Trường nghề "tâm tư" vì không được dạy văn hóa trung học phổ thông

15/09/2021 07:06
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc phải “Học nghề một nơi, học văn hóa một chỗ khác” đã gây ra nhiều lo ngại cho phụ huynh học sinh, lo ngại về việc phân luồng học sinh.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã và đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông trong các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mới đây.

Dự thảo Thông tư này khi được ban hành sẽ là cơ sở quan trọng cho việc dạy văn hóa trong trường nghề, vốn là câu chuyện thu hút sự quan tâm của người học bấy lâu nay.

Từ thực tế tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho thấy, việc Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội phải liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để dạy học văn hoá từ năm học 2021 – 2022 đã khiến nhiều phụ huynh lo ngại và đã có đơn kiến nghị.

Thực trạng tại các trường nghề hiện nay, việc phải “Học nghề một nơi, học văn hóa một chỗ khác” đã gây ra nhiều lo ngại cho phụ huynh học sinh.

Trong buổi Hội nghị trực tuyến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa Trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày 8/9, đại diện nhiều trường nghề cho rằng, dự thảo cần tạo quyền lợi được dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cho người học trung cấp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) chia sẻ, liên quan đến việc dạy văn hóa trong trường nghề, dự thảo này chỉ ghi chung chung, đúng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 là:

“Giúp cho học sinh có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở theo học trình độ trung cấp có nguyện vọng học lên trình độ cao đẳng trong cơ sở Giáo dục nghề nghiệp được học kiến thức văn hóa Trung học phổ thông để học lên trình độ cao hơn của Giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật”.

Theo ông Hùng, các môn học văn hóa Trung học phổ thông trong dự thảo Thông tư quy định về dạy văn hóa phổ thông ở trình độ trung cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ cần đảm bảo tính liên thông dọc (để có thể học tiếp lên cao đẳng), mà cần cả tính liên thông ngang.

Muốn vậy, nội dung quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần được thiết kế thống nhất với các môn học của chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục Trung học phổ thông về cả cấu trúc, nội dung, thời lượng học tập (số tiết các môn học).

Gần 500 phụ huynh tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã "đứng ngồi không yên" với quy định của ngành giáo dục. Ảnh: Hà Nội mới

Gần 500 phụ huynh tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã "đứng ngồi không yên" với quy định của ngành giáo dục. Ảnh: Hà Nội mới

Như vậy, theo dự thảo quy định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hiểu, các trường nghề không được dạy văn hóa bậc Trung học phổ thông; người học muốn có tấm bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông phải đi học ở các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên.

Điều này đã gây ra nhiều băn khoăn từ các trường đến phụ huynh học sinh khi cho con theo học tại các trường nghề.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Dương Minh Ánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho rằng chúng ta đang hội nhập và phát triển nên không thể nào giới hạn việc học liên thông chỉ trong phạm vi Giáo dục nghề nghiệp, điều này sẽ là một bất cập, đặc biệt là triết lý học tập suốt đời của nền giáo dục. Với những rào cản từ thực tế như vậy việc phân luồng sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, bà Ánh nêu: “Về chủ trương chung thì chúng tôi không có vấn đề gì phản đối. Tuy nhiên, nếu các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện thì nên được giảng dạy bổ sung môn văn hóa để các học viên có thể dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Các quy định làm sao cần tạo điều kiện và đặt lợi ích cao nhất của người học.

Ông Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung chia sẻ tại hội nghị góp ý dự thảo cho thấy, không thể phủ nhận hiện nay nhu cầu của học sinh tìm đến chương trình hệ 9+ là muốn vừa học nghề, vừa có thể học văn hóa để được dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Theo dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em phải học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông gồm 7 môn học: Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.

Mấu chốt nằm ở chỗ việc dạy chương trình 7 môn không được trường nghề đảm nhiệm mà bắt buộc phải kết hợp với một trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Chính điều này tạo ra rất nhiều vướng mắc khi phải lệ thuộc vào các cơ sở Giáo dục thường xuyên, khiến trường nghề khó linh hoạt chương trình đào tạo.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động thương binh và xã Hội. Ảnh chụp màn hình

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động thương binh và xã Hội. Ảnh chụp màn hình

Trong khi trên thực tế hiện nay, hầu hết các trường nghề đều có đủ nguồn lực về đội ngũ và cơ sở vật chất để giảng dạy chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông.

Chưa kể phần lớn các trường đã và đang tự dạy khối lượng kiến thức Trung học phổ thông cho hệ trung cấp, gồm 4 môn Toán, Văn, Lý, Hóa, ngay tại cơ sở thì việc đảm đương thêm 3 môn còn lại là không quá khó.

Do đó, hầu hết các trường nghề đều mong muốn được dạy văn hóa song hành cùng dạy nghề, giúp người học sau ra trường vừa có bằng nghề, vừa có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông để cơ hội liên thông sau này rộng mở hơn.

Chia sẻ tâm tư với các trường, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, xoay quanh câu chuyện làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giáo dục nghề nghiệp. Đó là vừa học văn hóa, vừa học nghề. Đây là cốt lõi căn bản nhất và phải đứng trên quan điểm "lợi ích của người học là số 1".

"Quan trọng nhất, nhu cầu của người học, người dân là gì thì Nhà nước phải thiết kế hệ thống thể chế để chúng ta quy định để chúng ta kiến tạo điều đó. Không đứng trên lợi ích của cá nhân hay nhóm lợi ích nào, chúng ta đứng trên quan điểm của hệ thống, đứng trên mục tiêu tổng thể. Chúng tôi cũng đang có quan điểm như thế: Không phải của anh, của tôi mà là của chúng ta".

Lại Cường