủ băm lá sen kiếm thêm thu nhập (Ảnh: V.N)
Buổi tối cô Xuân tranh thủ băm lá sen kiếm thêm thu nhập (Ảnh: V.N)

Nhắc đến quãng thời gian ấy, cô Xuân cho biết: “Thời điểm đó thực sự khó khăn. Đàn lợn ốm lăn ra chết sạch. Trong khi lương của tôi thì rất thấp chỉ hơn 1 triệu đồng/ tháng.

Ngoài công việc dạy chính ra hoàn toàn không có thêm bất kỳ khoản nào thậm chí bảo hiểm xã hội còn không được đóng. 

Nhiều lúc nghĩ chán nản tự ví mình như một con thiêu thân, biết khổ, biết cực vẫn lao đầu vào”.

Cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên hợp đồng Ba Vì lại không có được sự kiên định như cô Xuân. Năm học tới, cô Hằng “bỏ quách” hợp hợp đồng giáo viên rồi đi xuất khẩu lao động.

Từ Hàn Quốc xa xôi, cô Hằng vẫn thường xuyên gọi về cho cậu con trai tên Quân. 

Trong câu chuyện cô vẫn không quên hỏi thăm ngôi trường cô đã từng dạy, hỏi thăm đồng nghiệp gắn bó với mình hơn chục năm.

Trong giọng nói của cô có gì đó oán trách, có gì đó nuối tiếc, cô xót xa lắm: “Nếu không vì cuộc sống chật vật quá chắc tôi không bỏ nghề đâu. 

Mình bỏ vì mình không thể xoay xở được nữa. Con cái đến tuổi vào Đại học, chồng thì ốm không làm ra được tiền. Trong khi đồng lương thì quá thấp.

Đi làm nghề khác nhưng tôi vẫn nhớ nghề giáo viên chứ! Nhớ những tiết dạy, nhờ ngôi trường mình gắn bó cả thời thanh xuân, nhớ những lứa học sinh mình dìu dắt. Nếu không vì quá khổ tôi đã không bỏ nghề”.

Công việc của thầy Tăng khi kết thúc hợp đồng (Ảnh:NVCC)
Công việc của thầy Tăng khi kết thúc hợp đồng (Ảnh:NVCC)

Giáo viên hợp đồng, mỗi người một thân phận, một câu chuyện. Dẫu biết nói ra đây cũng chẳng giúp được gì nhiều cho các thầy cô. Nhưng tiếng lòng của họ, đáng để nói ra, đáng để than phiền lắm!

Ít ra để xã hội thấy được có những thầy cô đi dạy mà khổ như thế đấy? Còn đâu nghề cao quý; để xã hội có thể phần nào cảm thông, trân trọng những người đứng trên bục giảng.

Thầy Phùng Đức Tăng, giáo viên Ba Vì, trong cái nắng chang chang mùa hè, thầy đi hàn xì, đi lắp đặt điều hòa… 

Thầy gửi từng tin nhắn học sinh nhắn cho thầy: “Mấy nay con đi học mà không thấy thầy đâu”. 

Thầy chua xót: “Ngày 15/8, đúng ngày học sinh tựu trường, chúng tôi đi dạy buổi đầu tiên thì cũng là ngày tôi biết mình phải nghỉ việc”.

Cần xóa nhòa khoảng cách giáo viên hợp đồng – biên chế trong tư tưởng

Những người như cô Quỳnh, thầy Tăng, cô Hằng, cô Xuân…dù khoảng cách thế hệ là tương đối xa nhưng đều là nạn nhân của cơ chế tuyển dụng ồ ạt. 

Thời điểm các thầy cô bước chân vào bục giảng, cơ quan tuyển dụng hứa hẹn đủ điều.

Hải Phòng cho phép kéo dài thời gian hợp đồng lao động với giáo viên
Hải Phòng cho phép kéo dài thời gian hợp đồng lao động với giáo viên

Đến thời điểm này những nạn nhân lịch sử như vậy không thể giải quyết dứt điểm.

Đúng theo kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Người ta vẫn nói: thỏ khôn hết, chó săn bị mổ thịt, chim bay cao hết, cung tốt vứt bỏ.

Điều này phần nào đúng với thân phận của giáo viên hợp đồng lâu năm. Nghĩ lại những ngày đầu Huyện mời gọi giáo viên về trường cô Ngô Thị My, giáo viên Đông Anh nói: 

“Họ tuyển dụng ồ ạt. Những đợt thi viên chức lại rất ít làm tồn đọng nhiều giáo viên hợp đồng.

Không tuyển giáo viên hợp đồng thì không có người dạy. Cũng do cung nhiều mà cầu thì ít, ngành sư phạm đào tạo ồ ạt. Mỗi năm mấy chục nghìn sinh viên thất nghiệp.

Vậy là giáo viên già và giáo viên trẻ ngơ ngác nhìn nhau. Người này có việc thì người kia mất việc”.

Trong những lời nói của cô My cũng có thầm trách cơ quan tuyển dụng và các nhà trường. 

Cô nói: “Họ tính toán kỹ lưỡng lắm. Họ tuyển nhiều hợp đồng vừa đảm bảo có người dạy lại không phải trả lương cao. Có những nơi lương hơn 1 triệu đồng/ tháng. Có phải là họ quá lời không? 

Bên cạnh đó không thể nói giáo viên hợp đồng là kém vì nhiều giáo viên còn giữ chức vụ quan trọng và chuyên môn rất tốt”.

Khai giảng, người xúng xính quần áo, người trở về nhà mưu sinh (Ảnh:NVCC)
Khai giảng, người xúng xính quần áo, người trở về nhà mưu sinh (Ảnh:NVCC)

Ngoài ra sự phân biệt hợp đồng – biên chế cũng xảy ra trong chính môi trường sư phạm, nơi đáng lẽ ra phải đạo đức, bình đẳng nhất.

Gần 10 năm dạy hợp đồng, cô My gom góp nhiều câu chuyện kể cho độc giả nghe.

Cô tâm sự: “Có nhiều ví dụ điển hình cho việc phân biệt hợp đồng, biên chế lắm chứ. 

Không chỉ riêng chuyện lương lậu, chế độ. Vị thế giáo viên hợp đồng cũng không thể bằng giáo viên biên chế.

Ngay trường tôi, có những giáo viên biên chế dù ít tuổi hơn nhưng cũng có thái độ bề trên so với giáo viên hợp đồng. Hiệu trưởng tất nhiên là luôn bênh vực giáo viên biên chế.

Đỉnh điểm là mỗi lần sơ kết cuối năm, giáo viên biên chế liên hoan tiệc ngọt, tiệc nhạt. Những ngày đó chúng tôi ở nhà, tủi thân vô cùng”.

Cô Thúy phải làm thuê đủ nghề để duy trì cuộc sống bên cạnh đồng lương ít ỏi (Ảnh:V.N)
Cô Thúy phải làm thuê đủ nghề để duy trì cuộc sống bên cạnh đồng lương ít ỏi (Ảnh:V.N)

Những câu chuyện cô My kể chỉ là một phần khoảng trống nhỏ tại các trường. Nhưng không thể phủ nhận nhiều lần chúng ta nghe thấy giáo viên hợp đồng phàn nàn bị đối xử bất công.

Thiết nghĩ trong môi trường sư phạm mọi thước đo đếu được đánh giá dựa trên sự hiệu quả giảng dạy của người thầy. Cớ vì sao còn phân biệt hợp đồng – biên chế.

Năm học mới, người vui, người buồn. Có người tung tăng váy vóc đến trường, có giáo viên mặc áo bảo hộ lao động lăn lóc trên những hè phố kiếm tiền. 

Nói ra những chuyện này cũng chỉ vì muốn có thêm nhiều người đồng cảm và buồn cùng với giáo viên hợp đồng.

Vũ Ninh